Bánh và rượu

1102

Ronald Rolheiser, 2008-06-07

Bánh và rượu mang nhiều ý nghĩa hỗn hợp, cả trong cuộc sống lẫn trong bí tích Thánh Thể.

Một mặt, bánh có lẽ là biểu tượng đầu tiên của chúng ta về lương thực, sức khỏe, dinh dưỡng và đời sống cộng đoàn. Xin cho chúng con lương thực hằng ngày! Chúng ta hãy cùng nhau bẻ bánh! Bánh là hình tượng cho cuộc sống và sống chung với nhau.

Ít có cái gì có thể nói về cuộc sống một cách tuyệt vời cho bằng hương vị chiếc bánh mới. Mùi thơm từ chiếc bánh mới chính là hương vị cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta cũng có một câu chuyện khác về chiếc bánh. Bánh được làm từ gì? Từ lúa mì, từ những hạt riêng lẻ, phải bị nghiền nát để trở nên bột mì, một thứ mang đặc tính chung, sau đó phải chịu đựng sức nóng của lửa để nướng thành thứ cho chúng ta hương vị cuộc sống. Giống như thánh Âu-Tinh nói trong một bài giảng:

“Đúng là chiếc bánh này không phải làm từ chỉ một hạt lúa mì, có phải không các bạn? Trước khi hợp lại để làm chiếc bánh, các hạt lúa mì đứng riêng lẻ. Trước khi hòa trộn vào nhau bằng nước, chúng được nghiền nát. Bởi vì nếu trước đó, chúng không được nghiền nát, sau đó chúng không được làm ẩm thì chúng không hình thành cái mà chúng ta gọi là bánh mì… và sau đó, nếu không có lửa thì chúng cũng không thành bánh mì được.” Bánh phải được nướng trong lò với một sức nóng dữ dội. Lúc đó bánh nói lên được cả niềm vui và cả đau đớn.

Rượu cũng mang trong mình hai ý nghĩa như vậy: một mặt, nó là thức uống dành cho các bữa tiệc, có lẽ nó là biểu tượng đặc trưng nhất cho những gì liên quan đến lễ tiệc. Rượu không thể đóng vai trò như một thức uống thiết yếu, một thực phẩm căn bản. Nó không phải là chất đạm cần thiết cho sức khoẻ, nhưng là món ăn phụ, nói lên những gì ở bên ngoài các công việc vất vả kiếm sống và duy trì cuộc sống. Rượu nói lên tình bằng hữu, cộng đoàn, lễ tiệc, niềm vui, tiêu khiển, chiến thắng. Chúng ta tổ chức mọi lễ tiệc không chỉ với trọn tình yêu mà còn với rượu.

Tuy nhiên, tương tự như bánh, rượu cũng có nghĩa khác: rượu được làm từ gì? Từ những quả nho riêng lẻ bị vắt ép và nước ép đỏ như máu sẽ lên men để trở nên thức uống nồng ấm và có tính lễ tiệc. Không ngạc nhiên khi Đức Giê-su đã chọn rượu để đại diện cho máu của Người.

Thật là hữu ích khi chúng ta sống trong tâm trạng có nhiều ý nghĩa này khi tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Bánh và rượu được dâng lên để cầu xin Thiên Chúa thánh hóa trở nên máu và thịt của Ngôi Hai Thiên Chúa, và một cách chính xác bánh và rượu được dâng lên trong nhiều nghĩa của nó.

Một mặt, bánh và rượu đại diện cho mọi thứ trong đời sống và thế gian, đó là: khỏe mạnh, trẻ trung, xinh đẹp, đầy sức sống, đầy màu sắc. Chúng đại diện cho sự tốt đẹp của thế gian này; niềm vui của thành công, lễ tiệc, hội hè, và tất cả những gì mang trong nó nguồn ơn của Thiên Chúa khi Người tạo dựng nên địa cầu và tuyên bố mọi sự tốt đẹp. Thánh Thể còn cho ta mùi vị của chiếc bánh mới.

Tuy nhiên đó chỉ mới một nửa ý nghĩa. Thánh Thể cũng được dâng lên trong sự hiến dâng tất cả những gì bị nghiền ép, tan vỡ, đốt cháy vì bạo lực. Rượu, một cách thích đáng, cũng chính là máu. Tại bàn tiệc Thánh Thể chúng ta nâng lên cả sức khỏe, thành công, thất bại và lỗi lầm của thế gian và cầu xin Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong hiệp nhất đó. Cha Pierre Teilhard de Chardin cũng nhắc đến điều này một lần: Trong một cách có ý nghĩa, vật chất được thánh hóa mỗi ngày nói lên sự phát triển của thế gian trong ngày đó – bánh một cách thích hợp tượng trưng cho những gì được tạo nên bởi thành tựu trong sản xuất, máu rượu là những gì được tạo nên bởi mất mát trong một quá trình đầy nỗ lực, vắt kiệt sức lực.

Những gì chúng ta thấy nơi bàn tiệc Thánh Thể: tốt đẹp, niềm vui cuộc sống cũng như thất bại trong cuộc sống, những nỗi đau là cùng ở trong một tình trạng căng thẳng như nhau, cái mà chúng ta cần thiết phải dâng lên hằng ngày trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Chúng ta làm điều đó cách nào đây?

Bằng cách thưởng thức cuộc sống và tất cả những thú vui chính đáng, không tội lỗi, không chê bai chúng nhân danh Thiên Chúa, chân lý và người nghèo, ngay cả khi chúng ta đến đứng bên Thập giá muôn đời của Đức Ki-tô, là nơi những người bị gạt ra ngoài, người nghèo, người ốm đau, người khó ưa, người cô đơn, người đói, người bị chèn ép, người mù tìm thấy nới chốn của họ.

Chúng ta có lẽ đã sống trong tình trạng căng thẳng nơi bàn tiệc Thánh thể, tâm trạng mang nhiều ý nghĩa hỗn hợp của bánh và rượu bất cứ lúc nào chúng ta thưởng thức mùi vị của chiếc bánh mới, của ly rượu lên men. Điều đó có nghĩa chúng ta phải tôn kính trước vẻ đẹp thiên nhiên, nét duyên dáng của một vận động viên, năng lượng huyền bí trong âm nhạc, sức mạnh trong bản năng tính dục, hài hước trong vở hài kịch hay, cảm giác sôi nổi của khỏẻ mạnh, hương sắc và điều thú vị khắp nơi trong cuộc sống, ngay cả khi chúng ta nhận biết và tương trợ với tất cả những cái bị loại ra, bị gạt bỏ bởi các năng lượng kì diệu này, những cái mà cuối cùng rồi cũng quay về với khởi nguồn trong Thiên Chúa.

Trong tin mừng Thánh Gio-an, nước biến thành rượu, rượu trở thành máu, máu và nước đều chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giê-su. Đó cũng là điều đã diễn ra nơi bàn tiệc Thánh Thể và trong cuộc sống chúng ta. Nhiệm vụ chúng ta là giữ bánh và rượu trong tay, nơi bàn tiệc Thánh Thể để chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa.

J.B. Thái Hòa dịch