Ở Á châu, Chúa Giêsu lấy lại chỗ của Marx

410

lavie.fr, Régis Anouil, 2017-10-11

Làm thế nào để kiềm chế hoặc để kiểm soát họ? Sức sống phi thường của các Giáo hội, sự huy động nhân danh xã hội dân sự của họ đã làm các chế độ cộng sản chính thức cuối cùng phải lo lắng.

Ngày 14 tháng 9, hơn sáu mươi sinh viên ở thành phố Hồ Chí Minh nhập học Học viện Công giáo Việt Nam (ICV). Cũng như tại Pháp, nơi sinh viên có thể chọn để được đào tạo trong trường “Catho” (Công giáo), thì bây giờ ở Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, sinh viên cũng có thể vào Học viện công giáo để học. Học viện chỉ mới được thành lập cách đây hai năm, nhưng Giáo hội địa phương xem đây là việc “tái khôi phục” lại những gì họ đã bị tịch thu sau khi cộng sản chiếm miền Nam năm 1975. Tháng 8 năm 2015, khi khánh thành Học viện, các nhà cầm quyền cộng sản đã giữ tiêu đề “công giáo” trong danh xưng của đại học mới này. Một thay đổi thật sự trong một nước đã quốc hữu hóa tất cả các trường học, các trung tâm đào tạo các tín ngưỡng sau năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam.

Nhà thờ đông nghẹt, ơn gọi trong các chủng viện và nhà dòng dồi dào… Ở Việt Nam, Giáo hội đang thức dậy. Nhưng không phải chỉ ở Việt Nam với 95 triệu dân. Năm 2014, ông Yang Fenggang, một nhà nghiên cứu Trung quốc ở Mỹ đã gây tiếng vang khi ông viết nước gốc của ông sẽ trở thành nước kitô giáo đầu tiên của thế giới. Nhà xã hội học tiên đoán, với nhịp trở lại như hiện nay, với 67 triệu người công giáo và tin lành ở Trung quốc, trong vòng mười lăm năm nữa, con số này sẽ lên thành 250 triệu.

Hiện đại, tự do chính trị và dân chủ

Theo ông Yang Fenggang, nếu mọi cuộc trở lại đều là câu chuyện cá nhân của từng người, thì bây giờ, lý do sâu xa mà kitô giáo thu hút được một số đông dân chúng là do sự chuyển biến xã hội, sâu đậm, đột ngột và lâu bền hiện nay ở Trung quốc. Trong những năm 1980 và 1990, các vụ trở lại phần lớn ở thôn quê, nơi sự chấm dứt “hợp tác xã” đã để lại một khoảng trống lớn. Nhưng từ những năm 2000, do sự việc đô thị hóa hàng loạt, các giáo xứ làng quê mất sức sống sinh động của họ. Sự xuống dốc này được đền bù lại bằng sự phát triển không ngừng của các nhà thờ ở thành phố, nơi có rất nhiều người trẻ, sinh viên, công nhân viên chức các hãng thuộc tầng lớp trung lưu. Ông Yang Fenggang ghi nhận: “Sự phát triển đều đặn là ở thành phần phụ nữ, họ chiếm tỷ lệ 70%”.

Nhà nghiên cứu Fenggang không giảm tầm quan trọng trong việc tăng trưởng các tôn giáo truyền thống ở Trung quốc như phật giáo, lão giáo hay khổng giáo, nhưng ông nhấn mạnh, những người hướng về các tôn giáo này “ít quan tâm đến chuyện mình phải là người hiện đại”: những người trở lại kitô giáo quan tâm đến việc họ là con người hiện đại, quan tâm đến tự do chính trị, đến dân chủ. Theo nhà nghiên cứu, những người trở lại kitô giáo thích ứng hơn với toàn cầu hóa. Đạo đức theo tinh thần tin lành, thiết thân với Max Weber, đề cao một hình thức khổ hạnh nào đó – làm việc cực nhọc, không sống xa hoa, tái đầu tư vốn liếng mình đã thu thập, tất cả là một lối sống không chỉ chú tâm vào công ăn việc làm nhưng lan ra đến các khía cạnh khác của cuộc đời, đó là một cái gì mới lạ đem đến cho một số người Trung quốc ở thế kỷ 21. Trong nhãn quan này, đúng là tin lành đã mang một luồng gió mới đến cho Trung quốc ngày nay; người Trung quốc cũng quan tâm đến công giáo qua nhân cách của Đức Phanxicô, ít nhất đối với những người có đầu óc hiếu kỳ, họ đọc tin tức ngoài các luồng tin chính thức, vì báo chí nhà nước gần như không bao giờ đề cập đến tin tức thời sự tôn giáo.

Tập Cận Bình và đại hán hóa các tôn giáo

Nếu Trung quốc không còn vấn đề loại bỏ hẳn các tôn giáo như thời cách mạng văn hóa (1966-1976) thì vấn đề kiểm soát các tôn giáo vẫn là vấn đề không lay chuyển. Tháng 4 năm 2016, Đảng cộng sản Trung quốc tổ chức một “buổi làm việc về tôn giáo”. Tên cuộc họp che giấu đi tầm quan trọng của sự kiện: từ khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976 và từ khi Đặng Tiểu Bình phát động cải cách vào cuối năm 1978 thì đây là mới chỉ là lần thứ ba có cuộc họp như thế này. Toàn bài diễn văn của Tập Cận Bình không được công bố cho dân chúng biết. Nhưng truyền thông nhấn mạnh đến việc “đại hán hóa” các tôn giáo và sự “tách ra” giữa tôn giáo và chính trị.

Đại hán hóa, một vấn đề thiết thân với Tập Cận Bình không dính gì với hội nhập văn hóa của đức tin. Đây là cách gắn các tôn giáo vào đường hướng chính trị của Đảng cộng sản, làm cho các tôn giáo mang nét “đặc trưng Trung quốc”, để đất nước không bị mọi “xâm nhập đến từ nước ngoài”. Còn về việc tách ra giữa tôn giáo và chính trị thì đây không phải là phiên bản được tái thời sự hóa “của Xêda trả cho Xêda, của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa”: nếu nguyên tắc tách ra có ghi vào Hiến chế Trung quốc, thì cho đến bây giờ nó hiếm khi được đưa lên hàng đầu. Từ nay, mọi sự rõ ràng: tiêu điểm là hồi giáo của vùng đất phía Tây và phật giáo tây tạng được xem như những người có khuynh hướng “tách ra”. Nhưng đạo công giáo, qua thực chất là gắn kết với Tòa Thánh và Giáo hội hoàn vũ cũng ở trong tầm ngắm này; kitô giáo được tầng lớp trung lưu quan tâm, một tầng lớp đang lên trong xã hội, đã là một đe dọa nặng nề cho sự “ổn định” bằng mọi giá mà Đảng cộng sản mong muốn.

 

Một quan tâm chính trị đặc biệt

Ranh giới giữa các tôn giáo được cho là hợp tác với chế độ và các tôn giáo bị cho là yếu tố tạo bất ốn đã thay đổi. Các phong trào được cho là trung dung về mặt chính trị, làm lợi cho việc ổn định xã hội như Khí công, một thời được ủng hộ, bây giờ nhà cầm quyền lại sợ cho khả năng huy động của họ. Đó là trường hợp của Pháp Luân Công được hoạt động thuận lợi cho đến năm 1999, nhưng sau đó đã bị bức bách rất nặng. Cũng vậy, phật giáo Tây tạng bị kiểm soát chặt chẽ, phật giáo “trung hoa” bị cho là thuộc “văn hóa truyền thống” và cứ ba năm một lần, Bắc Kinh tổ chức một diễn đàn thế giới về phật giáo, và dĩ nhiên Đức Đạt lai Lạt ma không được mời đến dự.

Trong bối cảnh này, kitô giáo là vấn đề chính trị đặc biệt đáng quan tâm. Nếu sự phân tán các Giáo hội tin lành thành nhiều cộng đoàn rải rác không đáng sợ, thì Bắc Kinh rất e ngại cho sự lộ diện rất lớn của họ. Ở vùng Ôn Châu, Triết Giang, Bí thư tỉnh ủy thích phật tử hơn tín hữu kitô, ông đứng đầu một chiến dịch to lớn hạ thánh giá, bị cho là quá lộ rõ trong thành phố và các làng lân cận. Còn về phần công giáo, mọi mưu toan nhằm thoát sự đỡ đầu của văn phòng Ngoại vụ tôn giáo đã làm họ bị khiển trách nặng: tháng 7 năm 2012, Rôma và Bắc Kinh đồng ý có một giám mục duy nhất đại diện cho giám mục “chui” và “chính thức” vào chức vụ ở Thượng Hải, được nhà cầm quyền Trung quốc phong và được Đức Giáo hoàng bổ nhiệm, khi giám mục tuyên bố ra khỏi Hội Công giáo Yêu nước Trung quốc để chỉ lo về mục vụ, lập tức lưỡi gươm giáng xuống: chiều hôm đó Giám mục Mã Nhật Quân bị quản thúc tại gia. Năm năm sau ngài vẫn bị quản thúc, ngài không thể hiện được công việc mục vụ của mình dù cho đầu năm 2017, ngài đã vào lại Hội Công giáo Yêu nước.

Ngoài trường hợp rắc rối của Đức Giám mục Mã Nhật Quân, còn nhiều nhiều giám mục khác bị sách nhiễu, bị mời “đi uống trà” với cảnh sát, và sau đó bị biến mất vài ngày, có khi vài tuần, thường là vào các ngày lễ lớn của năm phụng vụ như lễ Giáng Sinh hay lễ Phục Sinh, nhà cầm quyền thường tạp áp lực trên các giám mục mà họ cho là chưa hợp tác đủ theo đường lối của Đảng. Đó là trường hợp các giám mục trong năm vừa qua ở các bang Phúc Kiến, Chiết Giang và ở cả Hà Bắc, Bắc Kinh, họ tìm cách buộc các giám mục theo Vatican đồng tế với một trong các giám mục bị Đức Giáo hoàng dứt phép thông công. Còn nặng hơn thế, từ 19 năm nay, Trung quốc vẫn còn giam giữ giám mục “chui” Su Zhimin của giáo phận Bảo Định, năm nay ngài 84 tuổi, bị bí mật giam, đến nay người ta không biết ngài còn sống hay không. Đầu năm 2015, có tin Giám mục “chui” Shi Enxiang, 95 tuổi của giáo phận Yixian qua đời, nhưng nhà cầm quyền Trung quốc không bao giờ xác nhận tin này.

Tình trạng của Trung quốc dưới chế độ Tập Cận Bình vẫn không được tiến triển: Đảng luôn kiểm soát chặt chẽ xã hội dân sự, các tôn giáo chỉ có thể thở được nếu họ hợp tác theo đường lối chính trị của nhà cầm quyền. Chắc chắn phải nhìn về phía Nam Á để phân định, đến đâu là bình thường hóa, đến đâu là hòa hoãn giữa chế độ cộng sản ở Á châu và kitô giáo.

Thù nghịch với các tôn giáo

Tại Việt Nam, trong số các tín hữu kitô giáo thì số tín hữu tin lành không nhiều (chỉ 1% đến 2% dân số), trong khi tín hữu công giáo là một thiểu số quan trọng (từ 7 đến 9%). Vì không có một cấu trúc xã hội nào khác – Việt Nam là nước độc đảng, không có nghiệp đoàn tự do, không có báo chí độc lập -, Giáo hội công giáo là một thể chế đáng kể vì thế tiếng nói của họ rất quan trọng. Trước các năm 1990, các giám mục còn âm thầm, bây giờ họ không ngần ngại lên diễn đàn. Không còn đếm hết các lá thư mục vụ tố cáo các vi phạm đất đai, nạn tham nhũng hay chính sách gia đình trị trong xã hội, trong Đảng, hoặc nặng hơn là làm hại môi sinh do tăng trưởng kinh tế không kiểm soát. Lần cuối họ bày tỏ quan điểm là ngày 1 tháng 6, Hội đồng giám mục “chân thành và thẳng thắn” nói lên quan điểm của mình với Quốc hội sau khi Quốc hội ra “dự luật về các tín ngưỡng và tôn giáo”. Các giám mục đã nêu lên các điểm tích cực và tiêu cực của dự luật, sẽ bắt đầu thi hành vào đầu năm 2018, họ không ngần ngại vạch trần hậu ý của chế độ trong các vấn đề về tôn giáo; họ phản đối thái độ thù nghịch ăn sâu trong tư tưởng các nhà cầm quyền cho rằng “các tổ chức tôn giáo là lực lượng đối lập”.

Chế độ cộng sản không hẳn không phản ứng trước sự huy động thầm lặng của Giáo hội công giáo. Chắc chắn họ không dám bắt các giám mục, nhưng họ nhắm đến các linh mục: gần đây truyền thông Quốc gia – các cơ quan truyền thông duy nhất của đất nước – đã chống hai linh mục thuộc giáo phận Vinh, nơi khu liên hợp công nghiệp của Đài Loan gây thiệt hại môi sinh trầm trọng ở bờ biển làm cho hàng ngàn ngư dân thất nghiệp; các nhà cầm quyền muốn phạt hai linh mục đứng đầu các vụ chống đối của dân chúng địa phương, họ đấu tranh để các nạn nhân được bồi thường thỏa đáng, họ được giám mục của mình ủng hộ. Nếu chế độ còn ngần ngại không dám bắt hàng tu sĩ thì họ không ngần ngại bắt giam giáo dân: ngày 30 tháng 6 vừa qua, cô Maria-Mađalêna Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 37 tuổi, người công giáo, viết blog với bút hiệu Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù chỉ sau một ngày xử kín; tòa khép cô vào tội làm hại cho sự thống nhất quốc gia, soi mòn lòng tin của quần chúng vào chế độ và có hại cho an ninh quốc gia. Tội của cô: thống nhất một mạng lưới các người viết blog, kêu gọi tôn trọng nhân quyền, tố cáo tham nhũng, tố cáo sự thông đồng của nhà cầm quyền trong tai ương môi sinh ở thành phố Vinh.

Nguồn tài sản thiêng liêng

Sự thẳng thắn của các nhà lãnh đạo Giáo hội địa phương bùng ra trong một hệ thống mà sự thật không bao giờ được nói lên. Trong việc đương đầu với quyền lực, các giám mục Việt Nam không hoàn toàn đơn độc: từ tháng 1 năm 2011, Rôma cử Đức Giám mục Leopoldo Girelli làm sứ thần Tòa Thánh không thường trú ở Việt Nam (vì Tòa Thánh và Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao), ngài ở chức vụ này cho đến ngày 13 tháng 9-2017. Mỗi ba tháng, ngài qua thăm các cộng đoàn địa phương ở Việt Nam. Ngày 13 tháng 8 vừa qua, trong ngày khai mạc Đại hội Đức Mẹ La Vang, ngài đã làm giáo dân tham dự ngạc nhiên khi ngài nói thẳng với nhà cầm quyền Việt Nam, ngài gọi họ là “Xêda Việt Nam”.
Chú giải lời Chúa Giêsu “Trả cho Xêda cái gì của Xêda và trả cho Thiên Chúa cái gì của Thiên Chúa”, ngài nhấn mạnh đến việc phải tôn trọng tự do tôn giáo ở Việt Nam, phải xem Giáo hội công giáo là nguồn tài sản thiêng liêng chứ không phải là trở ngại cho sự phát triển Quốc gia.

Ý thức được sức mạnh lôi cuốn của các Giáo hội kitô giáo, các nhà lãnh đạo cộng sản dù ở Trung quốc hay ở Việt Nam đã lập đi lập lại điệp khúc cũ của họ: Kitô giáo là là tôn giáo của “nước ngoài” nên phải giữ một khoảng cách an toàn. Không có chuyện mời lãnh đạo Giáo hội công giáo đến đất nước mình, mà Mao Trạch Đông xem là “tay sai của chủ nghĩa đế quốc Mỹ”. Thù hận thì đã lỗi thời nhưng ngờ vực thì vẫn còn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch