Ronald Rolheiser, 2010-01-17
Cách đây nhiều năm, trong một khóa tĩnh tâm có một bà chia sẻ như sau: Bà là mẹ của bốn đứa con, trong khi chúng còn nhỏ, đứa ở nhà, đứa đi học, cha của bà, lúc đó đã góa vợ, bị đột quỵ và trở nên suy nhược nghiêm trọng. Ông không săn sóc được bản thân, phải cần trợ giúp.
Là người con chí hiếu, bà đưa ông về ở với gia đình bà, và việc này gây ra rất nhiều bất tiện cho chồng con. Vì thế nhiều thói quen của gia đình phải được điều chỉnh để thích ứng với việc ông dọn về ở. Cuộc sống của họ thay đổi hoàn toàn.
Đến một lúc tình trạng của ông nặng hơn, bà phải đưa ông vào viện để ông được săn sóc đầy đủ hơn. Nhưng khi đó bà phải đi thăm ông mỗi ngày, thường thường bà đem một hay vài đứa con đi theo. Tình trạng này kéo dài bảy năm. Mỗi ngày, bà và ít nhất một đứa con phải đến và dành thời gian ở bên cạnh ông.
Trong những năm này, đã có nhiều lần, bằng cách này cách kia, bà xin lỗi chồng con về những bất tiện do việc này gây ra. Cuối cùng thì cha bà chết. Nhiều năm sau khi chôn ông, đứa con lớn nhất, lúc đó đã lên đại học, nói với bà: «Mẹ biết không, tất cả những năm gia đình phải thu xếp nếp sống để săn sóc ông ngoại là những năm quý báu. Đó là món quà to lớn cho gia đình mình!»
Làm sao cuộc sống của một người như vậy, cuộc sống mà hoàn cảnh của họ tạo cho mình gánh nặng, lại trở thành ân phúc? Làm sao gọi là nhận quà tặng khi có những người như vậy trong cuộc sống chúng ta?
Câu trả lời là một phần của huyền nhiệm sâu xa về nhân bản và thiêng liêng, một phần của điều bí ẩn của chính tình yêu. Chúng ta cho nhau cuộc sống không những chỉ trong những gì chúng ta làm tích cực cho nhau, nhưng, và đôi khi rất đặc biệt, là trong những gì chúng ta tiếp nhận thụ động và không đủ khả năng làm. Sự yếu đuối mang lại sự hiện diện đặc biệt cho căn phòng. Chúng ta cho cuộc sống qua những sinh hoạt năng động nhưng chúng ta cũng cho cuộc sống qua những gì thụ động. Khi đi thăm người bệnh, chúng ta mang lời chúc phúc đến cho họ, nhưng khi từ giã họ, chúng ta mang ân phúc vì đã thăm viếng họ. Có tình yêu trong việc cho đi và cũng có tình yêu trong việc thọ nhận.
Và không phải lúc nào quà tặng cũng được gói đẹp như quà tặng ngày lễ Giáng sinh. Cũng có thể, thoạt đầu quà tặng dường như là một gánh nặng, một áp đặt không mong muốn, một bất tiện phải chịu, một bổn phận không may. Nhưng chính những cảm nhận này góp phần tạo cho quà tặng này có một chiều sâu.
Chúng ta thấy khía cạnh huyền bí của tình yêu này trong Kinh Thánh khi Kinh Thánh nói đến cách Chúa Giêsu cho chúng ta sự sống và cái chết của Ngài. Mỗi Phúc âm có hai phần rõ rệt: Phần đầu mô tả sinh hoạt của Chúa Giêsu và cách Ngài cho sự sống của Ngài qua những gì Ngài làm cho chúng ta. Phần sau mô tả phần thụ động của Chúa Giêsu, cách Ngài cho cái chết qua những gì Ngài âm thầm chịu đựng vì chúng ta. Phần này được gọi là phần Thương Khó (tiếng La-tinh chữ passio có nghĩa là thụ động.)
Ngày nay, chúng ta khó hiểu được chuyện này, vừa về mặt trí tuệ vừa về mặt cuộc đời. Khổ thay, chúng ta có khuynh hướng định nghĩa cuộc sống và ý nghĩa của nó duy nhất dựa trên sức khỏe, năng suất, sự hữu dụng, những gì chúng ta tích cực đóng góp cho người khác. Chúng ta mang gì đến bàn tiệc?
Và vì thế chúng ta tự hỏi: Những người lớn tuổi không còn có thể tự mình lo cho cuộc sống thì đóng góp được gì cho cuộc sống chúng ta? Đâu là ý nghĩa khi duy trì cuộc sống của một người đã hoàn toàn lãng trí? Người khuyết tật tinh thần mang lại gì cho cộng đồng? Tại sao lại kéo dài cuộc sống của người bệnh ở giai đoạn cuối? Tại sao giữ ông-bà đã yếu trong nhà khi họ làm xáo trộn cuộc sống bình thường của chúng ta?
Câu trả lời: Bởi vì một người trong tình trạng này, ở một tầm mức sâu đậm nào đó, đang cho chúng ta một món quà quý báu, đó là chiều sâu và chí khí.
Mỗi lần có cuộc tranh luận về vấn đề trợ tử cho những người mắc bệnh nan y giai đoạn cuối thì chắc chắn đó là dấu hiệu cho thấy chúng ta không còn hiểu được ý nghĩa trên nữa.
Tôi thích quan điểm của tâm lý gia Mỹ James Hillman về vấn đề này: Năng suất là cách đo lường quá hẹp đối với tính hữu dụng, khuyết tật là một khái niệm quá gò bó về tình trạng không thể tự lực. Một người đàn bà lớn tuổi có thể hữu ích chỉ đơn giản do chí khí của bà. Như một tảng đá ở đáy sông sâu, nó có thể chẳng làm gì hết, chỉ nằm bất động và án ngữ ở đó, nhưng dòng sông phải tính đến nó và phải thay đổi dòng chảy vì nó. Một cụ ông lớn tuổi, chỉ đơn giản sự có mặt của ông cũng đủ để ông có một tính cách quyết định trong dòng đời của gia đình và hàng xóm láng giềng. Người ta phải suy nghĩ đến ông, và các thể thức hoạt động phải được điều chỉnh đơn giản chỉ vì ông có mặt ở đó. Nhân cách của ông mang đến phẩm chất đặc biệt cho từng bối cảnh, góp vào đó tính phức tạp và chiều sâu bằng cách đại diện cho quá khứ và những người đã khuất. Khi tất cả những người lớn tuổi bị đưa vào nhà dưỡng lão, dòng sông sẽ chảy về nguồn xuôi hơn. Không còn tảng đá nào cản trở. Và cũng ít chí khí hơn.
J.B. Thái Hòa dịch