Đức Phanxicô đăng mỗi ngày một câu tweet, Vatican ngày 21 tháng 12-2016
leparisien.fr, Jérôme Sage, 2017-06-11
Đây là lần đầu tiên một trang mạng công giáo dùng hộp hội thoại chatbot. Chuyện không tình cờ! Cộng đoàn không ngần ngại “rao giảng Phúc Âm” qua các tiến bộ kỹ thuật mới.
Có dây an-ten, có các khía cạnh của người máy, có râu và sách của một tông đồ, có lưỡi kiếm của người đi chinh phục. Đó là ePhaolô, chatbot đầu tiên của người công giáo. Theo một trong các tác giả cổ động cho ePhaolô, thì đây là “hộp rao giảng Phúc Âm 2.0” (évangélisateur 2.0), với máy này, bạn có thể “thảo luận” tức thì, bạn viết và chọn trong số hàng ngàn bài viết bạn thích trên trang Aleteia. Nhưng nhất là làm cho các bạn của mình thích.
Trang này có các “câu chuyện hay”, “các lời khuyên” – Làm sao tán một người công giáo, các bí quyết của đời sống gia đình. Tất cả là để khơi lên cuộc nói chuyện, dựa trên bài viết và thuyết phục họ. Ví dụ, để nói chuyện với “người thân” tuổi từ 25 đến 54 về chuyện “tình cảm”, bạn có thể vào bài viết nói về “tuần trăng mật: tình yêu cho lần đầu”, “sáu chuyện người đàn bà không bao giờ làm cho người họ yêu”.
Hướng về trung tâm Silicon Valley
Ứng dụng này vừa được tung ra, nó là sản phẩm mới nhất của lãnh vực phúc âm hóa “kỹ thuật số” mà Đức Bênêđictô XVI mong muốn thành lập năm 2010. Bây giờ các nhà truyền giáo hướng về chiếc nôi kỹ thuật Silicon Valley, nơi sản xuất các sáng kiến mới nhất của các trang mạng xã hội và các công thức cho sự thành công của họ. Facebook, Twitter, Instagram, Snapchat, tất cả các ứng dụng đều tốt để “đưa ra khuôn mặt đẹp của đức tin, một khuôn mặt trẻ, hướng về các nét hy vọng nhỏ tươi đẹp có trong các bài viết của chúng tôi”, ông Vianney de Villaret giải thích, ông là ký giả và là người điều hành truyền thông của trang Aleteia ấn bản tiếng Pháp.
13 triệu người dùng
Trang được tung ra đầu năm 2013 với 6 thứ tiếng cùng một lúc Anh, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ả rập) và gần đây là tiếng Ba Lan. Có 13 triệu người dùng và trên sáu mươi người hợp tác, trong đó có hai ở Los Angeles, để gần với Gafa (Google, Apple, Facebook và Amazon, bốn vị khổng lồ của Internet). Họ dùng tất cả mọi kỹ thuật có được, chẳng hạn tạo các hình ảnh emoji của Đức Giáo hoàng.
Chiến thuật truyền thông được sự giúp đỡ mạnh của Hiệp hội phúc âm hóa qua Truyền thông, một cơ quan chỉ ở hai bước cách Vatican và được nhiều bộ của Giáo hội nâng đỡ. Hiệp hội này hoạt động rất tích cực. Trong lần Liên hoan phim Cannes vào tháng 5, các đại diện của Hiệp hội đã cùng với điện ảnh gia Wim Wenders cùng thực hiện một phim về Đức Phanxicô. Hiệp hội cũng mở các trung tâm phúc âm hóa đặc biệt dành cho Đức Mẹ ở Israel, Ba Tây… Ngắn gọn, tất cả đều nhằm mục đích thu hút sự chú ý của người công giáo và nhất là những người chưa phải là… người công giáo!
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch