Ơn gọi

445

Trích sách: 80 lời hay, nghĩa cử đẹp của Đức Phanxicô. Tác giả: Rosario Carello

Ơn gọi

Ngày 21 tháng 9-1953, cuộc sống của Đức Bergoglio đảo lộn hoàn toàn. Sau bao nhiêu năm tháng sự kiện, người và nơi chốn này vẫn còn ghi rõ trong tâm thức của Đức Bergoglio như việc mới xảy ra hôm qua. Ngày hôm đó là ngày lễ sinh viên, ngài có hẹn với các bạn ở nhà ga. Ngài đến nhà thờ thánh Giuse và vào đó xưng tội. Xưng tội với một linh mục mà ngài không quen và cũng chưa bao giờ gặp trước đây, nhưng đã có một cái gì xảy ra, duy nhất, lớn lao và siêu nhiên.

Ngài kể: “Có một cái gì kỳ lạ xảy ra trong lần xưng tội đó, tôi không biết chính xác là gì nhưng nó đã làm thay đổi cuộc đời của tô; tôi chỉ biết là tôi đã để cho điều ngạc nhiên xâm chiếm. Tôi nhận ra Chúa chờ tôi. Từ giây phút đó, đối với tôi, Chúa là người ‘đi trước’ tôi”. Trong lần xưng tội đó, Jorge cảm nhận rõ ràng Chúa đã “chờ mình”.

Rất hiếm khi chúng ta gặp ơn gọi nảy sinh ra từ chuyện tình cờ. Đó không phải là quyết định mà người ta có thể nhấn như nhấn một cái nút, đó là kết quả của một suy nghĩ chính chắn, đôi khi là một cuộc đấu tranh của chính mình với Chúa. Nhưng đối với Đức Bergoglio thì không. Và cha là người ngạc nhiêu đầu tiên.

Như thế, nguồn gốc của việc đi tu của ngài là một tiếng gọi thân thiết nhưng ngoạn mục, ẩn giấu nhưng tận căn, đã làm đảo lộn tất cả. Khi ra khỏi nhà thờ, chàng thanh niên Jorge bị giao động cực mạnh, anh phải về nhà ngay, anh không đi đến chỗ hẹn với các bạn (trong nhóm này có cả bạn gái của mình), và anh không nói với ai về sự kiện này trong vòng bốn năm. Trong thời gian này, ngài học xong cao đẳng và tiếp tục làm việc. Nhưng Chúa tỏ lộ cho thấy. Và ngài đã hiểu. Dù câu chuyện vẫn còn trong phạm vị giữa ngài với Chúa, nhưng thân sinh và bà nội ngài đã cảm nhận có một cái gì. Năm 21 tuổi, ngài vào chủng viện của địa phận nhưng sau đó, gần như ngay lập tức, ngài chọn Dòng Tên. Với một giấc mơ không bao giờ được thực hiện là đi truyền giáo ở Nhật. Nhưng các chuyến đi khác, các công việc truyền giáo khác đang chờ ngài.

Phanxicô

Ba ngày sau khi được bầu chọn ngài gặp các ký giả và ngài  kể cho họ nghe lịch sử tên ngài chọn. Một câu chuyện kỳ thú, trìu mến, sâu đậm đáng được kể nguyên văn qua lời của ngài:

“Khi bầu chọn, ngồi bên cạnh tôi là hồng y Claudio Hummes, tổng giám mục danh dự giáo phận Sao Paulo và cũng là Bộ trưởng bộ Tu sĩ: người bạn thân, rất thân của tôi! Khi mọi chuyện bắt đầu trở nên nguy kịch, ngài trấn an tôi. Và khi đến được 2/3 số phiếu, mọi người bắt đầu vỗ tay vì đã chọn được giáo hoàng thì hồng y hôn tôi và ngài nói: “Đừng quên người nghèo!” Và câu ghi vào đầu tôi: người nghèo, người nghèo. Rỗi bỗng nhiên khi nghĩ về người nghèo, tôi liên hệ đến thánh Phanxicô Đaxi. Trong khi vẫn còn kiểm phiếu cho đến hết, tôi nghĩ đến chiến tranh và thánh Phanxicô là con người của hòa bình. Tên của ngài ghi khắc trong tâm hồn tôi: Phanxicô Đaxi. Đối với tôi, ngài là con người của hòa bình, của nghèo khó, người yêu các tạo vật và săn sóc nó; ngày nay chúng ta cũng vậy, chúng ta đối xử với công việc tạo dựng một cách không tốt, đúng không? Thánh Phanxicô là người mang đến cho chúng ta tinh thần hòa bình, một con người nghèo… A, vì tôi muốn một Giáo hội nghèo và cho người nghèo! Sau việc đó, nhiều người nói chọc tôi. “Bạn phải lấy tên Adrien, vì Adrien VI là nhà cải cách, phải cải cách…” Có người nói với tôi: Không, không: tên của bạn phải là Clément. – nhưng tại sao là Clément XV; vì như thế bạn sẽ trả thù được Clément XIV, người đã giải thể Dòng Tên.” Đó là những lời nói đùa… Tôi yêu các bạn, tôi muốn cám ơn tất cả tất cả công việc các bạn đã làm cho tôi.”

Liên hệ với cái tên này, chúng ta nhớ lại lời yêu cầu của Đức Bergoglio khi ngài kêu gọi giáo dân vào ngày 18 tháng 5-2013 ở Quảng trường Thánh Phêrô cùng với các Hiệp hội Giáo dân trong khuôn khổ Năm Đức tin. Ngài đi một vòng thân mật chào đám đông trên chiếc xe jeep như chúng ta đã biết. Sau đó, ngài cầm máy vi âm và lên tiếng kêu gọi: “Bây giờ, tôi muốn trách quý vị một chút nhưng trong tình anh em trong nhà với nhau. Quý vị tất cả đều hô to ở quảng trường: “Phanxicô, Phanxicô, Giáo hoàng Phanxicô”. Nhưng Chúa Giêsu, Ngài là ai? Tôi muốn quý vị kêu: “Giêsu, Giêsu là Thiên Chúa và Ngài ở giữa chúng ta!” Từ nay đừng kêu “Phanxicô” mà kêu “Giêsu”! một tràng pháo tay vang dội cho câu nói bộc phát này! Một đường hướng chỉ dẫn bằng miệng và bất ngờ của giáo hoàng, nhưng chỉ một phút sau, đám đông lại hô to: “Phanxicô!” Cải cách cả trong việc vỗ tay, chúng ta có thể nói như vậy! Hay cần phải có thì giờ để học áp dụng cho cụ thể.

Phụ nữ 

Về bà nội Rosa của mình, Đức Phanxicô đã nói: “Người đàn bà này là bà nội của tôi, người đã khai tâm đạo cho tôi! Đây là một điều tuyệt đẹp: khai tâm từ nhà, khai tâm từ gia đình!” Khi ngài nói về bà nội của mình, ngài nói với nụ cười và trong con mắt của ngài, người đối diện đọc được chân dung người đàn bà phi thường này, người mà Đức Bergoglio nợ tất cả.

“Điều này làm cho tôi nghĩ đến biết bao nhiêu bà mẹ, bà nội ngoại trong việc trao truyền đức tin. Chính các bà đã trao lại đức tin cho con cháu. Và đó là bối cảnh của những ngày đầu tiên của Giáo hội. Thánh Phaolô đã nói với ông Timôtê: ‘Tôi nhắc cho anh nhớ đức tin của mẹ anh, của bà anh.’ Tất cả các bà mẹ, các bà nội ngoại ở đây hãy nghĩ đến điều này! Xin các bà hãy trao truyền đức tin cho con cháu mình.”

Một ngày nọ, có người hỏi ngài, một xã hội chỉ tuyền đàn ông mà thôi thì sẽ như thế nào. Ngài trả lời, “xã hội đó sẽ khắc khổ, nghiêm khắc và không có tính thiêng liêng”, câu trả lời không vinh danh đàn ông cho mấy! Còn về phụ nữ có ngược lại không? Tổng hợp đúng tư tưởng của ngài thì có thể tóm như sau: phụ nữ mang lại tình mẫu tử, lòng dịu dàng cho thế giới. Phụ nữ tiếp nhận xã hội, cưu mang nó và biến nó thành hiệp thông. Nếu có một chữ khác để nói về phụ nữ thì đó là chữ quà tặng. Mà đúng, chỉ có một người đàn ông duy nhất, như Chúa Giêsu, mới trở thành linh mục. Ngài ghi chú lại câu nói của một tu sĩ ở thế kỷ thứ IIe, tất cả các thực trạng lớn của Kitô giáo đều ở giống cái trong tiếng Pháp: Giáo hội, tâm hồn và đương nhiên là Mẹ Maria mà ở buổi lễ Tiệc Ly, Mẹ đã có một chỗ cao hơn chỗ của các tông đồ.

Trong số những người cộng tác với Đức Bergoglio ở Tòa giám mục, có rất nhiều giáo dân và trong số họ có không ít phụ nữ.

Phục sinh

 

Mỗi năm đến lễ Giáng sinh và Phục sinh, cha Bergoglio thâu lời chúc để phát trên kênh truyền hình số 21 của địa phận. Lời chúc Phục sinh lần cuối, thâu sau khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm và trước ngày ngài lên đường dự mật nghị vào tháng 2-2013. Lời chúc này phát ngày 27 tháng 3, ngày thứ tư tuần thánh, sau khi ngài được bầu chọn. Có thể đây là lời chúc Phục sinh của một giám mục, lại là hồng y và chủ tịch hội đồng giám mục Argentina, ngắn nhất lịch sử: 26 giây! Chúng ta biết Bergoglio nói rất ngắn gọn súc tích nhưng không bỏ sót sự kiện nào quan trọng cần  được nhấn mạnh. Có thể nói gì trong 26 giây? Có thể nào đưa ra một tin nhắn thiêng liêng trong một thời gian ngắn như vậy không? Với Đức Phanxicô, câu trả lời rõ ràng là được. Để độc giả có một khái niệm, đây là lời chúc của ngài: “Không có gì lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình cho bằng hữu. Chúa Giêsu đã cho mạng sống của Người cho chúng ta, cho anh chị em và cho tôi. Ngài đã tìm lại mạng sống và Ngài đi cùng chúng ta qua cuộc sống đầy tình yêu của Ngài. Anh chị em hãy để Chúa Giêsu đi theo mình. Ngài yêu thương anh chị em!” Lời chúc cho mọi người chỉ ngắn gọn như vậy.

Phương châm

“Miserando atque eligendo.” “Được chọn vì được thương xót”. Đó là ý nghĩa câu phương châm của giám mục Bergoglio và câu này ngài vẫn giữ khi được chọn làm giáo hoàng. Ngài lấy ý câu này trong bài giảng của Thánh Bède trong phần kể câu chuyện Thánh Matêô được Chúa gọi. Họa sĩ Caravage đã vẽ câu chuyện này thành một tuyệt tác mà người ta có thể chiêm ngắm bức tranh này ở nhà thờ Thánh Lu-i của những Người Pháp ở Rôma.

 

Bergoglio cảm nhận mình ở trong bối cảnh này khi ngài sống cảm nghiệm siêu nhiên đưa đến quyết định đi tu của mình. Nhưng lòng thương xót cũng là chữ ngài dùng nhiều nhất trong các bài giảng và diễn văn của mình. Phương châm của Bergoglio cũng là hình ảnh cho ơn gọi và chức vụ giáo hoàng của ngài.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch