Chỉ Muốn Một Điều Thôi

348

Ronald Rolheiser, 2008-04-06

Điều gì làm nên một vị thánh? Tôi yêu thích nhất định nghĩa của triết gia Soren Kierkegaard: “Trở nên thánh là chỉ muốn một điều thôi.”

Điều đó nghe có vẻ đơn giản, nhưng như chúng ta biết, việc kiên định lựa chọn một điều gì là một trong các việc khó thực hiện nhất trong thế giới rộng lớn này. Tại sao?

Bởi vì như Thomas Aquinas nói, mỗi một lựa chọn là một từ bỏ. Quả thật nó còn hơn cả một ngàn từ bỏ. Nói một cách đơn giản: Nếu bạn chọn kết hôn với một người, bạn không thể kết hôn với một người nào khác; nếu bạn chọn sống ở một thành phố, bạn không thể sống ở thành phố khác; và nếu bạn lựa chọn dành thời gian và năng lượng của mình ở một nơi, bạn không thể dành chúng cho nơi nào khác nữa. Chúng ta không thể có được mọi thứ.

Song, đó lại là điều chúng ta hằng ao ước, chúng ta muốn tất cả và chúng ta được tạo nên để có tất cả.

Có một câu chuyện về thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su giống với điều ao ước trên: Khi Têrêxa lên bảy tuổi, chị Léonie quyết định đã đến lúc mình phải ngừng chơi đồ chơi trẻ con. Vì thế, Léonie gom hết đồ chơi của mình vào một chiếc giỏ, đoạn đi vào căn phòng nơi Têrexa và Céline đang chơi đùa với nhau. Léonie nói các em có thể chọn một thứ trong chiếc giỏ và các món còn lại sẽ gởi đến viện mồ côi. Céline chọn một quả bóng có nhiều màu sắc, nhưng Têrêxa đờ người ra, không biết chọn cái gì, một lúc sau em đơn giản nói: “Em chọn tất cả, em muốn tất cả.”

Cha Henri Nouwen đã từng kể về cuộc đấu tranh của cha trong việc chọn lựa: «Tôi muốn trở thành một vị thánh lớn, song tôi cũng muốn được trải nghiệm những cảm giác mà người tội lỗi có; tôi muốn dành nhiều thì giờ để cầu nguyện, song tôi không muốn bỏ bất cứ chương trình truyền hình nào; tôi muốn sống một cuộc sống giản dị, nhưng tôi cũng muốn ở trong căn hộ đầy đủ tiện nghi, được du lịch thoải mái; và tất cả mọi thứ tôi cần để trở thành một học giả và nhà văn chuyên nghiệp. Ngạc nhiên là càng ngày cuộc sống của tôi càng phiền phức và mệt mỏi. Thật không dễ để trở nên chuyên tâm, để thành thánh, hay là để trở nên người hơn với những vấn đề này.»

Tôi luôn tự hào về mình, thậm chí là kiêu ngạo; và với tổn thương của chính mình, tôi nhận ra rằng cuộc đời phức tạp đến nỗi bản chất của con người bị sắp từng lớp một cách vô lý; và nhập nhằng khó hiểu là hiện tượng căn bản trong thế giới của chúng ta. Con tim và khối óc chúng ta chứa đựng nhiều thứ hơn là những gì chúng ta thật sự thừa nhận. Vì lý do này, tôi luôn thiên về phía các tác giả đã cố gắng chân thật đối mặt và đặt vấn đề với sự thật này; những giáo viên không phủ nhận hay xem thường sự phức tạp tính dục; tính chất thiêng liêng phải được xem một cách nghiêm túc, nó mang đến cho bản chất con người với tất cả tầm cao cả của nó; chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy thế giới này có quá nhiều đố kỵ, tức giận, suy thoái và bạo lực. Ngay cả những mối quan hệ thân thiết nhất của chúng ta cũng không hề đơn giản. Chúng ta mang trong mình quá nhiều phức tạp, quá nhiều tổn thương, quá nhiều cao cả đến nỗi như James Hillman đã nói: “Vai trò đầu tiên của bất cứ gia đình nào là cáng đáng giúp bớt bệnh lý cho thành viên gia đình đó.»

Cuộc sống thật không đơn giản và trong số những lý do để chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đó là cách chúng ta được tạo nên. Chúng ta mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa. Nó còn hơn là một biểu tượng đẹp được in dấu trong tâm hồn. Nó là ngọn lửa, là nguồn năng lượng thiêng liêng, là thôi thúc, khao khát không ngừng nghỉ; là ngập ngừng do dự khi chúng ta cố gắng đưa ra một lựa chọn. Như tác giả sách Giảng Viên có nói, Thiên Chúa đặt vào chúng ta tính vĩnh cữu để chúng ta không bị đồng hóa bởi thời gian từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc. Con người chúng ta thật phức tạp, không bao giờ biết thoả mãn, và giống như Têrêxa Hài Đồng Giê-su chúng ta không thích phải chọn lựa. Chúng ta muốn có tất cả! Mỗi đường lối thiêng liêng hiểu được bản chất con người đều phải giữ điều này trong đầu.

Vậy rồi chúng ta sẽ đi về đâu?

Cuối cùng rồi, mặc cho bao phức tạp, chúng ta đều có nhu cầu  trở thành thánh. Leon Bloy (Triết gia Pháp người đã có công giúp Jacques và Raissa Maritain đến với đức tin) đã gói gọn  bình luận về đời sống thiêng liêng và cuộc sống của ông chỉ trong một dòng sau: “Rốt cuộc, chỉ còn lại một nỗi buồn rất nhân bản, đó là không trở thành thánh”. Càng lớn lên, chúng ta càng nhận ra sự thật đó càng đúng đắn và quan trọng. Nỗi buồn đích thật chỉ có một nguồn duy nhất.

Song, để nên thánh phải có một cái giá thật sự: khó khăn trong lựa chọn, tận tâm, chuyên tâm, trung thành với chỉ một ước muốn, từ bỏ mọi cám dỗ; đổ mồ hôi, sôi nước mắt để giữ lấy đức tin; duy trì khắc kỷ đối với cảm xúc, tính dục, tinh thần cần thiết để giữ vững sự lựa chọn của mình.

Dĩ nhiên, chúng ta không nên đơn giản thực hiện điều đó bằng cách phủ nhận sự phức tạp của tâm hồn và thể xác, nhưng chúng ta cũng không nên ngập ngừng do dự, hành động, suy nghĩ theo kiểu duy lý rằng mọi thứ quá phức tạp và chúng ta bị giằng xé đến mức không thể đưa ra một lựa chọn.

Một lúc nào đó sự chần chừ do dự và giải thích theo kiểu duy lý của chúng ta sẽ phải chấm dứt; chúng ta buộc phải chọn lựa; chấp nhận những từ bỏ đầy đau đớn và chỉ muốn một điều thôi, đó là Thiên Chúa và phục vụ mọi người, bởi vì rốt cuộc nỗi buồn của chúng ta bắt nguồn từ sự thật rằng chúng ta vẫn chưa nên thánh.

J.B. Thái Hòa dịch