Ronald Rolheiser, 2010-01-31
Người lữ hành thân mến:
Tôi xin chào bạn, người đang kiếm tìm hạnh phúc và ý nghĩa cuộc sống, giống như tất cả chúng tôi. Tôi biết là bạn rất chân tình nếu không bạn đã không đọc bức thư này. Nhưng trước hết, tôi mong bạn biết: Chúng tôi nhớ bạn khi ở nhà thờ. Không có chúa nhật nào qua đi mà chúng tôi không cảm thấy sự vắng mặt của bạn. Chúng tôi nhớ bạn. Xin bạn đến với chúng tôi.
Đúng, tôi biết đây không phải là chuyện đơn giản. Triết gia Pascal từng nói, con tim có những lý lẽ của nó. Mà nhà thờ cũng có những chuyện phức tạp. Có thể chính một trong những chuyện phức tạp này đã làm bạn thấy khó bước qua ngưỡng cửa nhà thờ. Vì thế, tôi sẽ không cố gắng tô hồng nhà thờ làm gì. Nhà thờ là một biểu hiện còn-lâu-mới-đầy-đủ cho tình thương và lòng nhân từ của Chúa và cũng là một biểu hiện còn-lâu-mới-đầy-đủ cho ý chí cứu rỗi của Chúa đối với tất cả mọi người. Đôi khi nhà thờ lại ngăn chận tình yêu của Chúa cũng nhiều như mức độ nó vén mở tình yêu này. Từ xưa đến nay, và bây giờ vẫn vậy, nó vẫn là một cỗ xe vừa mang ân phúc lại vừa gây tội lỗi. Làm sao chúng ta có thể vượt lên được khía cạnh đen tối này?
Về già, Carlo Carretto, văn sĩ nổi tiếng người Ý đã viết bài ca ngợi nhà thờ như sau:
Tôi phải phê phán người nhiều biết bao, nhà thờ của tôi, ấy vậy mà tôi yêu người nhiều biết bao!
Người đã làm cho tôi khổ đau nhiều hơn ai hết, ấy vậy mà tôi cũng hàm ơn người nhiều hơn ai hết.
Tôi những muốn thấy người bị hủy diệt, ấy vậy mà tôi cần sự có mặt của người.
Người đã tạo ra quá nhiều tai tiếng cho tôi, ấy vậy mà chỉ duy nhất người mới làm cho tôi hiểu thế nào là thánh thiện.
Không ở đâu trên thế gian này tôi thấy nhiều chuyện trái khuấy, sai trái hơn ở người, ấy vậy mà, tôi cũng chưa bao giờ trực nhận điều gì tinh khiết hơn, quảng đại hơn và đẹp đẽ hơn người.
Vô số lần tôi đã muốn đóng sập cửa tâm hồn tôi vào mặt người, ấy vậy mà, hằng đêm, tôi cầu nguyện để tôi có thể chết trong vòng tay vững chãi của người!
Không, tôi không thể nào không có người, bởi tôi là một với người, cho dù không phải là người trọn vẹn.
Vậy thì – tôi sẽ đi đâu?
Đi xây một nhà thờ khác?
Nhưng tôi không thể xây một nhà thờ nào khác không có cùng khiếm khuyết, vì chúng chính là những khiếm khuyết của tôi. Hơn nữa, nếu tôi xây một nhà thờ khác, nó là nhà thờ của tôi, không phải là nhà thờ của Chúa.
Không, tôi đã già dặn., Tôi đã hiểu hơn!
Đó là một mô tả chín chắn về nhà thờ, vừa thực tế, vừa biểu lộ tình thương. Đó cũng là một mô tả chân thực. Nhà thờ có một lịch sử lâu dài, một lịch sử vừa ân phúc vừa tội lỗi, và chúng ta, những người dựng
nhà thờ trên trần thế đã không vinh danh Chúa cho đúng. Không ai vinh danh Chúa trọn vẹn. Chúng ta cần phải chấp nhận sự thật đó.
Tôi chỉ có thể suy đoán về những lý do khiến bạn không đi nhà thờ thường xuyên hay hoàn toàn không đến nhà thờ: Có thể bạn đã bị Nhà thờ làm tổn thương, có thể do chính cơ chế của Giáo hội, hoặc do một trong các linh mục hay các thừa tác vụ. Có thể bạn là một trong những người có một trực nghiệm về sự chai đá, vô cảm và phỉ báng của nhà thờ đối với bạn. Hoặc về mặt trí tuệ, bạn thất vọng về nhà thờ, không thấy những giáo lý của nó phù hợp với cách hiểu của bạn về cuộc sống và các huyền nhiệm của cuộc sống. Hoặc cũng có thể bạn đã tìm thấy những gì bạn đang kiếm tìm ở một nơi nào khác, bên ngoài cánh cửa nhà thờ ngày xưa còn bé bạn đã đi. Hoặc bạn đã xa nhà thờ và không còn nghĩ đến nó nữa Cũng có thể bạn thấy không cần nhà thờ trong cuộc sống của bạn. Hoặc, bạn tin chắc rằng Chúa Giêsu và những lời giảng dạy của Chúa đã bị nhà thờ làm ô nhiễm, rằng Chúa Giêsu không bao giờ muốn xây nhà thờ, chỉ muốn dân chúng ghi khắc trong tim lời Chúa dạy, sống trong tình yêu và có thiện tâm. Có rất nhiều lý do khiến người ta không đi nhà thờ. Tôi chỉ có thể suy đoán về những lý do của bạn mà thôi.
Nhưng lý do bạn không đi nhà thờ không phải là điều quan trọng của lá thư này. Ở đây tôi không muốn bảo vệ nhà thờ, viện dẫn đôi điều biện hộ cho nó, hay lý luận phản bác lại một trong những lý do người ta đưa ra để không đến nhà thờ. Tôi cũng không muốn cố gắng đưa ra những lý do mà tôi nghĩ là giải thích vì sao đến nhà thờ là chuyện quan trọng. Đây không phải là lời biện hộ, mà là một lời cầu xin, một lời mời:Xin bạn quay về! Hãy cùng chúng tôi một lần nữa! Hoặc, nếu bạn chưa bao giờ thuộc về một nhà thờ nào, thì hãy đến với chúng tôi!
Có thể lần này bạn sẽ tìm thấy sức sống nơi nhà thờ và sẽ có thể đón nhận một vài ân phúc. Có thể lần này, bạn sẽ thấy nhà thờ trong chính bản thân mình để tha thứ những khiếm khuyết của nhà thờ, thấy những khiếm khuyết này cũng chính là khiếm khuyết của bạn, và thấy vì sao Chúa Giêsu lại chọn một cỗ xe không hoàn hảo như vậy để chuyển tải sự hiện diện của Người. Cũng có thể lần này bạn sẽ thấy ở nhà thờ điều mà Chúa Giêsu cũng đã từng thấy – một đoàn hội không hoàn hảo gồm những người như bạn và tôi, đầy tội lỗi, đầy ngã chấp, tủn mủn, nhỏ nhen, không chân thành, bủn xỉn, ô uế, nhưng cũng đầy ân sủng, đầy Chúa Kitô, bao dung, chân thành, quảng đại và thanh khiết, một nhóm người đáng để mình hy sinh vì họ – và thuộc về. Bạn hãy đến với chúng tôi!
Kẻ lữ hành và thành viên khiếm khuyết của nhà thờ.
J.B. Thái Hòa dịch