Không ai sống trên đời mà chưa từng đối diện với phê bình, chỉ trích, chống đối, hiểu lầm, ngờ vực, và đến một điểm nào đó, còn bị căm ghét nữa.
Đó là một trong các nỗi đau lớn, có thể nói là lớn nhất trong gia đình, nhà thờ, cộng đoàn. Rốt cuộc thì cũng khó lòng tránh khỏi chỉ trích, các động cơ chính trực của chúng ta bị nghi ngờ, và chúng ta phải sống với nỗi đau của những phán xét này, một nỗi cay đắng, nó lấy đi niềm vui sống và lòng tự tin của chúng ta. Nỗi cay đắng thật sự không đến từ lời phê phán từ thế giới rộng lớn bên ngoài, nhưng chính là từ nội bộ, từ những người chia sẻ tình thân và đức tin.
Thật không dễ để đương đầu với cảm giác bị chán ghét, bị cho là đạo đức giả. Đứng trước chỉ trích và phê phán, làm cách nào chúng ta kiên định với chính lòng tốt thiết yếu của mình? Làm cách nào để khi bị chỉ trích chúng ta vẫn đứng về phía lẽ phải của chính mình? Và làm cách nào để chúng ta vẫn đứng vững được trước cộng đoàn và kháng lại thôi thúc mãnh liệt muốn bỏ trốn khi đứng trước sự chỉ trích.
Tôi thường tự hỏi Đức Giê-su đã đương đầu với điều này như thế nào bởi vì chắc chắn Ngài đã từng phải đối mặt với nó. Đức Giê-su đi trong vùng Palestine để rao giảng tình yêu, hân hoan, cộng đoàn, tổn thương, ngay cả những lúc dân chúng gán cho Ngài tội phỉ báng Thiên Chúa (một cáo buộc vì lòng cố chấp) và căm ghét đến mức đóng đinh Ngài. Bằng cách nào Đức Giê-su vẫn giữ được vẻ tươi tỉnh khi đối mặt với những giận dữ này? Bằng cách nào Ngài không bị tổn thương khi bị công kích? Bằng cách nào Ngài vẫn tin tưởng vào sứ mệnh khi bị cáo buộc là đạo đức giả, là tự huyễn hoặc? Đức Giê-su đã xử trí như thế nào?
Bằng cách Ngài luôn luôn phó thác mọi phán xét vào tay Thiên Chúa, chứ không phải từ chính bản thân Ngài, hoặc từ ý kiến của người khác.
Khi đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su đã tiếp nhận nhiều phản ứng khác nhau: Có lúc đám đông yêu mến và cố gắng tôn Ngài là vua, có lúc chính họ lại đồng thanh lớn tiếng đóng đinh Ngài: “Hãy đóng đinh nó vào thập giá!”. Dân chúng vừa yêu mến vừa căm ghét Ngài, và luôn luôn có một người nào đó chống đối Ngài gay gắt, buộc tội Ngài là người ích kỷ tột cùng, báng bổ Thiên Chúa.
Điều đáng chú ý là Đức Giê-su không bao giờ quan tâm đến các phán xét này dù tốt hay xấu, không cảm thấy tự tin khi đám đông ủng hộ, và cũng không cảm thấy bất an khi đám đông chống đối. Ngài nhận chân lý và phán xét của mình từ một nơi khác. Ở đâu vậy?
“Ta đến để thực hiện ý của Cha ta”. Bản sắc, chân lý, lòng can đảm để hành động và nỗi hân hoan của Ngài, tất cả bám rễ vào một điều gì đó vượt quá các khẳng định, phê bình của đám đông, vượt quá các dư luận công chúng, vượt quá các phán xét của những kẻ ghét Ngài.
Nhìn vào Đức Giê-su, chúng ta thấy khi đối mặt với chỉ trích, và căm ghét, các câu hỏi then chốt của Ngài không phảiø: “Ta có sống nổi với chỉ trích này không? Ta có để yên cho những phán xét tiêu cực này đe dọa không? Ta có để yên cho lòng ghen ghét của ai đó hủy hoại năng lượng và niềm vui của mình không?
Nhưng, nhìn vào Đức Giê-su chúng ta thấy chìa khóa của Ngài luôn luôn là: “Ta có thể sống một mình không? Ta có thể kiên định và nhẫn nại đủ để cho Thiên Chúa, lịch sử, và chân lý phán xét ta không? Ta có dễ bị tổn thương với cách nhìn và phán xét của người khác khi ta đã nhìn rõ bản sắc của mình, một bản sắc có chiều sâu hơn dư luận quần chúng và quan điểm của những người ghét ta? Ta có thể ngước mắt lên trời, vẫn giữ năng lượng và vui tươi, ngay cả khi đối mặt với đau đớn và căm ghét không?
Mặc dù Đức Giê-su đã chỉ cho chúng ta cách thức như vậy, nhưng để thực hành nó thì không dễ dàng. Chiếc cổng này rất hẹp. Thật khó để không hoảng sợ trước những gì người ta gán cho mình, bởi vì chúng ta vấp phải đối nghịch. Lúc nào cũng có đối nghịch. Không phải chỉ vì bóng tối mãi mãi chống lại ánh sáng, nhưng vì không thể sống gần gũi nhau lâu ngày trong gia đình, cộng đoàn mà không có lúc lỡ làm nhau tức giận, tổn thương. Chúng ta có tính tình, kinh nghiệm, hoàn cảnh khác nhau, và tất cả chúng ta cùng ở trong một khung cảnh mà ai nấy đều mang các tổn thương từ nơi khác đến. Cộng đoàn không hề máy móc và cũng không hề dễ chịu, tuy nhiên chúng ta không được để lẽ phải và niềm vui của chúng ta chết yểu khi đứng trước đối nghịch.
Mặc dầu vậy cũng cần phải nói thêm: Luôn luôn có một mối nguy hiểm của sự tự huyễn hoặc mình khi chúng ta nhận thức các lẽ phải của chúng ta. Khi đối mặt với chỉ trích, chống đối, và ghen ghét, chúng ta nên luôn luôn tìm kiếm các chỉ dẫn thiêng liêng từ sự khôn ngoan và tốt lành. Khôn ngoan và tốt lành là các nguyên tắc lớn của minh định. Vì vậy, hãy đến gặp những người giàu kinh nghiệm, những người tốt lành trong cộng đoàn. Hỏi họ nhìn mình như thế nào, đặc biệt các hành động của mình, cái làm cho người khác chỉ trích mình.
Phải hiểu và chấp nhận: chỉ trích, tức giận, và đôi lúc thù ghét là chuyện lúc nào cũng có. Đức Giê-su đã kinh qua kinh nghiệm này, và cuối cùng, những điều này đã giết chết Ngài. Ngài cũng đã cảnh báo, sẽ không có ngoại lệ đối với chúng ta. Hỏa ngục luôn luôn hăm dọa Thiên đàng, tuy nhiên nó luôn luôn bị chặn đứng.
J.B. Thái Hòa dịch