Ronald Rolheiser, 2009-02-01
Có nhiều dạng cô đơn và nhiều dạng thân tình. Chúng ta đau ở nhiều nơi khác nhau.
Khi còn là một linh mục trẻ mới chịu chức và mới trơ trụi ra khỏi cảnh cô đơn của tuổi vị thành niên, một vài câu trong phép Thánh Thể đã làm tôi xúc động sâu xa. Tôi còn trẻ và ở một mình, và các lời nói về hợp nhất một thể xác một tinh thần đã gợi lên trong lòng tôi cảm nhận tôi biết tôi sẽ làm gì với nỗi cô đơn riêng của tôi. Nên một trong cơ thể Chúa Ki-tô, gợi lên trong tôi hình ảnh của vòng tay ôm ghì, chấm dứt nỗi cô đơn, các đau khổ triền miên và tính chất đơn độc trong tình dục của tôi. Hợp nhất trong Chúa Ki-tô, như tôi tơ tưởng hóa lúc đó, có nghĩa là vượt lên nỗi cô đơn của tôi.
Và đó là một am hiểu đúng. Bí tích Thánh Thể là vòng ôm cất đi nỗi cô đơn riêng của tôi, nhưng khi chúng ta già đi, một loại cô đơn sâu thẳm hơn có thể và bắt đầu ám ảnh chúng ta. Nỗi cô đơn sâu thẳm này làm chúng ta ý thức về thế giới này, mọi sự, mọi người đã bị cắt xé và phân chia như thế nào. Có một nỗi cô đơn toàn diện quá lớn làm cho nỗi cô đơn riêng thành nhỏ.
Thế giới này đã rời ra và phân chia ra biết bao! Chỉ cần nhìn chung quanh mình, xem tin tức thế giới, xem tin tức địa phương, ở sở làm, ở nơi sinh hoạt và ngay cả giáo xứ, đâu đâu chúng ta cũng thấy căng thẳng và chia rẻ. Còn lâu chúng ta mới được nên một thể xác, một tinh thần. Gần như có quá nhiều chuyện phân chia chúng ta: lịch sử, hoàn cảnh, tính khí, lý tưởng, địa dư, xuất xứ, tín ngưỡng, màu da, giới tính. Và rồi chúng ta có những tổn thương, ghen tương, quan tâm, tội lỗi riêng. Thế giới giống như trẻ vị thành niên cô độc, nó có quá nhiều phân chia đau đớn. Chúng ta sống trong một thế giới phân chia một cách sâu đậm, rất sâu đậm.
Càng già, tôi càng thất vọng vì không thấy một giải pháp đơn giản hay ngay cả một giải pháp nhân bản cho tất cả mọi người về các phân chia của chúng ta. Một cách chầm chậm, cuộc sống dạy chúng ta, đừng ngây thơ nghĩ rằng tất cả những gì chúng ta cần, đơn giản chỉ là một ý chí tốt, một tinh thần lạc quan, và xác tín rằng tình yêu sẽ chiến thắng. Tình yêu có thể và sẽ chiến thắng, nhưng không theo kiểu phim ảnh Hollywood, nơi mà hai người thật sự không có một điểm gì chung, gặp nhau, yêu nhau, mặc cho những tổn thương sâu xa, mặc cho tính ích kỷ và non nớt của nhau, lại cùng nhau xây dựng vượt lên mọi khác biệt, để nâng đỡ nhau, cho nhau khoái cảm xuất thần, đơn giản chỉ vì tình yêu chiến thắng mọi sự.
Ở một vài điểm, chúng ta hiểu đời sống thực sự không phải như vậy, trừ khi chúng ta chết ngay vòng ôm đầu tiên như Roméo và Juliet. Xét cho cùng, các khác biệt của chúng ta có lời nói của nó, cả bên trong lẫn bên ngoài quan hệ của chúng ta, bên trong bên ngoài các quan hệ giữa các nước, các nền văn hóa, các nhóm thiểu số và tôn giáo. Ở một điểm nào đó, các khác biệt này giống như bệnh ung thư, không thể chận đứng căn bệnh, triệu chứng bắt đầu kết lại, và chúng ta cảm thấy bất lực để vượt qua.
Nhưng không phải là thất vọng. Đó lại là lành mạnh. Ai đã từng chiến đấu để chống cơn lệ thuộc đều biết, để bắt đầu trở lại đời sống lành mạnh thì cần phải hiểu cái bất lực của mình. Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận mình không thể tự giúp mình thì lúc đó chúng ta mới mở lòng ra để xin được giúp. Chúng ta thấy trong Phúc Âm, bao nhiêu lần, ngay lập tức sau khi nghe Chúa giảng dạy, các tông đồ đều phản ứng bằng câu: “Đó là chân lý, nhưng không thể được cho chúng con, chúng con không làm được gì!” Chúa Giê-su đón nhận câu trả lời này (vì khi chấp nhận mình bất lực thì lúc đó mới mở lòng ra để nhận sự giúp đỡ) và Người trả lời: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự có thể được!”
Các lời cầu nguyện của chúng ta để được mật thiết, hợp nhất chỉ có thể có tác động khi chúng ta cảm thấy mình bất lực, chúng ta xin Chúa làm một cái gì cho chúng ta vì chúng ta thất vọng không làm được một mình.
Chúng ta thấy ví dụ này trong cộng đoàn giáo phái Quaker, khi mọi người tụ họp lại, ngồi với nhau trong thinh lặng, xin Chúa làm cho họ những gì họ không thể làm được, đó là, cho họ được hoà hợp và hiệp nhất. Thinh lặng là lời thú nhận mình bất lực, hiểu trong thân phận con người, sẽ không bao giờ chúng ta tìm được chữ đúng, hành động đúng để mang đến một hiệp nhất, điều luôn luôn vượt quá tầm tay chúng ta.
Bí tích Thánh Thể là lời cầu nguyện của tấm lòng bất lực, lời cầu nguyện xin Chúa cho chúng ta hiệp nhất vì chúng ta không thể nào tự mình cho mình. Không phải là chuyện ngẫu nhiên, khi, trong những giây phút cùng cực cô đơn, khi nhận ra tất cả những lời mình đã nói đều không đủ và không còn lời nào để nói thêm, Người đã tạo nên phép Thánh Thể. Khi cảm thấy bất lực nhất, Người cho chúng ta lời cầu nguyện của tấm lòng bất lực, phép Thánh Thể.
Giống như tất cả các thế hệ trước, thế hệ chúng ta ý thức được mình bất lực và qua trực giác, chúng ta hiểu thế hệ chúng ta cần một đấng thiên sai đến từ bên trên. Chúng ta không thể nào tự chữa lành và cũng không thể nào có chìa khóa để vượt lên các phân chia, các tổn thương riêng của mình. Như thế, chúng ta phải đưa nỗi bất lực của chúng ta vào thinh lặng, vào lời cầu nguyện với phép Thánh Thể, xin Chúa đến và giúp chúng ta làm những việc chúng ta không làm được, đó là, tạo nên một cộng đoàn. Và vì lý do này, chúng ta phải đi dự phép Thánh Thể.
J.B. Thái Hòa dịch