Bạo lực nhân danh Thiên Chúa

437

Linh mục Ron Rolheiser, OMI

26 Tháng Ba 2017

Blaise Pascal từng viết: “Con người không bao giờ làm sự dữ một cách phấn khởi và trọn vẹn cho bằng khi họ làm sự dữ do một xác quyết tôn giáo.” Thật quá đúng! Chuyện này đã xảy ra từ xa xưa và chẳng có dấu hiệu gì sẽ sớm biến mất. Chúng ta vẫn gây bạo lực và sự dữ, rồi lấy danh Thiên Chúa biện minh cho chúng.

Chúng ta đã thấy vô số ví dụ về chuyện này. Từ thời bắt đầu có nhận thức, chúng ta đã gây bạo lực nhân danh Thiên Chúa. Bắt đầu bằng việc hiến tế người để xin ơn Thiên Chúa, cho đến việc ngược đãi người khác vì lý do tôn giáo, gây chiến tranh nhân danh Thiên Chúa, thiêu sống người ở Tòa dị giáo, xử tử người ta vì những lý do tôn giáo, và cả việc đem Chúa Giêsu đóng đinh trên thập giá vì một sự sốt sắng tôn giáo sai lầm.

Có rất nhiều sự kiện lịch sử nổi bật làm ví dụ cho chuyện này, và đáng buồn thay, mọi chuyện vẫn chẳng thay đổi được bao nhiêu. Ngày nay, chúng ta thấy bạo lực nhân danh Thiên Chúa do những nhóm cực đoan như Al-Qaida và ISIS, tin rằng mình phụng sự Thiên Chúa và thanh tẩy thế giới nhân danh Chúa bằng khủng bố và giết người. Họ tin rằng có thể biện minh cho cái chết của hàng ngàn người vô tội khi xem đó là hành động vì Chúa, một lý do quá thiêng liêng và khẩn thiết nên không cần nghĩ đến những tiêu chuấn nhân văn và tôn giáo căn bản. Khi nhân danh Thiên Chúa, họ thấy cả những sự dữ rành rành cũng là chính đáng.

Đáng mừng là, hầu hết chúng ta thấy không thể biện minh cho những bạo lực giết người này. Nhưng chúng ta lại có thể lấy Thiên Chúa để biện minh cho những hành vi bạo lực tinh vi khác. Ví dụ như, nhiều người trong chúng ta vẫn biện hộ cho án tử hình nhân danh công lý, tin rằng Thiên Chúa đòi buộc chúng ta phải giết ai đó. Nhiều người trong chúng ta biện minh cho phá thai bằng lập luận rằng Thiên Chúa đã cho chúng ta tự do. Và chúng ta còn biện minh cho những lời lẽ xúc phạm của mình với lý do là lý lẽ của mình quá đặc biệt quá thiêng liêng nên không cần phải để tâm đến những đức mến Kitô giáo, không cần phải tôn trọng và tử tế với những người bất đồng.

Cả cánh hữu và cánh tả đều dùng những ngôn từ đầy gây hấn và xúc phạm, rồi mượn danh Thiên Chúa biện minh cho nó. Với những người cánh hữu, các vấn đề như phá thai và bảo vệ giáo lý được xem là quá quan trọng đến nỗi cho chúng ta quyền xem người khác là ma quỷ. Còn người cánh tả thì tập trung vào vấn đề công bằng kinh tế và môi sinh đến nỗi không cần quan tâm đến sự tôn trọng và tử tế nữa. Cả hai phía đều lấy cơn giận công chính của Thiên Chúa mà biện minh cho mình.

Trong Phúc âm theo thánh Gioan, có một câu chuyện cho thấy chúng ta quá thường xuyên gây bạo lực nhân danh Thiên Chúa một cách mù quáng. Đó là chuyện về người phụ nữ bị bắt quả tang tội ngoại tình. Họ đưa cô đến trước mặt Chúa Giêsu, và nói rằng theo luật Moses, nhân danh Thiên Chúa, người phụ nữ này phải bị ném đá đến chết. Chúa Giêsu chẳng nói gì. Ngài cúi xuống lấy ngón tay viết trên cát hai lần, rồi ngẩng lên nói với đám người rằng “Ai không có tội thì ném đá trước đi.” Họ hiểu cử chỉ của Ngài, hiểu vì sao Ngài viết trên đất, vì sao Ngài viết hai lần.  Ý nghĩa của hành động đó là gì?

Moses lên núi, và Thiên Chúa dùng ngón tay viết Mười Điều răn lên hai phiến đá. Khi Moses trở về trại, tay mang theo hai phiến đá, ông lại thấy dân đang thờ ngẫu tượng. Ông đã làm gì. Trong lòng đạo sôi sục, ông phá vỡ Mười Điều răn, đập hai phiến đá trên con bò vàng, rồi lấy đá đó mà ném vào dân.

Điều thâm thúy ở đây là: Moses là người đầu tiên phá vỡ Mười Điều răn. Ông phá vỡ Mười Điều răn nhân danh Chúa và lấy những mảnh vụn của các Điều răn mà ném đá dân. Ông bạo lực một cách thành tâm, với lòng sốt mến tha thiết. Tất nhiên sau đó ông phải lên lại núi để được viết lại Mười Điều răn lần nữa. Tuy nhiên trước khi cho Moses Mười Điều răn lần nữa, Chúa đã dạy ông: Đừng lấy Mười Điều răn mà ném đá dân! Đừng gây bạo lực nhân danh Ta!

Chúng ta rất chậm hiểu về chuyện này, và cũng không nghiêm túc nắm bắt nó. Chúng ta thấy có đủ loại biện minh luân lý và tôn giáo để chúng ta gây bạo lực nhân danh Thiên Chúa. Chúng ta vẫn hệt như Moses, giáng các Điều răn xuống trên những thứ mà chúng ta xem là ngẫu tượng, rồi lấy các mảnh vỡ mà ném đá người khác.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch