Ronald Rolheiser, 2010-2-21
Gần như mọi truyền thống linh đạo đều có một chỗ đặc biệt dành cho hoang mạc, vùng đất hoang sơ, và những nơi mà chúng ta không được bảo vệ và có thể chịu hiểm họa từ thiên nhiên chưa thuần hóa, các ác thú hoang dã và các thần linh ghê sợ. Quan niệm này có gốc rễ sâu xa trong các tôn giáo cổ xưa lẫn trong chính tâm trí con người.
Chẳnh hạn ở Babylon cổ đại, các vùng đất hoang vu, chưa trồng trọt cấy cày được coi là nơi Chúa chưa hoàn thành công việc tạo tác, còn chứa những thể hỗn loạn vô hình và tiền tạo vật vô thần. Người ta coi đó vừa là cái chưa hoàn tất vừa là nơi các lực lượng nguy hiểm lẩn lút, như ác thú và quỷ dữ. Vì vậy khi nhận một mảnh đất hoang chưa trồng trọt, người dân hiểu rằng phải thực hành các nghi lễ tôn giáo nhất định, nôm na là để tuyên bố mảnh đất đó đã trở thành đất dành cho Chúa, để khai hóa, và được an toàn. Đối với Babylon cổ đại, một khu vườn được trồng trọt là nơi an toàn và thiêng liêng trong khi vùng hoang mạc không cấy cày là nguy hiểm, và theo một nghĩa đen tối là đối nghịch với Chúa.
Trong các nền văn hóa khác cũng có những ý niệm tương tự, coi vùng hoang dã là nơi ở của thần rừng, nhân mã, người khổng lồ độc ác và các linh hồn quỷ dữ. Các câu chuyện hoang đường và cổ tích chứa đầy các hình ảnh này. Trong các câu chuyện cổ tích Âu châu thời Trung cổ lại thêm ý “những khu rừng sâu hút và tăm tối” vào khái niệm này. Đó cũng được coi là nơi hoang vu nguy hiểm, nơi mà các linh hồn xấu xa hay quỷ dữ có thể bắt giữ bạn, hay là nơi mình có thể bị lạc lối không cách gì lần ra được. Những khu rừng sâu hút, tăm tối không phải là nơi bạn nên mạo hiểm mà không có hướng dẫn rành đường.
Nhưng những nơi hoang dã đó cũng được hiểu là sẽ không tồn tại mãi mãi mà Chúa và chúng ta để nguyên như vậy. Ý niệm trong truyền thống linh đạo Ki-tô là chúng ta, những con người có đức tin, sẽ giúp Chúa hoàn tất công việc tạo tác của Người bằng cách thuần hóa những nơi hoang vu này, đẩy lùi tà ma ở đó, và biến nơi hoang vu này thành một khu vườn. Vì vậy Ki-tô giáo đã phát triển ý niệm rằng những người được vũ trang đặc biệt với ánh sáng và sự bảo vệ thiêng liêng, các nam nữ tu sĩ có thể và nên đi đến những nơi hoang vu này để chuyển vùng hoang dã không an toàn thành khu vườn an toàn. Bên cạnh các lý do khác, điều này giải thích vì sao các nam nữ tu sĩ thường chọn những vùng đất hoang vu để xây tu viện và nhà tu kín.
Nỗi sợ hãi vùng hoang dã không trồng trọt này cũng một phần do nỗi sợ hãi của giáo hội đối với việc truy vấn và khám phá vũ trụ. Galileo trực tiếp hiểu được điều đó. Giáo hội ngày xưa vẫn cảnh cáo: tránh xa khỏi những nơi tối tăm nhất định.
Một cách tinh tế, chúng ta vẫn còn mang cả khái niệm và nỗi sợ hãi này. Ngày nay điều chúng ta sợ hãi không phải là những vùng đất chưa khai phá (bây giờ chúng ta lại thấy chúng là vùng đất bình an và yên tĩnh đầy mời gọi). Mà đúng hơn, đối với nhiều người chúng ta, cái vùng hoang dã, không thuần hóa đó giờ đây hiển hiện nơi những vùng có băng nhóm côn đồ quấy phá trong thành phố, những ngôi nhà đổ nát bị bỏ hoang, những quán rượu của người độc thân, các câu lạc bộ thoát y vũ, các khu có đèn đỏ lờ mờ. Những nơi đó được hiểu là nằm ngoài đời sống có giáo dục của chúng ta, tách biệt hẳn khỏi sự an toàn của gia đình và tôn giáo, những nơi vô thần, nguy hiểm, hoang dã.
Nhưng điều còn khiến chúng ta sợ hãi hơn nữa, là những hoang mạc không thuần hóa ngay trong lòng chúng ta, những miền tối tăm không được khám phá trong chính chúng ta. Giống như người cổ đại, chúng ta sợ những gì có thể đang nằm ẩn nấp ở đó, sợ chúng ta có thể bị tổn thương nếu bước vào đó, các ác thú và quỷ dữ có thể ăn thịt chúng ta, và có thể một cơn cuồng phong hỗn loạn có thể nuốt chửng chúng ta nếu chúng ta mạo hiểm bước vào. Chúng ta cũng sợ những nơi không được khai phá, ngoại trừ nỗi sợ hãi của chúng ta không phải là cho sự an toàn thể lý của mình, mà là cho sự tỉnh táo tinh thần và thánh thiện của chúng ta.
Và nỗi sợ hãi này không phải là không thông minh. Thông minh là không ngây thơ. Trong nhiều thế kỷ, cha mẹ vẫn kể cho con cái nghe những câu chuyện cổ tích rùng rợn về ác quỷ lẩn quất trong các khu rừng tối, chúng đi tìm trẻ con để ăn tươi nuốt sống hay nướng trên bếp lò! Những câu chuyện này kể cho trẻ con không phải là để chúng bị ác mộng, mà đúng hơn là để răn dạy chúng không được ngây thơ về những gì hay những ai mà chúng gặp. Không phải ai cũng đáng tin cậy, và sẽ là thông minh, đặc biệt khi mình còn nhỏ tuổi, dễ bị tổn thương, không được bảo vệ, nếu mình cố kết với nhau tránh xa những nơi tăm tối, và giữ an toàn.
Tuy vậy, đức tin Ki-tô của chúng ta mời gọi chúng ta tới những nơi đó, đối mặt với ác thú hoang dã đang ở đó, và biến các vùng nguy hiểm đó thành vùng đất được trồng trỉa, thành khu vườn an toàn. Rốt cuộc đây là điều mà Giê-su đã làm: người đi đến từng chỗ tăm tối, từ các quán rượu của người độc thân thời người còn sống, cho đến cõi chết và chính địa ngục, rồi chiếu ánh sáng của Chúa và ban phước lành ở đó. Nhưng người không ngây thơ. Người chú ý đến lời khuyên của những câu chuyện cổ tích và không mạo hiểm tới đó một mình. Người bước vào các thế giới ngầm đó, tay người an toàn trong bàn tay Cha, Người không đi một mình.
Đức tin là để chúng ta không còn sợ hãi, kể cả nỗi sợ hãi những ác thú hoang dã và quỷ dữ lẩn quất trong những hoang mạc của tâm hồn, trái tim và năng lượng chúng ta. Chúng ta phải biến những nơi tăm tối hoang vu đó thành những khu vườn an toàn. Nhưng chúng ta cần chú ý đến những linh tính của chính mình lẫn thiên hướng của những câu chuyện cổ tích: đừng bao giờ mạo hiểm đi vào các khu rừng tối một cách ngây thơ và đi một mình! Hãy bảo đảm rằng bạn đã được trang bị một đức tin vững chãi và bạn đang nắm chặt tay Cha bạn mà đi.
J.B. Thái Hòa dịch
Thích điều này:
Thích Đang tải...