Bố mẹ của Đức Gioan Phaolô II

1077
Ảnh chụp bố mẹ và người anh Edmund của Đức Gioan Phaolô

Đêm ngày 18-5-1920, khi lễ kính Đức Mẹ đang diễn ra tại nhà thờ Wadowice, thì ở nhà, bà Emilia Wojtyła 36 tuổi đã hạ sinh đứa con thứ ba, đặt tên là Karol, hay thường gọi ở nhà là Lolek. Sau khi sinh nở tốt đẹp, dù giọng quá yếu ớt, nhưng bà Emilia liền bảo bà đỡ “Bà mở cửa sổ được không? Cháu muốn Lolek được nghe một bài dâng kính Đức Mẹ.”

Những lời này đủ cho bạn cảm được hình ảnh gia đình của Karol Wojtyła, người sau này là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

Đây là một gia đình Công giáo sốt sắng, khởi đầu ngày sống bằng thánh lễ ban sáng, cầu nguyện trước mọi bữa ăn, và ban tối thì con cái quây quần nghe cha đọc các đoạn Kinh thánh.

Từ khi còn nhỏ, Karol ảnh hưởng nhiều từ mẹ mình. Dù bà về trời sớm, nhưng chắc chắn cậu đã thừa hưởng từ bà lòng thương mến hàng xóm, sự lạc quan yêu đời, và những mẩu chuyện dí dỏm. Như chính Đức Gioan Phaolô đã công nhận trong quyển hồi ký “Ân sủng và Mầu nhiệm” [Gift andMystery], mẹ ngài đã góp phần “chắc chắn sâu sắc” trong lòng đạo của ngài. Chính mẹ dạy cho ngài làm dấu thánh giá và đọc những lời kinh đầu tiên.

Ảnh hưởng của mẹ lên cậu Karol ngày càng ít đi, vì căn bệnh của bà. Việc nhà và nuôi nâng cậu con út Karol dần đè năng lên vai người chồng Karol Wojtyla cha.

Sau khi vợ chết, ông toàn tâm chăm sóc cho cậu bé Karol khi đó mới chín tuổi. Để có thêm thời gian ở với con, ông nghỉ hưu sớm và không bao giờ tái hôn. Và quyết định của ông Wojtyla, đã gắn bó hai cha con như hình với bóng. Sau giờ học hoặc vào ngày Chúa nhật, ngày lễ, hai cha con rong ruổi trên những con đường Wadowice, leo lên những ngọn núi gần đó, thưởng ngoạn phong cảnh và trò chuyện.

Chẳng lạ gì khi nhiều năm sau, Đức Gioan Phaolô nhớ lại: “Những năm tháng thơ ấu và thanh niên của tôi, chủ yếu gắn bó với cha tôi.”

Và ngài nói thêm, “Tôi ở gần cha, và tôi có thể thấy cha là người rất nghiêm khắc với bản thân… Đây là điều vô cùng quan trọng với một đứa con trai đang vào tuổi dậy thì. Người bố nghiêm khắc với bản thân, nhưng không đòi hỏi nhiều ở con mình. Nhìn bố, tôi học được rằng người ta phải nghiêm khắc với chính mình và tận tụy hết sức để hoàn thành bổn phận của mình.”

Ngoài sự tận tâm và ý thức trách nhiệm, ông Wojtyla còn được mọi người nhìn nhận là “có học thức, bản tính tốt lành và kiên nhẫn.” Ông cũng vô cùng ái quốc, vào năm 1915 ông đã đăng ký gia nhập Quân đoàn Ba Lan, và vẫn tiếp tục trong quân ngũ khi đất nước đã được giải phóng. Ông truyền lòng ái quốc cho trai mình, dạy cậu các bài hát yêu nước và đọc cho cậu những trích đoạn sách của Henryk Sienkiewicz. Biết bao nhiêu lời nói và hành động hướng về quê hương của Đức Gioan Phaolô, cả khi ở Roma, đã cho thấy hạt giống ái quốc mà ông Wojtyla đã nảy nở và lớn mạnh.

Một điều nữa, ông Wojtyla là mẫu mực của đời sống cầu nguyện liên lỉ, và Đức Gioan Phaolô xem mẫu gương của bố mình là “chủng viện đầu tiên của tôi.”

Từ bất kỳ góc nhìn nào, phải công nhận bố mẹ của Đức Gioan Phaolô đã thành công trong việc nuôi dạy ngài. Thành công này là nhờ đời sống cầu nguyện và gương mẫu của họ, cùng với tinh thần lạc quan và lối sống kỷ luật, nhưng trên hết, là nhờ một tình yêu thương con cái đến quên mình.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch