Chiến đấu với phúc lành của cha tôi

223

Ronald Rolheiser, 2010-06-20

Cha tôi qua đời khi tôi hai mươi ba tuổi, là chủng sinh còn non nớt, còn bỡ ngỡ học hỏi về cuộc đời. Dù ở tuổi nào đi nữa, mồ côi cha cũng là điều khó chịu đựng, và nỗi buồn của tôi còn tăng gấp bội vì lúc đó tôi chỉ mới bắt đầu hiểu và cảm kích cha tôi.

Chỉ sau này tôi mới nhận ra rằng tôi không còn cần tới ông nữa, dù tôi vẫn còn tha thiết mong có ông. Những gì phải trao truyền cho tôi, ông đã trao truyền. Tôi đã nhận được ơn phước của ông, và đó là những gì từ con người thực của ông, và những gì mà rốt cuộc chính là tặng phẩm của cuộc đời ông dành cho tôi.

Tôi hiểu rằng tôi đã nhận được ơn phước của ông. Cuộc đời tôi và hướng đi của tôi đã khiến ông mãn nguyện và tự hào. Như tiếng nói của Chúa Cha cất lên trong lễ rửa tội của Chúa Giêsu, tiếng nói của cha tôi đã nói với tôi: Con là con của cha, người mà cha hoàn toàn mãn nguyện. Đó là tất cả những gì một con người có thể xin được từ cha mình.

Ông đã để lại gì cho tôi và con cháu của ông? Có quá nhiều nên không thể nêu ra hết, nhưng trong số đó có những điều này: Ông là một trong những người thật sự đức độ nhất mà tôi từng biết, người biết kiềm chế bản thân, giữ đạo đức tối đa nhất có thể. Ông không phải là người cho rằng mình chỉ là người, nên nếu vi phạm một vài luật lệ là chuyện bình thường. Ông từng nói với chúng tôi câu bất hủ này: “Ai cũng có thể cho mình thấy nhân tính của họ; nhưng ba cần ai đó cho ba thấy thiên tính!” Ông mong chờ bạn đừng thất bại, sống xứng đáng với những gì mà lòng tin và đức hạnh đòi hỏi ở bạn, và không lấy cớ này cớ nọ. Nếu chúng tôi, những người thân trong gia đình ông, có hấp thụ được điều gì từ sự hiện diện của ông, thì đó chính là bản tính ngoan cường như vậy về đạo đức.

Ngoài ra, ông còn có bản tính đúng mực không hề lay chuyển, gần như là bệnh. Không bao giờ có cơn bộc phát kích động hay điên rồ nào, cũng không hề trầm cảm, không dao động, không cần phải đoán hôm nay ông vui buồn như thế nào. Với bản tính vững vàng như vậy, cộng thêm sự yểm trợ của mẹ tôi, ông đã tạo cho chúng tôi một mái nhà, luôn luôn là cái kén an toàn, một nơi chốn đôi khi tẻ nhạt, nhưng luôn luôn an toàn. Khi nghĩ về mái nhà nơi tôi đã lớn lên, tôi hình dung nó như tổ ấm an toàn, nơi tôi có thể ngồi nhìn ra cơn bão bên ngoài, qua khung cửa sổ ấm áp, bình an.

Vì gia đình chúng tôi đông nên tình yêu thương và chăm chút của ông phải san sẻ với rất nhiều anh chị em khác của tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ về ông như cha “của tôi”, mà luôn là cha “của chúng tôi”. Có lẽ, hơn bất kỳ điều gì khác, điều đó đã giúp tôi thấu hiểu được thách thức đầu tiên trong bài Ca tụng Chúa, đó là Chúa là Cha của “Chúng ta”, một người mà chúng ta chia sẻ với nhiều người khác, chứ không phải là một thực thể của riêng. Ngoài ra, gia đình của cha tôi mở rộng ra không chỉ bao gồm những đứa con ruột của ông. Tôi đã sớm hiểu được rằng không nên cự lại việc ông không thể lúc nào cũng ở bên cạnh chúng tôi, ông có những lý do chính đáng để ông phải đi: công việc, cộng đồng, nhà thờ, bệnh viện, họp hội đồng cố vấn trường học, các hoạt động chính trị. Ông là rường cột của một gia đình rộng lớn hơn gia đình nhỏ của chúng tôi.

Cuối cùng, và nhất là ông đã truyền ngọn lửa mê bóng chày cho các anh chị em tôi, Đây là điểm nổi bật biểu lộ bản năng tự do của ông, nơi tâm hồn ông có thể tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi.

Nhưng ơn phước không bao giờ chỉ thuần là phúc lành, cha tôi cũng là con người, và điểm mạnh nhất của một người cũng lại là điểm yếu nhất của người đó. Trong tất cả đường gân thớ thịt thấm đẫm đức hạnh và vững vàng như đá đó, lại có sự kín kẽ mà đôi khi không làm cho ông được uống trọn vẹn niềm vui sống dạt dào. Mỗi cậu con trai đều dõi mắt nhìn theo bước nhảy của cha mình và đánh giá ông một cách vô thức về một vài tính chất của ông: lưỡng lự, uyển chuyển, buông thả, phô trương, tỏ ra đúng mực, vô trách nhiệm. Cha tôi chưa bao giờ uyển chuyển trong bước nhảy của ông, và tôi thừa hưởng bước nhảy này, điều này làm cho tôi cảm thấy xót xa trong tận sâu thẳm. Hồi nhỏ cũng như khi đã lớn, có nhiều khi, trong một thoáng, tôi cảm thấy tôi thà đổi cha tôi lấy một người cha có bước nhảy uyển chuyển hơn, một người nào đó bớt kín kẽ hơn trước niềm vui sống dạt dào.

Và đó là phần nào trong nỗ lực chiến đấu của tôi để thọ nhận đầy đủ phúc lành của cha. Tôi thường nhớ dòng thơ trứ danh của William Blake trong bài Infant Sorrow (Nỗi buồn phiền con trẻ): “Vật lộn trong vòng tay của cha tôi”. Với tôi, câu đó nghĩa là vật lộn với việc đôi khi cha tôi không thể đơn giản buông trôi và thụ hưởng trọn vẹn tặng phẩm của cuộc đời.

Nhưng, nếu như có sự lưỡng lự, thì trong vũ điệu cuộc đời của cha tôi không hề có sự vô trách nhiệm, dù cho đôi khi điều này có nghĩa là đứng hẳn bên ngoài điệu nhảy. Tôi đau buồn ở tang lễ cha tôi, nhưng tôi cũng tự hào nữa, tự hào trước sự kính trọng vô cùng mà mọi người dành cho cha, bởi cách ông đã sống trong cuộc đời này. Ngày đưa tang cha, không hề có ai phán xét bản tính kín kẽ của ông.

Tính tới mồng 5 tháng 1 năm nay, số ngày tôi sống trên cõi đời này đã nhiều hơn số ngày cha tôi sống. Giờ đây tôi đã già hơn ông trước kia. Nhưng tôi vẫn sống trong phước lành của ông, đang nỗ lực một cách có ý thức và vô thức để vươn lên, để vinh danh những gì ông đã trao truyền cho tôi, cha tôi. Và điều đó phần nhiều là tốt đẹp, mặc dù tôi vẫn có những phút giây thấy mình đứng bên ngoài niềm vui sống, kín kẽ, mang vẻ mặt của cha tôi, nhìn một cách ghen tị những ai có bước nhảy uyển chuyển hơn tôi – tôi, mãi mãi là con trai của cha tôi.

J.B. Thái Hòa dịch