Hồng y Oscar Andres Rodriguez Maradiaga, “Thủ tướng thứ nhì” của Đức Phanxicô

471

Parismatch.com, Caroline Pigozzi, 27-12-2014

Bài phỏng vấn với Đức hồng y Oscar Andres Rodriguez Maradiaga, Tổng giáo phận Tegucigalpa, Honduras, tân cộng sự nòng cốt của Đức Phanxicô và người điều phối trong công cuộc cải cách Giáo triều La Mã.

Paris Match. Trọng kính Đức hồng y, Đức Phanxicô vừa bổ nhiệm cha vào chức vị then chốt của Vatican.

Đức hồng y Oscar Andres Rodriguez Maradiaga. Bà muốn nói đến nhóm C9, một nhóm chín hồng y đến từ năm lục địa để cố vấn cho Giáo hoàng về công việc cải tổ Giáo triều La Mã mà tôi là người điều phối. Mỗi hai tháng chúng tôi họp với Giáo hoàng ba ngày ở Vatican để nghiên cứu nhiều chủ đề khác nhau. Giữa thời gian đó, chúng tôi làm việc tại nhà và chuyển các bản báo cáo, các đề nghị lên Đức Thánh Cha, chúng tôi trao đổi với nhau bằng e-mail nhưng chỉ trao đổi những tài liệu chính thức… Đó là luật cẩn thận căn bản.

Như thế ngài là người rất thế lực “Thủ tướng thứ nhì”! (Cha cười) 

Chắc chắn dưới mắt người đời thì như thế. Nhưng theo tiêu chuẩn của tôi thì không như vậy. Dù người ta muốn làm thân với tôi, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tôi ở đây là để phục vụ Giáo hội. mỗi ngày tôi dậy từ 5 giờ sáng, từ năm 2007 tôi còn phụ trách Caritas Quốc tế. Vì là hồng y duy nhất của Honduras và là Tổng giám mục địa phận Tegucigalpa, nơi tôi sống nửa năm ở đây nên đối với tôi, mỗi lần về Rôma là cả một cực nhọc. Phải hai ngày đi, hai ngày về, Rome-Madrid, Madrid-Guatemala, Salvador rồi mới đến Honduras… Với vô số giờ ngồi chờ ở phi trường, máy bay trễ, múi giờ cách biệt! Nhưng quan trọng trước hết là tôi được ở gần các linh mục của tôi, giảng tĩnh tâm, có thì giờ cho giáo phận của tôi.

Đức Phanxicô chọn người trong thế giới của mình?

Tôi trực thuộc Dòng Salê của Don Bosco chứ không phải Dòng Tên; đúng, chúng tôi đều là tu sĩ nhưng nhất là chúng tôi biết nhau qua Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh (Celam). Tổ chức này giúp cho các thành viên của mình tham dự vào nhiều dự án khác nhau qua các hội đồng khoáng đại và qua các cuộc họp toàn thể. Hon nữa với Jorge Mario Bergoglio, năm 2007 chúng tôi còn phụ trách cuộc họp của hội đồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh ở Aparecida. Cả hai cùng chiến đấu trên địa bàn địa phương để chống nạn nghèo đói, thao thức để có một Giáo hội thanh đạm hơn. Tổng giám mục Buenos Aires lúc đó là chủ biên cho bản đúc kết cuối cùng và là thành viên của Hội đồng này nên tôi đã ngồi hàng giờ để cùng ngài soạn thảo bản đúc kết.

Một giáo hoàng hoán cải nhờ người nghèo?

Không, ngài không hoán cải vì cuộc sống của ngài luôn ở gần người nghèo, với một tấm lòng thương xót và một lòng tốt vô biên. Ở Châu Mỹ La Tinh, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là những người khốn cùng nhất.  Dù trên lý thuyết, các con số thống kê cho biết nạn nghèo đói có giảm nhưng trên thực tế nó chẳng giảm gì. Những người ở bên lề vẫn là những người ở bên lề theo con số của kinh tế thế giới. Chỉ nội Honduras nước của tôi, với 7.5 triệu dân, chúng tôi có đủ, nạn nghèo đói, thất nghiệp, nạn mù chữ, tham nhũng, buôn bán ma túy, tà phái…, tất cả các vấn đề mà Giáo hoàng không ngừng lên tiếng. Phải biết rằng ở Châu Mỹ La Tinh, trong những vùng xa xôi, không có đường xá, không có nước uống, không có vệ sinh tối thiểu. Bà cứ nghĩ đến nước Haiti, lần đầu tiên Đức giáo hoàng phong một hồng y, đó là hồng y Chibly Langlois. Hành vi này mang hy vọng đến cho hòn đảo cực kỳ nghèo khổ này. Trong bối cảnh như vậy, chúng tôi mời gọi đối thoại, mời gọi có một tình huynh đệ, mời gọi sống trần trụi thay vì sống long trọng, sống khép mình. Các giám mục đến Rôma đều thấy Đức Phanxicô sống đơn giản, chẳng hạn ngài đi bộ từ Nhà trọ Thánh Mácta đến Hội trường Phaolô VI nơi họp Thượng Hội Đồng. Điều này phù với bản tính nồng hậu tự nhiên của ngài, ít xa cách với các bạn đồng sự nên ngài đã không dùng xe chính thức.

Người ta thì thầm với nhau, đây là giáo hoàng có cá tính!

Thật sự ngài không thay đổi từ khi được bầu chọn. Thỉnh thoảng người ta thấy ngài u buồn thì đó là do tuổi và mệt, ngài cũng thú nhận như vậy. Ngài làm việc không ngừng, một khối lượng công việc, một trách nhiệm cực kỳ lớn nên đôi khi ngài có vẻ quạu. Một trong những đức tính lớn nhất của ngài là khả năng lắng nghe. Trong lần chúng tôi họp tham vấn của nhóm C9, ngài làm một vòng cho mỗi thành viên để ai cũng có thì giờ cần thiết đưa ra các lập luận của mình, ngài không nhìn đồng hồ. Sau đó, ngài quyết định một mình. Ngoài Thông điệp “Ánh sáng Đức tin” (Lumen Fidei) đầu tiên của ngài công bố vào tháng 6-2014, đó chính xác là tư tưởng của ngài, điều đánh động tôi nhiều nhất là “thông điệp của hành vi”, gần như cũng quan trọng không kém giáo huấn của ngài. Ngài bất chấp nghi lễ, trên đường đi Calabre, ngài đã dừng xe lại để ôm một cô gái trẻ bị sống trong tình trạng thực vật, cô nằm trên băng ca của mình, hoặc trong buổi tiếp kiến ở Quảng trường Thánh Phêrô, ngài ôm khuôn mặt bị biến dạng của một ông bị ung bướu, ngài đã mang một sức thổi hy vọng cho họ. Đức Phanxicô chỉ biết nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý nhưng ngài nói được ngôn ngữ đại chúng là ngôn ngữ của quả tim… Một Đức Thánh Cha có óc hài hước… Tôi chứng kiến nhiều chuyện. Tháng 4-2013, tôi bị gãy chân, ngài điện thoại đến bệnh viện Tegucigalpa thăm tôi, khi tôi nói “Người ta vừa bắt cho tôi năm cái vít bằng kim loại”, ngài nói ngay: “Cũng may người ta bắt vít cho bạn ở chân chứ không bắt vít ở đầu!” Và khi tôi xin ngài ban phép lành cho một cặp vợ chồng mà chồng nói tiếng Anh, vợ nói tiếng Tây Ban Nha, ngài hỏi họ: “Vậy khi gây nhau tụi con gây nhau bằng tiếng gì?” Đó là giáo hoàng đi thẳng vào… hồng tâm!

Đâu là các điểm ưu tiên của nhóm C9?

Trước hết là chỉnh đốn ngân hàng Vatican, IOR, có nghĩa là cải tổ kinh tế nội bộ để được minh bạch hơn. Sau vụ rò rỉ VatiLeaks, điều thiết yếu là phải kiểm tra – gần đây chúng tôi có những khám phá kinh ngạc, khoảng 57 triệu ơrô bị bỏ quên trong bản kết toán chính thức của IOR –, chúng tôi phải xem đến các vấn đề xã hội cũng như các vấn đề dân sự của xã hội ngày nay. Một cách tổng quát hơn, tôi xin trở lại với vấn đề nghèo hiện nay, nó không những chỉ ảnh hưởng đến người Công giáo nhưng cả cho những ai muốn xây dựng một gia đình mà không có phương tiện để có một mái nhà để ở… Làm sao nghĩ đến việc có con khi không có gì để ăn, khi bị thất nghiệp? Hòa bình trên thế giới này lại là một ưu tiên khác, cứ nghĩ đến lương tâm nhân loại, các vũ khí dùng trong các cuộc xung đột ở Irak, Syria hay bất cứ nơi nào khác là những vũ khí được chế tạo ở các nước tân tiến phương Tây… Nhiệm vụ của chúng tôi cũng là nhắc cho nước Ả-rập Xau-đi rằng các cuộc chiến đều giết đồng bào của họ vì tất cả những người chết đa số là người Ả rập. Vì sao họ không có được một quốc gia Palestinin với các biên giới được cả hai bên, Israel và Palestinin tôn trọng? Chúng ta đừng quên thảm kịch của những người di dân và cử chỉ của Đức giáo hoàng ở đảo Lampedusa, ngài đã lay động cộng đồng quốc tế về thảm kịch này. Cũng đừng quên ở Châu Mỹ La Tinh còn có nạn buôn người, các trẻ em được bán qua Mỹ với giá khoảng 5 000 đôla… Đức Thánh Cha cũng tố cáo nạn tham nhũng đã làm cho nước của chúng tôi trở nên nghèo thêm, lãnh đạo quốc gia và các viên chức cao cấp ăn cắp nhưng không bị trừng phạt và gia đình họ đi du lịch sang trọng, người đầy trang sức… Và tất cả được trả bằng thẻ tín dụng của quốc gia! Tôi không nói đến các vấn đề ấu dâm mà hồng y Mỹ Sean Patrick O”Malley đã chiến đấu mãnh liệt…

Còn hôn nhân đồng tính?

Đó là một vấn đề quốc tế hiện nay vì các chính trị gia của một số nước rất sợ các cuộc vận động ngoài hành lang của giới này, đó là cán cân nặng trong các cuộc bầu cử. Điều thảm hại nhất cho một tổ chức như tổ chức Liên Hiệp Quốc, thiên chức hàng đầu của họ là duy trì hòa bình và an ninh thế giới thì bây giờ Liên Hiệp Quốc lại trở thành một tổ chức đồng tình với việc phá thai và hôn nhân đồng tính.

Xin cha cho biết vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.

Họ sẽ có nhiều vai trò hơn trong các ban bộ của Vatican, đầu tiên hết là về các vấn đề gia đình. Trong tương lai, các giáo dân sẽ ở trong các ban bộ nhưng họ không nắm vai trò lãnh đạo. Tôi hy vọng họ sẽ có chỗ trong các sự kiện Công giáo quốc tế.

Cha có nghĩ là sắp cho linh mục lập gia đình không?

Câu hỏi thật kỳ! Chúng tôi đã lập gia đình với Giáo hội và chúng tôi sống trọn đời cho Giáo hội. Đây là một chọn lựa. Chúng tôi không chống đối nghi thức của Giáo hội Đông phương, nó phù hợp cho một văn hóa khác và hình thức ơn gọi khác! Ở Châu Mỹ La Tinh, trong trường hợp nước tôi, tôi không thể nuôi 150 linh mục của giáo phận nếu họ có gia đình. Trên châu lục này, chúng tôi sống nhờ quỹ từ thiện chung, chúng tôi không có lương tối thiểu… Mặt khác, các cựu mục sư Anh giáo, họ đã được phép lập gia đình, khi họ qua đạo Công giáo, họ không đi các giáo xứ nghèo hoặc không đi đến những nơi truyền giáo vì vợ con họ chưa sẵn sàng để đi theo hoặc ở đó không có trường học cho con họ… Như thế bà hiểu tại sao tôi không nghĩ là các linh mục có thể lập gia đình được.

Đức hồng y phản ứng như thế nào khi nghe Đức Phanxicô tuyên bố chắc chắn sẽ có ngày ngài từ nhiệm?

Đó là lời nói đùa! Nhưng rõ ràng khi Đức Phanxicô cảm thấy mình yếu thì ngài sẽ ra đi. Ngài vừa kỷ niệm sinh nhật 78 tuổi của mình, ngài là người nói sao làm vậy. Một số người thường là có nhiều tham vọng và giả dối bắt đầu đồn thổi ngài không được khỏe. Ngài đã lớn tuổi nên luận điệu lặp đi lặp lại này là chuyện không thể tránh khỏi. Họ còn nói ác hiểm, thuốc men đã làm cho ngài lên cân… sự thật khi ngài còn ở Buenos Aires, ngài đi bộ rất nhiều, đi xe buýt, đi tàu điện ngầm… Bây giờ ngài sống trong nhà, ít vận động hơn, ăn uống đều đặn. Nhưng ngài không quan tâm đến diện mạo của mình. Bằng chứng là ngài vẫn mặc quần đen cũ, mang giày đen cũ. Và như thế đối với một giáo hoàng là chuyện lần đầu tiên có!

Một Jorge Mario Bergoglio hạnh phúc?

Ngài không bao giờ nói cho tôi biết nhưng ngài hài lòng, với một người biết ngài lâu năm như tôi, nhìn ngài cười là tôi hiểu. Dù ngài không chờ có một ngày lên ngôi Thánh Phêrô nhưng cũng thấy được, Đức Phanxicô hạnh phúc biết bao.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch