Catholic Herald | linh mục Raymond de Souza
Venezuela cho chúng ta thấy chuyện gì xảy ra khi đánh đổi thực tế lấy một hệ tư tưởng
Đức Giáo hoàng Phanxicô lên đường đi Colombia, một chuyến tông du để thúc đẩy hòa giải sau khi đất nước này đạt được hiệp ước hòa bình vào năm 2016, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ. Nhưng chuyến tông du này còn cho Đức Giáo hoàng cơ hội nói về hai chủ đề quan trọng nhất của ngài, là di dân và nghèo đói.
Chuyến đi Châu Mỹ La tinh cho Đức Thánh Cha đến gần biên giới Venezuela, nơi chế độ cộng sản của Hugo Chávez và giờ là Nicolás Maduro đang giết chóc những người đối lập, phá giá đồng tiền, khiến lạm phát tăng phi mã, và biến một đất nước giàu dầu mỏ thành một nơi nghèo khổ đến mức người ta phải chết đói. Nhân danh là bảo vệ tư tưởng chủ nghĩa xã hội của Chávez, Maduro không chấp nhận viện trợ nước ngoài, dù cho như thế nghĩa là người dân nghèo Venezuela phải chết vì thiếu đói, và thuốc men căn bản. Và không có gì ngạc nhiên, khi nhiều người đang vượt biên từ Venezuela đến Colombia.
Như khi Đức Phanxicô dùng chuyến tông du Mễ Tây Cơ để tác động đến chính sách nhập cư của Hoa Kỳ, chắc chắn ngài không thể làm ngơ cuộc khủng hoang ở bên kia bên giới Colombia.
Đức Phanxicô sẽ nói gì?
Những châm ngôn của Đức Thánh Cha, như thời gian thì hơn không gian, toàn thể thì hơn cục bộ, hiệp nhất thắng xung đột, hiện thực thì hơn tư tưởng, liệu có được áp dụng vào hoàn cảnh này hay không?
Đức Phanxicô từng gởi lời đến hội nghị G20 tại Hamburg, cảnh báo rằng những hệ tư tưởng sai lầm của thế kỷ XX đang bị thay thế bởi những hệ tư tưởng mới về “sự tự trị của thị trường và sự đầu cơ tài chính.”
Vấn đề của Châu Mỹ La tinh là nó chưa bao giờ có sự tự trị của thị trường. Các chính thể dù là cánh tả hay cánh hữu, đều có những cách mới lạ để hủy hoại nền kinh tế, phá giá đồng tiền và khiến quốc gia vỡ nợ.
Việc hy sinh hiện thực vì một hệ tư tưởng là chuyện chúng ta có thể thấy rõ ở những quốc gia như Venezuela, hay Bắc Hàn.
Liệu sẽ có một lời lên án những chế độ bần cùng hóa người dân của mình, hay là không? Đức Phanxicô đã cho chúng ta thấy ngài sẵn sàng lên án thị trường khi nó không đem lại sự công bằng. Ở Châu Mỹ La tinh, ngài sẽ có cơ hội làm như thế khi một quốc gia đang định hướng “một nền kinh tế giết người.”
Một ưu tiên hàng đầu khác của Đức Phanxicô là vấn đề di cư, Hôm 21 tháng tám, trong thông điệp giáo hoàng nhân Ngày Di dân Thế giới, Đức Giáo hoàng đã liệt kê các quyền và quyền lợi đáng phải có của di dân và người tị nạn, bao gồm phúc lợi và chỗ ở, cũng đồng nghĩ với việc người di dân phải được trở về quê hương an toàn.
Colombia sẽ cho Đức Thánh Cha một cơ hội để nói rõ vấn đề này trong thực tế. Chế độ của Maduro đã khiến vô số người phải đi tị nạn, một số ra đi mà không có giấy tờ gì, bởi chính quyền chẳng thể in nổi hộ chiếu cho dân.
Với sứ mạng hòa giải, thật khó để Đức Thánh Cha lên án hệ tư tưởng cộng sản của phiến quân FARC ở Colombia, nhưng cũng chính hệ tư tưởng đó đang tàn phá Venezuela. Nhưng vấn đề là, ở Venezuela, cộng sản không phải là phiến quân, mà là chính quyền, nên không thể có chuyện hòa giải. Đúng hơn, mục tiêu nhắm đến phải là thay đổi chế độ.
Đức Phanxicô viếng thăm Colombia, nhưng nước láng giềng Venezuela cũng đang dõi theo từng ngày.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch