Linh mục Massimo Palombella điều khiển Ca đoàn Nhà nguyện Sixtine ở Đền thờ thánh Phêrô ngày 6 tháng 4 năm 2012.
fr.aleteia.org, Xavier Le Normand, 2017-10-14
Tháng 9 vừa qua, Ca đoàn Nhà nguyện Sixtine có chuyến lưu diễn ở Bắc Mỹ, một sự kiện hiếm có của một trong những ca đoàn cổ xưa nhất thế giới.
Đây là lần đầu tiên Ca đoàn trình diễn ở Canada. Còn ở Mỹ thì ca đoàn trở lại trình diễn sau lần cuối cùng cách đây hơn ba mươi năm! Dấu hiệu quan trọng của sự kiện này: vé miễn phí được phát hết trong vòng không đến 8 phút cho buổi trình diễn duy nhất ở thành phố Toronto!
Trong chuyến đi này, ca đoàn danh tiếng nhà nguyện Sixtine đến ba thành phố lớn ở Mỹ – New York, Washington D.C. và Detroit và hai thành phố ở Canada là Québec và Toronto. Các buổi trình diễn luôn có mặt các nhà cầm quyền cao cấp dân sự cũng như tôn giáo, như ở bang Quebec có sự hiện diện của thống đốc Michel Doyon, đại diện riêng của Nữ hoàng Elizabeth II tại đây.
Nét đặc biệt của Ca đoàn ở sự việc “Ca đoàn Giáo hoàng” chỉ hát trong các thánh lễ do giáo hoàng cử hành. Và truyền thống này đã có từ rất lâu, vào thế kỷ thứ 7! Vào thời đó, Giáo hoàng Gregory I, thường được gọi là Giáo hoàng Gregory Cả, ngài muốn cải cách phụng vụ, vì thế bài hát kinh phụng vụ mang tên của ngài… gregoria!
Ca đoàn ở gần Nhà thờ Thánh Gioan Latran cũng là đền thánh của giáo hoàng. 700 năm sau, dưới thời giáo hoàng Sixte IV, ca đoàn mang hình thức hiện nay. Giáo hoàng của thời Phục Hưng này là một nhà xây dựng lớn, ngài cho xây một nhà nguyện cho các buổi lễ của giáo hoàng, nhà nguyện này mang tên của ngài: Nhà nguyện Sixtine, dâng hiến cho Đức Mẹ Vô Nhiễm. Và đến lượt ca đoàn, ca đoàn mang tên Ca đoàn Nhà nguyện Sixtine!
Ca đoàn có 30 bé trai, tuổi từ 8 đến 13 và 22 người lớn, ca đoàn tuyển chọn học sinh rất kỹ ở các trường học Ý. Em nào được chọn sẽ nhận học bổng học miễn phí ở Vatican. Các chuyến đi trình diễn rất hiếm nhưng ca đoàn cũng đã từng đi Nga, Nhật, Ba Lan, Pháp, Trung quốc, Đức và Nam Hàn vào tháng 7 vừa qua.
Năm 2015, Ca đoàn trình diễn ở Đền thờ Westminster ở Luân Đôn. Đây cũng là một buổi trình diễn lịch sử vì ca đoàn cùng hát với Ca đoàn Anh giáo. Dù giữa kitô hữu với nhau, anh giáo và công giáo, âm nhạc cũng làm nhẹ đi các khác biệt…
Với những ai không có dịp tham dự các buổi trình diễn của ca đoàn danh tiếng này, họ có thể mua băng đĩa của ca đoàn.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Ca đoàn Nhà nguyện Sixtine ở Detroit: