Lòng can đảm

173

 Trích sách: 80 lời hay, nghĩa cử đẹp của Đức Phanxicô. Tác giả: Rosario Carello

 Lòng can đảm

Chuông điện thoại mới reo một tiếng; cha Bergoglio bắt điện thoại ngay. Cuộc điện thoại ngắn gọn. Giáo hoàng tương lai bàng hoàng không nói nên lời, cha lấy áo măng tô mặc và đi ra ngoài.

Ngài đi hàng giờ để tìm người giúp đỡ, ngài đi khắp chỗ, hy vọng tìm được người giúp, ngài thinh lặng cầu nguyện, biết rằng thời gian cũng chẳng cho thấy cái gì tốt ở Argentina vào tháng 10 năm 1976 này, 7 tháng sau ngày Đảo chánh.

Quân đội đã bắt Giovanni: đó là tin làm chấn động đầu óc cha Bergoglio. Giovanni là một giáo dân trẻ Argentina. Anh biết cha Bergoglio từ nhiều năm nay, anh học phân khoa thần học ở trường các cha Dòng Tên Colegio Maximo ở San Miguel, nhưng nhất là tâm hồn của anh được các lời của cha Bergoglio đốt cháy, và cùng với những người khác, anh muốn lời nói phải đi đôi với việc làm. “Cha Jorge, con muốn đi đến các khu phố ổ chuột.” Bergoglio hãnh diện về anh, các thanh niên này tuy không lớn lên ở các khu phố này nhưng lại tự nguyện bỏ nhiều thì giờ ra để đến các khu phố mà người dân ở đây gọi là khu Villas iseria (các khu dân sinh nghèo ở Buenos Aires) và sự kiện này đã làm cho quân đội để mắt tới. Chẳng hạn, chỉ cần hỏi các bà mẹ Estella, Helena hay Camilla, các bà giúp trong các trung tâm cứu trợ. Nhưng những người ở trong quân đội không đòi gì hết: họ quan sát và họ nghi. Và nhất là họ không hiểu gì hết.

Và chính vì sự không hiểu này mà cha Bergoglio lo. Đối với quân đội, các trung tâm cứu trợ là màn che để tổ chức và hỗ trợ cho các cuộc nổi loạn.

Nơi các khu phố này có hai thế giới chạm trán nhau: một bên là sự nhưng không của anh Giovanni và của các thanh niên của Đức Bergoglio, bên kia là kiểu nghi ngờ của các binh sĩ khát máu của Đại tướng Jorge Videla. Những người này vào khám nhà của anh Giovanni, họ lục tung để tìm vũ khí nhưng không tìm thấy. Rồi tháng 10 năm 1976, họ bắt anh.

Trong 18 ngày Đức Bergoglio tìm anh khắp nơi thì trong 18 ngày đó anh bị đánh đập, tra tấn, bị bỏ đói. Cuối cùng nhờ cha gõ hết tất cả mọi cửa nên họ bỏ anh nửa sống nửa chết ngoài đường. Trong những năm sống dưới chế độ độc tài, Đức Bergoglio đã che giấu cho không biết bao nhiêu người ở trường Colegio Maximo, những người chạy trốn quân đội. Ngài gặp Đại tướng Videla hai lần để cố gắng biết và tìm nơi các linh mục bị giam. Đại tướng Videla chết hai tháng sau khi Đức Phanxicô được bầu chọn làm giáo hoàng. Đó là khía cạnh ẩn giấu nhất của Đức Bergoglio: không phải vì nó đen tối nhưng vì nó ít được biết tới, vì tính khiêm tốn của nhân vật chính không muốn mình là anh hùng. Nhưng có một danh sách mà người ta có thể biết đầy đủ tên các nhân vật còn sống và được lòng dũng cảm của tu sĩ Dòng Tên gan dạ này cứu.

Lòng thương xót

Đó là chữ ngài dùng nhiều nhất., trọng tâm giáo huấn của ngài: “Thiên Chúa không bao giờ biết mệt khi tha thứ.” Đó là câu ngài trả lời cho một bà lớn tuổi đến xưng tội mà ngài kể câu chuyện này trong buổi Kinh Truyền Tin đầu tiên của ngài.

Bergoglio – Mà bà đâu có tội…

Bà cụ  – Tất cả chúng ta ai cũng có tội…

Bergoglio – Nhưng có thể Chúa không tha tội…

Bà cụ  – Chúa tha tất cả.

Bergoglio – Nhưng thưa bà, làm sao bà biết?

Bà cụ  – Nếu Chúa không tha tội cho tất cả thì thế gian này không tồn tại.

Bergoglio – Xin bà cho tôi biết, bà có học trường thần học Grégoria à?  Bởi vì những gì bà nói là khôn ngoan của Thần Khí: khôn ngoan nội tâm làm cho chúng ta hiểu được lòng thương xót của Chúa. Chúng ta đừng bao giờ quên lời này: “Thiên Chúa không bao giờ biết mệt khi tha thứ!

Bà cụ  – Vậy thưa cha đâu là vấn đề?

Bergoglio – Vấn đề là ở chúng ta, chúng ta mệt, chúng ta không muốn mình được tha thứ. Còn Ngài thì Ngài không bao giờ biết mệt khi tha thứ, còn chúng ta thì đôi khi còn không muốn xin Ngài tha thứ.

Và giáo hoàng đã phát minh ra một định nghĩa mới của lòng thương xót, rất đáng kể: sự “khôn khéo của tấm lòng dịu dàng”.

Máng cỏ

Thiên Chúa sống ở thành phố: đó là xác quyết mạnh mẽ của Đức Bergoglio. Vì ở thành phố, người dân sống chung với nhau, cùng nhau vượt lên bạo lực, tình trạng nghèo khổ và chủ nghĩa cá nhân và cũng vì Chúa Giêsu khi đến Palestina, trên đường đi ngài đã gặp những người như ông Gia Kêu, ông Batimê, người đàn bà bị hoại huyết.

Và cũng có lẽ vì thế nên khi đến dịp lễ Giáng Sinh, bộ mặt của thành phố thay đổi hoàn toàn, hồng y Bergoglio có một sáng kiến lịch sử, làm cho thành phố Buenos Aires vừa cổ kính, vừa huy hoàng và làm cho trẻ con người lớn đều vui vẻ.

Đến lễ Giáng Sinh, các khu phố trở nên rất đẹp. Điều buồn cười là nhờ có lễ Giáng Sinh mà thành phố đẹp ra nhưng thường thường người dân lại quên ý nghĩa của ngày lễ! Do đó Đức Bergoglio nảy ra ý định làm cho người dân vừa suy nghĩ, vừa gây cảm xúc, vừa mở lòng ra với điều diệu kỳ. Để làm chuyện này, Đức Bergoglio chưng máng cỏ lên các chiếc xe tải. Đèn thắp sáng đầy màu sắc, có ca nhạc và các xe này chạy khắp thành phố mang Mầu nhiệm Giáng sinh đến khắp các khu phố. Một cuộc rước kiệu máng cỏ mừng lễ Giáng sinh, một lời mời gọi của đức tin, một Giáo hội ngoài đường, một chia sẻ với người dân.

Mẹ Maria

8h30 sáng ngày 14 tháng 3-2013. Chỉ mới 12 giờ sau khi Giáo hội có giáo hoàng mới! Các văn phòng báo chí đang sôi sùng sục khi một hãng thông tấn loan tin có một làn gió mới đang thổi tới Vatican. Giáo hoàng đã đến đền thờ Đức Bà Cả. Chính ra đây không phải là một tin: vì tôái hôm trước, từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô ngài đã nói ngài sẽ đến cầu nguyện với Đức Mẹ. Tin, là vào lúc các phòng biên tập đang còn làm việc thì ngài      đã đi như ngài dự trù và đã làm xong. Lúc đó chúng ta mới khám phá ra ngài là người thức dậy sớm, ngài ngủ ít. Từ sáng sớm và đây là hành vi đầu tiên trong chức giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô muốn đến cầu nguyện với Mẹ Thiên Chúa.

Đức Bergoglio sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt, nhất là Đức Mẹ Luzan, bổn mạng của người Argentina, một hình ảnh giống hình ảnh Đức Mẹ Lorette và Đức Mẹ Pompei, vì cùng mừng lễ vào ngày 8 tháng 5, ngài cầu nguyện ở một làng nhỏ ở Campanie. Đức Bergoglio không bao giờ quên ngày cầu nguyện này ở đền thờ cách Buenos Aires vài cây số mà hàng năm có hàng triệu người trẻ đến đó hành hương.

Đức Bergoglio cũng thường xuyên đến một ngôi nhà thờ nhỏ Đức Mẹ Caacupé, Đức Mẹ của những khu phố nghèo, ngôi nhà thờ có những bức tường trắng ở trong khu phố nghèo.

Và còn Đức Mẹ Tháo gỡ nút thắt. Ngài biết bức tượng này trong thời gian ngài học thần học ở Đức, và ngài đem bức ảnh này về Argentina. Bây giờ bức ảnh này rất phổ thông ở Argentina, giáo dân làm tuần cửu nhật, họ không thể nào quên Đức Bergoglio đã đem tượng Đức Mẹ này về cho họ.

 

Mẹ

Về bà Regina mẹ của ngài, chúng ta chỉ biết câu chuyện ngài đã không thổ lộ ý muốn đi tu của mình cho mẹ biết ngay và phải mấy năm sau bà mới chấp nhận. Nhưng câu chuyện Bergoglio than thở với mẹ ở bệnh viện cho thấy quan hệ giữa hai người thật sâu đậm và vững chắc.

Régina là một người đàn bà rất đẹp. Tự tin, tươi cười, rạng rỡ. Bà cũng là người Ý giống thân sinh Mario, cha của ngài. Chính bà truyền đam mê opéra cho năm người con. Quây quần chung quanh đài phát thanh, bà giải thích từng đoạn trong cốt chuyện opéra cho các con nghe. Thật tuyệt vời, Đức Bergoglio nhớ lại. Và chắc chắn kỷ niệm về mẹ Régina đã làm cho cha Bergoglio đưa các học sinh ở trường Colegio Maximo đi đến nhà hát để họ khám phá các bí mật của bộ môn opéra.

 

Mười ba

Con số 13 là con số lạ kỳ trong đời sống của Đức Bergoglio. 13 tháng tuổi đã ở với bà nội Rosa, người hướng dẫn con đường tăng trưởng về mặt nhân bản cũng như thiêng liêng cho ngài. Ngài chịu chức linh mục ngày 13-12-1969 do tổng giám mục Ramôn José Castellano phong. Ngày 13-5-1992, Sứ thần Tòa Thánh Ubaldo Calabresi thông báo cho ngài biết ngài sẽ là Giám mục phụ tá Buenos Aires, bảy ngày trước ngày thông báo chính thức. Ngày 13-3-2013, Bergoglio được bầu chọn. Chiều tối hôm đó ngài đã chào đám đông với câu nói đi vào lịch sử: “Anh chị em thân mến, tôi xin chào anh chị em.” Và câu 13 đoạn 13 của Phúc Âm thánh Gioan mà theo đó, cả sứ vụ của Bergoglio được mô tả: “Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 13-15).

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch