Thèm muốn và tôi luỵên đạo đức

351

Ronald Rolheiser, 2009-03-08

Cha Daniel Berrigan có một lần nữa đùa nữa thiệt nói nếu Chúa Giêsu xuống lại thế gian lần này, Người sẽ đến văn phòng các tâm lý gia ở Âu Mỹ, dùng roi và dây để đuổi các bác sĩ cũng như các bệnh nhân của họ, giống như ngày xưa Người dùng để đuổi các người buôn bán trong nhà thờ và nói: “Khiêng cái đi-văng và đi! Ta đã cho các con mạng sống của Ta, các con không cần phải khóc thương!” Nói vậy có thể hơi quá, nhưng cha có một quan điểm. Con người được dựng lên để được tôi luỵên và khả năng tôi luyện là một nghĩa vụ luân lý. Chúng ta nhờ lẫn nhau để phục hồi. Vậy đây, tôi xin giới thiệu với các bạn một quyển sách.

Đôi khi tôi ngần ngại khi giới thịêu sách hoặc phim, bởi vì dù toàn bộ tác phẩm có thể nói lên tính đạo đức và nâng cao tâm hồn, nhưng các chi tiết trong đó có thể làm khó chịu một số người chỉ nhìn chi tiết mà không nhìn cốt lõi.

Đó là trường hợp quyển sách mới Whisful Drinking – Thèm uống – của  Carrie Fisher. Tôi giới thiệu với một lời cảnh báo trước. Tổng thể, đây là một quyển sách đạo đức, nâng cao tâm hồn và đầy hy vọng, dù đôi khi ở một vài chỗ, tác giả đi quá nhanh và phóng khoáng.

Thường thường, tôi tránh các sách do các người nổi tiếng viết, nhất là những người nổi tiêng ở Hollywood, nhưng cũng có một vài ngoại lệ và Carrie Fisher là một trong những ngoại lệ này. Trí thông minh về luân lý và tài dí dỏm của bà đã làm cho bà có một chỗ đứng riêng, bà để cả hai tài năng này vào  quyển sách.

Quyển sách đúng ra là quyển tự truyện, câu chuyện của một người lớn lên ở Hollywood, con của Debbie Reynolds và Eddie Fisher, với một người cha thường xuyên vắng mặt và chạy theo các bà các cô, một người mẹ cũng thường xuyên vắng mặt dù rất yêu thương. Bà nổi tiếng thế giới và trở thành thần tượng khi đóng vai Công Chúa Leia trong Stars Wars, kết hôn với Paul Simon nhưng chia tay, có những ngày sống trong nghiện ngập, rượu, ma túy và mang bệnh tinh thần. Bà đứng được trên đôi chân nhờ có đủ khả năng tôi luyện, thấu cảm và tài dí dỏm làm chúng ta phải thèm.

Và bà viết với một sắc thái và hài hước làm bạn bị che mờ không thấy chiều sâu bên trong cuộc sống và ý nghĩa của nó. Giống như quyển sách Mommy Dearest and Survivor –Bà Mẹ yêu quý nhất và Người sống sót – của Christina Crawford, đây cũng là câu chuyện của một người thoát được kiểu giáo dục của Hollywood, dù trong trường hợp của Carrie bà có tình cảm  với Hollywood hơn là Crawford. Fisher không bao giờ rời Hollywood; bà có đủ triển vọng để không cần phải rời nó.

Tôi nói quyển sách này là quyển sách đạo đức và nâng cao dù, mới nhìn thì cách nói về tôn giáo, thuốc men, dục tính có thể coi như không chính xác, tùy tiện và không có ý thức về luân lý. (Ghi chú, tôi nói không có ý thức về luân lý, không phải là trái luân lý, có một khác biệt ở đây.) Như vậy, đâu là đạo đức của quyển sách?

Tôi không giới thiệu các phần không có ý thức về luân lý và, tôi nghĩ, Carrie Fisher (người không thể nào viết một dòng mà không chêm vào một cái gì dí dỏm và vui vẻ) sẽ không xem các phần này như một lý tưởng đạo đức. Bà chỉ đơn giản viết câu chuyện của bà, không nghĩ quan điểm của bà trên bất cứ chuyện gì phải là kim chỉ nam đạo đức. Nhưng có một cái gì bên trong câu chuyện này, tôi xin đưa ra, sẽ có tính cách đạo đức chuẩn mực, phải nói đến, là bà vội vã khiêng đi-văng và ra đi.

Bà đau khổ rất nhiều, đời bà cho thấy: cha vắng mặt, ít giáo dục con về mặt tôn giáo và đạo đức, sớm nổi tiếng một cách nguy hiểm, thất bại trong quan hệ, rối loạn tâm lý lưỡng cực. Tuy thế, ở đâu có tủi thân thì lại có thấu cảm. Có cay đắng thì có quả tim dịu ngọt. Có giận dữ thì có tha thứ. Có mặc kệ thì có tôi luỵên. Có tuyệt vọng thì có say mê lành mạnh. Và khi ánh sáng sắp tắt thì có phục hồi sức khỏe lạ thường. Và đó cũng là đạo đức, không đúng y như sách vở cổ điển nói về đạo đức, nhưng là con đường mà Đức Giê-su công nhận.

Quyển sách này đánh động tôi rất nhiều và tôi giới thiệu cho bạn vì  những gì bạn thấy trong câu chuyện của bà thì ngược với những gì chúng ta thấy trong thế giới, trong giáo hội ngày nay, nơi mà mỗi người dễ dàng cho phép mình giận dữ, cay đắng, trách móc người khác vì họ không hạnh phúc. Có một cái gì tươi mát và một thách thức về mặt đạo đức khi thấy một người có rất nhiều vấn đề nhưng lại không cần phải đổ vấn đề lên Chúa, lên gia đình, lên nhà thờ, lên người tự do, lên người bảo thủ hay lên bất cứ ai khác. Đó là lành mạnh và có đạo đức khi nhìn một người giữ được tinh thần hài hước ngoài mong chờ, vì đôi khi, tinh thần hài hước và chỉ có tinh thần hài hước mới làm xẹp cái ego thổi phồng của chúng ta.

Câu hỏi thứ nhì trong các sách Giáo Lý xưa cổ của chúng ta là: Tại sao Chúa tạo dựng ra chúng ta? Trả lời: Để biết, yêu và phụng sự Chúa ở đời này và hưởng hạnh phúc với Chúa đời sau. Có một khôn ngoan đích thực trong đó, nhưng ở đời này, chúng ta cần thêm: Tại sao Chúa tạo dựng ra chúng ta? Vì Chúa nghĩ rằng chúng ta có thể thưởng thức nó! Carrie Fisher cho chúng ta câu trả lời này, và đó là đạo đức.

Đã có lần Đức Giê-su thách đố dân chúng khi nói con cái của thế gian thì tinh khôn hơn con cái của ánh sáng. Wishfil Drinking – Thèm Uống – gợi ý  thỉnh thoảng chúng ta cũng nên có óc khôi hài dí dỏm hơn.

J.B. Thái Hòa dịch