Có nhiều loại thông minh, đạt ngộ. Không một ai xuất sắc giống ai.
Có người có năng khiếu toán học và triết học. Đó là thông minh của một Albert Einstein, Alfred North Whitehead, Bill Gates. Có người thông minh về xúc cảm, đó là các văn sĩ lớn như ông Murdochs Iris, bà Byatts Anne, ông John Steinbecks, và ông Munroes Alice, họ có trí thông minh xúc cảm mà các nhà tâm lý gia lớn nhh trên thế giới phải thèm.
Và còn có loại thông minh gọi là thông minh thực dụng. Tôi thấy trong các bạn thời trung học của tôi, khi còn trẻ họ không có được mảnh bằng nhưng họ có năng khiếu lạ lùng với những chuyện bình thường trong cuộc sống, họ là những người chúng ta nghĩ đến khi có sự cố về ống nước, xe hư, trần thủng và một ngàn thứ chuyện khác mà các nhà toán học, triết gia, văn sĩ không thể nào giúp chúng ta được.
Cũng có một loại thông minh thẩm mỹ, mà điểm sáng chói độc đáo của người nghệ sĩ đôi khi phối hợp với xúc cảm và ngay cả với toán học (đặc biệt trong trường hợp các nhạc sĩ) nhưng thường thường thông minh gần như chính tự nó một mình.
Và cuối cùng còn có một loại thông minh khác, thông minh của lòng đạo đức. Đó là loại thông minh gì? Đôi khi chúng ta gọi đó là chiều sâu, là khôn ngoan, là cá tính. Dù gọi dưới tên nào, thông minh của tấm lòng đạo đức là nhạy cảm sâu đậm với các ngóc ngách của cuộc đời. Là một loại thấu triệt các sự việc, nắm giữ cuộc sống với nguồn cội của nó, tôn trọng nó để cuộc sống không cay đắng, tháo gỡ, bung ra và quay ngược lại chống chúng ta. Thông minh của lòng đạo đức trực cảm – biết qua trực giác – thông minh bẩm sinh có trong chính hệ thống di truyền DNA của cuộc sống. Nó thấu triệt các việc chúng ta phải làm chứ không phải chỉ làm những việc chúng ta thích làm. Nó vạch trần ổ cứng mà bên trong là huyền nhiệm của cuộc sống và tình yêu.
Nó đến từ đâu? Cũng như các loại hình thức thông minh khác, có thể nó đến từ tài năng tự nhiên, một tính tình, một ân huệ Chúa cho như quà tặng cho thế giới. Nhưng, tôi ngờ, trong nhiều trường hợp, nó cũng là sản phẩm của một cái gì khác, nói cho đúng, là một loại đau khổ và sỉ nhục. Tôi muốn nói gì qua những chuyện này?
Nếu nhìn lại chính cuộc đời của mình và chúng ta tự hỏi: Cái gì làm chúng ta có một chiều sâu? Cái gì giúp chúng ta hiểu mọi sự trong cuộc đời sâu đậm hơn? Một cách trung thực, chúng ta phải nhìn nhận đó không phải là các thành công, thành tựu của chúng ta. Chúng mang đến vinh quang nhưng không mang đến chiều sâu hay tạo nên tính tình.
Những điều mang đến chiều sâu và tính tình là những điều chúng ta xấu hổ khi nói lên, mặc cảm thấp kém – đứng chót lớp, rụt rè trong giờ chơi, ngoại hình xấu, cha nghiện rượu, mẹ mập phì, cha mẹ đối xử tệ mà chúng ta không biết cách nào chấm dứt tình trạng này, cứ lải nhải lập đi lập lại làm trói buộc chúng ta vào trong hoàn cảnh này, chúng ta yếu kém không cách nào thực hiện những gì mình mong muốn cho cuộc sống, một đau đớn khi định hướng cuộc sống tình dục, một lệ thuộc, và rất nhiều, rất nhiều các vết thương lớn nhỏ đã hình thành tâm hồn chúng ta.
Tâm lý gia người Mỹ, ông James Hillman, một người trực tính của thế hệ trí thức chúng ta nói một cách hùng hồn về đề tài này. Một cách sâu xa, ông gợi ý, nó không bao giờ đến từ các thành công mà đến từ thất bại và mặc cảm thấp kém của mình. Và trên đó, ông nói, nó hình thành tính tình của chúng ta. Các vết sẹo của chúng ta như những hòn đá trong một giòng sông; có thể chúng không làm gì hết nhưng vẫn ở đó, chúng giữ đất, chúng vẫn ở dưới giòng sông và giòng sông thay đổi lưu lượng cũng vì chúng, và chính chúng lại mang đến cho giòng sông sắc thái đặc biệt.
Sự thật này chính là tâm điểm sứ điệp của Chúa Giêsu. Khi các đồ đệ không thể nào hình dung ra và chấp nhận Chúa bị đóng đinh, Chúa hỏi họ: «Có cần thiết không?» Không có một mối dây liên hệ cần thiết giữa sỉ nhục của ngày Thứ Sáu tuần thánh và vinh quang của ngày chúa nhật Phục Sinh sao? Không có một mối dây liên hệ nội tại giữa một loại đau khổ nào đó với việc có được một chiều sâu tâm hồn sao?
Thực vậy, khi chiến đấu trong Vườn Giệt-sê-ma-ni, Chúa Giêsu ba lần xin Chúa Cha cất cho Ngài khỏi bị đau khổ và sỉ nhục trên thập giá, và đúng là sự bất đắc dĩ chấp nhận của Ngài mà Ngài có được một chiều sâu tâm hồn chỉ có thể có được khi gặp một loại sỉ nhục nào đó. Và, trong trường hợp của Chúa Giêsu, Ngài không những bị chế nhạo như một tên trộm mà còn bị đóng đinh trần truồng trước mặt mọi người. Nhưng đó là con đường duy nhất đi đến ngày Chúa Nhật Phục Sinh và Ngài đã có trí thông minh của tấm lòng đạo đức để thấy điều này.
Việc đóng đinh trên thập giá đem lại khôn ngoan cho tấm lòng đạo đức. Vì thế thập giá của Chúa Kitô, như triết gia René Girard nói, là sự kiện cách mạng nhất về mặt đạo đức đã xảy ra trên hành tinh này. Những gì thập giá Chúa Kitô làm, như Thánh Kinh nói, là xé rách bức màn phân chia để chúng ta thấy được bề trong thiêng liêng của các thiêng liêng.
Và các thập giá riêng, các sỉ nhục của chúng ta cũng có thể làm cho chúng ta như vậy. Chúng có thể xé tan tấm màn đui mù và thức tỉnh chúng ta về mặt đạo đức.
J.B. Thái Hòa dịch