Một trong những dấu hiệu của trái tim Ki-tô hữu là khát khao hòa hợp, khát khao cuối cùng được hiệp thông với càng nhiều người càng tốt, để mọi người cùng lên thiên đường mà không đòi hỏi họ phải giống như mình mới lên đó được. Đáng buồn thay, chúng ta có khuynh hướng khăng khăng giữ quan niệm ngược lại, mặc dù chúng ta không dễ dàng thừa nhận điều đó.
Tất cả chúng ta đều muốn được coi mình có lòng bao dung, thương yêu quảng đại, đầy tình thương như chúa Giê-su, nhưng chúng ta lại có quá nhiều quan niệm và hành động đi ngược lại điều đó. Tình thương, chân lý và việc thờ phụng thường, một cách vô thức, căn cứ vào việc coi mình là đúng bằng cách coi người khác là sai. Rất thường xuyên, chúng ta có một câu thần chú vô thức như thế này: tôi chỉ có thể tốt đẹp, nếu người nào khác xấu xa. Tôi chỉ có thể đúng, nếu người nào khác sai. Tín điều của tôi chỉ có thể chân chính, nếu tín điều của người nào khác sai lầm. Tôn giáo của tôi chỉ có thể đúng, nếu tôn giáo của người nào khác sai. Bí tích của tôi chỉ có thể đúng đắn, nếu bí tích của người nào khác sai trái. Và tôi chỉ có thể lên thiên đàng, nếu người nào khác xuống địa ngục.
Chúng ta biện minh cho quan niệm chia rẽ và tâm lý tự tôn đạo đức-tôn giáo này bằng cách viện dẫn nhiều thứ khác nhau: tín điều đúng đắn, tính cần thiết phải có công lý, luân lý chuẩn mực, giáo hội học đúng đắn, thực hành nghi lễ đúng đắn, và nhiều điều khác nữa. Cũng có đôi phần đúng như vậy. Để thiên đường của bạn bao gồm tất cả mọi người không có nghĩa là mọi chân lý, luân lý, và nghi lễ giáo hội phải trở nên tương đối, rằng điều mình tin hay cách mình làm và thờ phụng là không có hệ quả tối hậu nào. Kinh thánh Ki-tô và truyền thống của chúng ta đã cảnh cáo rõ ràng rằng có những điều đúng đắn và sai trái nhất định, có những thái độ và hành động nào đó có thể loại chúng ta ra khỏi Nước Chúa, thiên đàng. Nhưng cũng cùng sách Kinh thánh đó đã nói không kém phần rõ ràng, rằng ý muốn cứu rỗi của Chúa là phổ quát, và khao khát sâu thẳm, kiên định, thiết tha của Chúa là mọi người, tuyệt đối không trừ một ai, bất kể thái độ và hành động của họ như thế nào, cách nào đó họ sẽ được đưa vào nhà Chúa. Dường như Chúa không yên lòng ngồi yên chừng nào mọi người chưa về nhà, chưa ngồi vào cùng một mâm.
Một cách kiên quyết, Giê-su cũng dạy chính điều này. Ví dụ, trong Phúc âm Luca, chương 15, người đã kết hợp ba câu chuyện để nêu ý này: Người chăn cừu rời bỏ 99 con cừu để đi tìm một con đi lạc; người phụ nữ có mười đồng xu, bị mất một đồng, bà không thể nào yên lòng cho tới khi tìm ra được đồng xu đã mất; và người cha mất hai người con trai, một do yếu đuối, một do giận dữ, và ông chỉ yên lòng khi cả hai trở về nhà.
Tôi đặc biệt thích câu chuyện thứ hai, chuyện người phụ nữ bị mất một đồng xu, bởi vì câu chuyện này nói rõ ý đó nhất: Bà có mười đồng xu (mỗi đồng đáng giá mười xu), bị mất một đồng, bà lùng sục khắp nơi, bật thêm đèn đuốc rà tìm khắp nhà, cuối cùng tìm ra nó; bà vô cùng sung sướng, tổ chức một bữa tiệc mời khắp hàng xóm láng giềng ăn mừng mà rõ ràng là bữa tiệc tốn nhiều hơn giá trị của đồng xu đó. Tại sao lại lùng sục khắp chỉ một đồng xu nhỏ bé như vậy? Và sao lại hết sức vui mừng khi tìm ra nó?
Điều thật sự quan trọng ở đây không phải là giá trị của đồng xu, mà là chuyện mất đi sự toàn vẹn: đối với người Do Thái thời đó, 10 là con số tượng trưng cho toàn vẹn, không phải là số 9. Vì vậy chúng ta có thể kể lại câu chuyện như thế này: Một bà mẹ có mười người con. Chín người con tới thăm bà thường xuyên, chia sẻ cuộc sống hàng ngày với bà, nhưng có một đứa xa lánh, không muốn về nhà, thậm chí không muốn trò chuyện với bà. Người phụ nữ không thể an lòng, bà làm mọi việc có thể nghĩ ra để cố gắng hòa hợp với cô con gái, cuối cùng con gái bà trở về. Họ làm hòa với nhau. Bà hết sức vui mừng, gọi điện thoại cho bạn bè, và tổ chức một bữa tiệc lớn. Gia đình của bà giờ đây lại vẹn toàn!
Ngụ ý này cũng đúng đối với người chăn cừu, anh rời bỏ 99 con cừu để đi tìm một con cừu đi lạc. Đối với người Do Thái thời đó, con số 99 không tượng trưng cho sự toàn vẹn, mà là con số 100. Người chăn cừu giống bà mẹ có đứa con gái xa lánh, anh chỉ yên lòng khi nào gia đình anh được trọn vẹn lại. Chúng ta lại thấy cùng niềm khao khát, tình cảm nồng nàn và nỗi buồn đó ở người Cha của đứa con đi hoang và người con lớn. Ông không thể nghỉ ngơi, không thể yên lòng, cho tới khi cả hai chưa về nhà. Ông hết sức vui mừng khi đứa con ương ngạnh trở về, nhưng câu chuyện kết thúc với việc ông vẫn còn phải đi ra khỏi nhà, cố gắng dỗ dành đứa con lớn quay về, đứa đã bỏ đi vì tức tối. Thiên đường của ông phải có cả hai người con trai của ông.
Thiên đường của chúng ta cũng phải là một thiên đường rộng lớn. Giống như người phụ nữ bị mất một đồng xu, giống như người chăn cừu bị mất một con cừu, và giống như người cha của đứa con đi hoang và người con lớn, chúng ta cũng không nên dễ dàng nghỉ ngơi khi những người khác còn bị chia lìa với chúng ta. Gia đình này chỉ hạnh phúc khi tất cả mọi người đều trở về.
Trên hết, đặc điểm của một đức tin đích thực và một trái tim quảng đại không phải là giáo hội, tín điều và luân lý của chúng ta thanh sạch đến đâu, mà là tấm lòng của chúng ta rộng mở được đến đâu.
J.B. Thái Hòa dịch