Clapton, Nhạc Blues và Sự Hoán Cải

387

Ronald Rolheiser, 2004-10-10

Gần đây có mấy người bạn tặng tôi cuốn tự truyện của Eric Clapton (Tự truyện Eric Clapton, nhà xuất bản Random, New York, 2007). Tôi thường tránh tự truyện của những người giàu có và nổi tiếng, nhưng câu chuyện của Clapton làm tôi chú ý. Eric Clapton có lẽ là nghệ sĩ ghi-ta nổi tiếng nhất của dòng nhạc blues trên thế giới; tôi là người ái mộ ông lâu năm nhưng lại chưa biết gì về ông. Vì thế tôi nhận cuốn sách liền.

Tôi đã không thất vọng. Cuốn sách giúp tôi hiểu được những gì nằm sâu bên trong thế giới nhạc rock; nhưng quan trọng hơn, Clapton kể câu chuyện của ông bằng một sự hiểu biết tuyệt vời và với tấm lòng khiêm tốn khiến người khác không gịân được. Đây không phải là một cuốn tự truyện rẻ tiền dùng để đánh bóng tên tuổi, nhưng là câu chuyện về nghệ thuật, tuổi trẻ, thao thức, tìm kiếm, rồi sa sút, gần đi tới thảm họa, và rồi hoán cải. Cái thật sự gây chú ý nằm ở yếu tố cuối cùng, vì như Heather King đã nói, tội lỗi không đáng quan tâm, nhưng chính là hoán cải.

Người hâm mộ Clapton sẽ không thất vọng khi biết ông nghiêm túc với nghệ thuật của mình như thế nào. Trong suốt toàn bộ sự nghiệp, mặc dù tâm trí rối bời do những chuyện khác, nhưng ông luôn rõ ràng, chuyên tâm với nghệ thuật của mình, nhạc blues, sẵn lòng dứt bỏ danh tiếng và tiền bạc vì nghệ thuật. Đối với ông, nghệ thuật là trong sáng, một điều gì đó gần giống với Thiên Chúa, có nghĩa là luôn luôn tinh khiết. Lời của Clapton: “Đối với tôi, âm nhạc luôn luôn là phương tiện đáng tin cậy nhất để truyền tải một cái gì thuộc chiều kích thiêng liêng. Nó không thể bị điều khiển, hoặc bị chính trị hóa, và khi âm nhạc là chính nó, ngay lập tức nó trở nên rõ ràng.»

Đó là lời của một nghệ sĩ chân chính, tuy nhiên cuộc chiến đấu thực sự của ông không bao giờ là với nghệ thuật cả, nhưng là với những nổi ám ảnh, những cơn nghiện, cái tôi, và tính điềm tĩnh.

Thành công sớm đến với Clapton, và thế giới của Rock’n Roll đã làm ông ngập chìm trong một nền văn hóa của rượu, ma túy và lối sống buông thả. Ông đã sớm nghiện ngập; hầu như mọi thứ trong cuộc sống của ông, ngoài âm nhạc, đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Cuối cùng ơn lành đã đến với Clapton trong lần thứ hai ông đến trung tâm cai nghiện, ông tìm thấy ân sủng và có được tâm hồn điềm tĩnh. Đây là lời của ông:

“Tuy thế, ở trung tâm điều trị lần này, tôi vẫn tiếp tục những suy nghĩ sai lầm như lần trước: chỉ là để đánh dấu thời gian trôi qua và hy vọng một điều gì đó sẽ tự thay đổi trong tôi và tôi không cần phải làm gì để thay đổi nó cả. Rồi một ngày, sau khi hết thời hạn ở trung tâm, một nỗi hoang mang ập vào lòng tôi, và tôi nhận ra rằng thật sự chẳng có gì biến chuyển trong tôi cả và rằng tôi sắp trở lại cuộc sống như trước trong tâm trạng không có gì an toàn hết. Luôn luôn có một tiếng ồn làm tôi nhức óc, khỏa lấp những ý nghĩ của tôi. Nó làm tôi bàng hoàng khi nhận ra mình đang ở đây, trong một trung tâm điều trị, một môi trường được cho là an toàn, và tôi đang lâm vào một mối nguy hiểm nghiêm trọng. Tôi hoàn toàn kinh hãi và thất vọng.

Vào khoảnh khắc đó, chân tôi không đứng vững và tôi quỵ gối xuống. Trong căn phòng riêng, tôi cầu xin được trợ giúp. Tôi không hình dung ra được người mà tôi đang nói chuyện, tôi chỉ biết rằng trước đó tôi đã kiệt sức, chẳng còn sức lực để chiến đấu với bất cứ thứ gì. Khi đó tôi nhớ lại tôi đã nghe người ta nói về quy phục, cái mà tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ có, lòng kiêu hãnh không cho phép tôi làm như vậy; nhưng tôi biết rằng tôi sẽ không làm điều đó một mình, tôi cầu xin được trợ giúp, tôi quỳ xuống và quy phục.

Trong một vài ngày, tôi nhận ra một điều gì đó đã biến chuyển trong tôi. Người vô thần có thể sẽ nói đó là sự thay đổi về thái độ, và trong chừng mực nào đó, nó hoàn toàn đúng, nhưng còn nhiều hơn thế nữa, tôi đã tìm thấy một nơi chốn để quay về, một nơi tôi đã luôn luôn biết tới nhưng tôi đã không thật sự mong muốn và cần tới để tin tưởng.

Từ ngày đó cho tới bây giờ tôi không bao giờ bỏ kinh sáng, tôi quỳ gối và cầu xin được trợ giúp; buổi tối, tôi cám ơn về cuộc sống của tôi, về tâm trạng điềm tĩnh của tôi, về tất cả mọi thứ tôi nhận được. Tôi chọn quỳ xuống bởi vì tôi cảm thấy tôi cần phải tự hạ mình khi cầu nguyện và đây là điều tốt nhất tôi có thể làm với cái tôi của mình.

Nếu bạn hỏi tôi tại sao tôi lại làm tất cả vì điều này, tôi sẽ bảo với bạn vì nó tốt đẹp, đơn giản như vậy. Lúc này đây, tôi đã hoàn toàn nghiêm chỉnh, tôi sẽ không bao giờ một lần nữa nghĩ đến việc dùng rượu hay ma túy… Trong một phương cách nào đó, một hình thức nào đó, Thiên Chúa của tôi vẫn luôn hiện diện ở đó, song giờ đây tôi đang học nói chuyện với Người.”

“Bạn không bao giờ trưởng thành hơn nếu bạn không biết quỳ gối và cúi đầu khiêm nhường trước một điều gì đó lớn hơn cái tôi của bạn.”

Tôi đã đọc được những dòng này trong một cuốn sách giáo lý vấn đáp khi tôi còn là một cậu bé và khi đó tôi hiểu rằng chúng chứa đựng một chân lý mãi mãi cần được khẳng định trước niềm kiêu hãnh của con người. Cha Pierre Teilhard de Chardin cũng có nói một điều tương tự. Vào một lúc nào đó trong cuộc đời bạn, cha nói, bạn sẽ nhận thấy rằng bạn chỉ có hai lựa chọn: quỳ gối trước một điều gì đó lớn hơn cái tôi của bạn, hoặc bắt đầu tự hủy hoại.

Và tôi nghĩ Clapton cũng đồng ý.

J.B. Thái Hòa dịch