Ronald Rolheiser, 2008-08-17
“Ai không thay đổi và trở nên giống trẻ nhỏ, kẻ ấy không thể vào được Nước Trời.”
Làm sao chúng ta có thể thay đổi đây? Làm sao chúng ta có thể xóa đi cái phức tạp, bỏ đi sự kiện mình đang là người lớn? Loại hành trình nào có thể dẫn quả tim chúng ta về lại với sự trong sáng ban đầu?
Tôi nghĩ một phần cái khó khăn của chúng ta là do cách chúng ta nghĩ về trái tim trẻ con. Khi hình dung trái tim của một đứa trẻ, chúng ta tự động nghĩ đến hồn nhiên ngây thơ. Bản chất trái tim trẻ con là trong trắng, tuyệt vời trong trắng. Có rất ít điều trên thế gian này có thể kềm giữ chúng ta, khiến cho người đàn ông xem lại lời nói của mình, người phụ nữ xem lại hành động của mình, khiến chúng ta xem lại những gì đã nói trong các buổi nói chuyện đã làm chúng ta phải hối tiếc về những quyết định sai trái, và khiến chúng ta muốn trở nên thánh thiện hơn, cho bằng sự trong trắng của một đứa trẻ. Sự trong trắng là một thứ ánh sáng đạo đức đầy sức mạnh.
Tuy nhiên chính đó không phải là những gì Đức Giê-su đòi hỏi khi Ngài nói chúng ta phải trở nên giống như trẻ con. Chúng ta không thể nào trẻ nhỏ mãi được. Tuổi ấu thơ lớn dậy một cách tự nhiên và tuổi trưởng thành đến với một phức tạp lạ lùng trong cuộc sống nói chung, và trong bản năng xác thịt nói riêng, những cái chưa hề tồn tại trong trái tim của đứa trẻ. Đối với một người trưởng thành, cuộc sống có lẽ không hề đơn giản, và sự trong trắng từ bản chất của một đứa trẻ bị mất đi trong sự kiện này.
Vậy Đức Giê-su muốn nói gì khi Ngài nâng trái tim của một đứa trẻ lên như một lý tưởng?
Trong ý Ngài chắc chắn có một sự trong trắng nhất định nào đó, không phải trong trắng đơn thuần của tình trạng chưa bị phức tạp hóa, hay vẫn được che chở để khỏi bị phức tạp hóa bởi một ai đó và thế giới bên ngoài. Tính hồn nhiên trong trắng mà Đức Giê-su ca ngợi nơi trẻ thơ là tính trọn vẹn của tình trạng chưa bị tổn thương, vẫn còn khả năng tin tưởng, trái tim chưa bị chai sạn tội lỗi, vì tổn thương, vì vỡ mộng. Đức Giê-su nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi dân chúng hỏi liệu ly dị là đúng hay sai. Ngài trả lời câu hỏi đó không phải bằng cách phán quyết một cách trực diện đúng hay sai, nhưng bằng cách đưa ra một lý do sâu sắc hơn: Ly dị xảy ra, Đức Giê-su nói, bởi vì quả tim chúng ta không còn là quả tim của “buổi ban đầu”, giống như A-dong và E-va thời nguyên thủy khi hai người chưa mắc tội và (theo ngôn ngữ đời sống chúng ta) khi chưa bị tổn thương. Trong trái tim không bị tổn thương, trong trái tim của trẻ thơ, không có chỗ cho ly dị. Để có được một trái tim như thế, phải cố gắng tránh xa những thứ có thể làm tâm hồn tổn thương và chai cứng.
Tuy nhiên đó chỉ mới là một khía cạnh của vấn đề. Phẩm cách của trái tim trẻ thơ mà Đức Giê-su nhiều lần muốn chúng ta bắt chước là phẩm cách biết mình bất lực và cần giúp đỡ. Đứa trẻ không làm được gì. Không thể tự nuôi mình, cho mình ăn, chăm sóc bản thân. Đối với đứa trẻ, nếu cha mẹ không thức dậy lo bữa ăn sáng, nó sẽ bị đói. Đứa trẻ hiểu mình bị lệ thuộc, hiểu cuộc sống đến từ những gì cách xa bản thân nó, rằng nó không tự chu cấp và không tự lập được.
Tuy nhiên chúng ta có khuynh hướng quên đi điều này khi chúng ta thành người lớn. Ít nhất trong những năm tháng chúng ta mạnh khỏe, nghĩ mình có thể lo cho mình được, tự tin, tự lập, quả tim người lớn nói: “Tôi có thể tự lo cho tôi được”. Trái tim người lớn có khuynh hướng sống với ảo tưởng tự đủ và đó là quan niệm sai trái, là cội rễ của nhiều giả tạo phức tạp, thiếu đi đồng cảm làm chúng ta xa nhau.
Tuy nhiên làm cách nào để có thể xóa bỏ điều này? Làm cách nào “thay đổi để trở nên giống trẻ con”?
Thiên nhiên, Thiên Chúa và hoàn cảnh thường trợ giúp cho chúng ta. Đây là một ví dụ: Cách đây đã lâu, tôi có viếng đám tang một cụ chín mươi tuổi. Sinh thời, ông là người lương thiện, tốt bụng, luôn hết lòng vì gia đình, có đức tin, đặc biệt ông là người đàn ông mạnh mẽ, rất độc lập, tự hào về khả năng tự lập của mình, và không hiếm lần đối xử khắc nghiệt với người khác và lấn lướt những người làm ăn với ông. Con trai ông là linh muc, đã giảng trong thánh lễ an táng:
Phúc Âm nói với chúng ta rằng, người khỏe mạnh cũng chỉ sống đến bảy mươi, tám mươi tuổi thôi. Nhưng cha tôi đã sống đến chín mươi. Tại sao lại có thêm mười năm này? Điều đó không có gì là bí mật: Trong trường hợp cha tôi, Thiên Chúa đã cần thêm mười năm nữa để làm ông lắng dịu. Ông chưa sẵn sàng chết ở tuổi tám mươi; lúc đó ông vẫn còn quá mạnh mẽ, quá độc lập, quá tự tin. Nhưng mười năm cuối cùng, nhiều thứ tác động lên đời sống của ông: mất vợ, mất sức khỏe, mất độc lập, mất địa vị xã hội, mất vị thế trong thương trường. Và những cái mất đó đã làm tâm hồn ông lắng dịu. Ông sẵn sàng chết để nắm lấy một bàn tay mạnh mẽ hơn.
Chúng ta có một chọn lựa: Chúng ta có thể thực hiện tiến trình này một cách thận trọng, có chủ đích, hoặc chúng ta bảo vệ một cách mãnh liệt sức mạnh và tính tự lập của chúng ta, và chờ đợi thiên nhiên, Thiên Chúa và hoàn cảnh làm việc đó cho chúng ta.
J.B. Thái Hòa dịch