Nhiều năm trước, tôi có khuyên một thanh niên, anh có cuộc đấu tranh chống lại nỗi cô đơn gần như ngược đời. Thay vì cố gắng thoát ra, anh lại sợ mất nó. Anh khoảng hơn hai mươi tuổi, yêu một cô gái trẻ tuyệt vời, nhưng cảm thấy bị giằng xé về việc cưới cô ấy, vì anh sợ hôn nhân gây trở ngại cho sự cô đơn của anh, và theo lời anh, nó sẽ làm cho anh trở thành “người hời hợt hơn và mất đi những gì có thể dâng tặng Chúa và thế giới này”.
“Tôi bước vào một căn phòng,” anh nói, và “một cách phản xạ, tôi nhìn quanh để tìm một gương mặt buồn rầu, tìm một người nào đó có dáng vẻ gợi cho thấy cuộc sống có nhiều điều hơn là tiệc tùng và những tin tức nóng hổi về những người nổi tiếng”. Sẽ nguy hiểm nếu ngắn gọn xem trạng thái nặng nề là biểu hiệu của sâu sắc, nhưng trong trường hợp của anh thì điều đó không đúng.
“Có hai hình ảnh đôi co trong lòng tôi,” anh nói. “Cha tôi mất khi tôi mười lăm tuổi. Gia đình tôi sống ở miền quê, ông bị lên cơn đau tim. Chúng tôi vội vàng đưa ông lên xe, mẹ tôi ngồi ôm ông ở băng ghế sau, còn tôi lái xe, mới mười lăm tuổi, và sợ run lên. Cha tôi mất trên đường tới bệnh viện, nhưng ông chết trong vòng tay mẹ tôi. Mặc dù chuyện đó rất buồn, nhưng có một cái gì đó rất đẹp. Lúc nào tôi cũng muốn chết theo kiểu đó, được người tôi yêu ôm trong vòng tay. Dù hình ảnh đó hút tôi một cách mạnh mẽ về phía hôn nhân, nhưng tôi cũng nhìn hình ảnh chúa Giê-su chết đơn độc, bị ruồng bỏ, chẳng trong vòng tay của ai, chỉ trong vòng một điều gì đó cao hơn, và tôi cũng bị thu hút về hướng đó. Hình ảnh đó có một vẻ thanh cao mà tôi không muốn từ bỏ. Đó cũng là một cách chết hay.
Anh sợ sẽ mất đi sự cô đơn của mình dù anh khao khát một cách lành mạnh tình cảm thân mật. Anh không thể nào lý giải được trọn vẹn tại sao anh bị thu hút trước sự cô đơn của chúa Giê-su trên thập giá, trừ việc cảm thấy rằng điều này cách nào đó là một điều cao đẹp, một điều sâu sắc, và là điều sẽ đem lại cho anh chiều sâu và thanh cao.
Trước anh, cũng có nhiều người khác có kinh nghiệm này, kể cả chúa Giê-su. Chẳng hạn triết gia Soren Kierkegaard, khi còn trẻ, cũng với lý do lo sợ như người bạn trẻ của tôi, ông từ chối hôn nhân. Dù đúng dù sai, anh cảm thấy những gì anh có để mang tặng cho thế giới này bắt rễ sâu thẳm trong nỗi đau cô đơn của mình, và chỉ có thể tỏa ra từ cốt lõi đó mà thôi, và, nếu anh bớt cô đơn, thì anh cũng sẽ bớt đi những gì có thể trao tặng. Liệu anh có đúng không?
Hoa trái của đời một người, ví dụ những người như cha Henri Nouwen, rút ra sức mạnh và khả năng hồi phục từ những tác phẩm của họ, xác nhận cho sự thật của trực giác của họ. Nhìn hoa trái của họ, bạn sẽ hiểu họ. Kierkegaard là vị thánh bảo trợ cho những người cô đơn. Nhưng, như anh bạn trẻ của tôi, ông cũng bị giằng xé bởi những gì điều đó gây ra cho ông. Quá ít người hiểu được, và điều này dìm ông vào “nỗi buồn của việc đã hiểu ra một điều gì đó chân thực – và rồi thấy mình bị hiểu lầm.” Ông cũng tự nhận là ông sống trong lời thề “không bao giờ cho phép ai đi vào sâu thẳm trong nội tâm và kết hợp nội tâm sâu sắc với tôi”. Thomas Merton, khi bàn về vấn đề này, đã nói rằng sự thiếu vắng tình cảm thân mật của đời sống hôn nhân trong đời ông đã tạo thành “một khiếm khuyết trong sự khiết tịnh của tôi.” Loại sâu sắc này có được cũng bắt nguồn từ một cái giá nào đó.
Tại sao, bất chấp bất lợi rõ ràng như vậy, mà cô đơn vẫn thu hút nhiều người như Kierkegaard của thế giới chúng ta, với niềm tin rằng đó là chìa khóa dẫn tới sự sâu sắc, lòng lân mẫn, và minh triết? Cô đơn làm gì cho chúng ta?
Điều mà cô đơn làm cho chúng ta, đặc biệt nỗi cô đơn tột cùng, là lay chuyển bản ngã và khiến bản ngã mong manh đến mức không thể duy trì chúng ta theo cách thông thường được nữa. Những gì xảy ra sau đó là chúng ta bắt đầu buông bỏ, cảm thấy chúng ta trở nên không còn vướng mắc, hiểu ra sự nhỏ bé của mình, và biết từ trong sâu xa của bản thể rằng chúng ta cần phải kết liên với một điều gì đó lớn lao hơn chính bản thân mình thì mới sống sót. Nhưng đó là một trải nghiệm rất đau đớn, và chúng ta có khuynh hướng trốn chạy khỏi nó.
Tuy nhiên, và đây chính là nghịch lý to lớn, trải nghiệm nỗi cô đơn tột cùng này là một trong những đặc cách để tìm ra câu trả lời sâu thẳm cho cuộc đi tìm bản thể và ý nghĩa của chúng ta. Bởi vì nó lay chuyển bản ngã và khiến chúng ta mất phương hướng, nỗi cô đơn khiến chúng ta chạm đến những gì nằm bên dưới bản ngã, đó là tâm hồn, bản thể sâu sắc nhất của chúng ta. Hình ảnh Chúa và sự tương đồng với Chúa nằm ở đó, cũng như năng lượng thanh cao nhất và thiêng liêng nhất của chúng ta cũng ở đó. Đó chính là sự thật trong niềm tin rằng trong nỗi cô đơn có chiều sâu.
Và như thế, bài học là, dù lập gia đình hay không: Đừng chạy trốn cô đơn. Đừng coi đó là kẻ thù. Đừng tìm kiếm ai khác để chữa chạy nỗi cô đơn của mình. Hãy coi nỗi cô đơn là đặc cách dẫn tới chiều sâu và lòng lân mẫn.
Đây là lời khuyên của Hafiz, một nhà thơ Ba-tư xưa:
Đừng hàng phục nỗi cô đơn
Nhanh đến vậy
Hãy để nó cứa sâu hơn
Để nó ủ men và thêm hương vị
Vì rất ít người phàm
Và ngay cả hương vị thần thánh làm được
Điều trái tim tôi thiếu vắng đêm nay
Đã làm đôi mắt tôi thêm dịu dàng
Giọng nói tôi
thêm trìu mến,
Nhu cầu có Chúa của tôi
Tuyệt đối
Rõ ràng.
J.B. Thái Hòa dịch