Trích sách: 80 lời hay, nghĩa cử đẹp của Đức Phanxicô. Tác giả: Rosario Carello
Đá banh
21 tháng 5-2013. Gigi Buffon ngồi trên ghế màu nâu ở Nhà trọ Thánh Mácta; bên cạnh anh là nhà huấn luyện viên đội Juventus, Antonio Conte, nhưng anh đang dán mắt vào Đức Phanxicô, người đang ở cách anh vài xăng ti mét. Anh nghe hết, anh theo dõi các nét mà Đức Phanxicô đang vẽ.
“Một ngày nọ, ngài kể cho các tân cầu thủ vô địch Ý đang ngồi chung quanh ngài, họ như mấy đứa con nít ngồi quanh cha xứ, sau buổi tiếp kiến, tôi đang ở trên chiếc xe jeep, tôi thấy một ông dùng chiếc áo của đội San Lorenzo (đội mà Đức Bergoglio là fan ái mộ) để chào tôi. Tôi nhìn ông và tôi ra dấu.” Ngài đưa ngón trỏ, ngón giữa và ngón áp út lên, ám chỉ “ba”, rồi đóng tay lại, sau đó mở tay ra, ngài dùng ngón cái và ngón trỏ làm thành con số “zero”, có nghĩa là kết quả đội San Lorenzo của Almagro vừa thắng đội Boca 3-0 trước đó vài ngày. Mọi người đều bật cười, người cười to nhất là Đức Phanxicô.
Đức Phanxicô rất mê bóng đá. Thẻ hội viên của ngài mang số 88235N – số của đội San Lorenzo, một đội do linh mục Lorenzo Massa sáng lập cách đây gần một thế kỷ trong mục đích giúp các trẻ em chơi để các em khỏi đi bụi đời. Trong quá khứ, đội đã thắng nhiều giải và đội vẫn là hình ảnh đẹp của đội tuyển Argentina. Một giáo hoàng ủng hộ đội bóng mà nhật báo thể thao Olé sau ngày ngài được bầu chọn đã đăng hàng chữ khổng lồ “Bàn tay kia của Chúa”. Tại sao lại là “bàn tay kia”? Các người sành bóng đá đều hiểu ngay lập tức.
Ngày 22 tháng 6-1986, ở Sân vận động Aztèque, Mễ Tây Cơ, lịch của cúp Bóng Đá Thế giới dự trù sẽ có trận giao đấu đầu tiên giữa hai đội Argentina và Anh quốc. Chiến tranh Malouine vừa mới kết thúc được bốn năm. Như vậy đây không còn là một trận đấu bình thường. Đây là một trận thanh toán! Trong hiệp nhì khi hai bên vẫn còn thủ hòa 0-0, vua bóng đá Diego Maradona của Argentina đá lọt lưới với ngón nghề tuyệt đỉnh mà người ta nói là nhờ một bàn tay. “Có một cái gì với cái đầu của Maradona và một cái gì khác với bàn tay của Chúa,” chính ông đã nói như vậy khi giễu đối phương, ông cho rằng nhờ Chúa chứ không phải nhờ mình đá lọt lưới đối phương. Nhưng một vài phút sau đó, cầu thủ thượng hạng Maradona giữ banh trong chân ở giữa sân, anh dắt bóng vượt đội Anh, vượt từng cầu thủ một, loại cầu thủ giữ gôn, sút bóng và làm bàn mà FIFA phải công nhận đó là cú sút đẹp nhất trong lịch sử bóng đá. Cả nước Argentina nổ tung trước máy truyền hình. Và ai biết đó là ngày lễ hội của cha Bergoglio! Dẫn đầu bởi Maradona, đội Argentina vào chung kết và đoạt chức vô đích Bóng đá. Câu “bàn tay kia của Chúa” là một huyền thoại, là niềm tự hào. Đối với người Argentina, Chúa, đá banh và nước Argentina ở trong cùng một nhà. Hơn nữa nhà của họ bây giờ là nhà của giáo hoàng!
Sau đó, Gigi Buffon đứng dậy. Anh cầm trong tay cái áo mang số 1 của đội Juventus, đội của anh với chữ ký của tất cả các cầu thủ và anh đưa cho Đức giáo hoàng, anh nói: “Để cha còn dính với đội Juve hơn nữa.” Đức Bergoglio cười. Không ai biết điều này, mẹ của cha có tên là Regina Sivori, cùng tên với nhà vô địch Ý-Argentina của đội Juventus.
Đức giáo hoàng có bị đe dọa không? Tôi đặt câu hỏi này với nhiều người ở gần ngài nhưng không một ai biết. Nếu có, ngài không nói để khỏi bị lo và cũng để các việc mục vụ của mình không bị giới hạn, ngài hoàn toàn tín thác vào Chúa Quan Phòng. Chúng ta biết khi ngài đến các khu phố ổ chuột hoạt động thì cũng có những hiểm nguy. Chúng ta cũng biết ngài đã bảo vệ, che giấu, tổ chức những cuộc đi trốn cho những người bị chế độ độc tài Videla lùng bắt. Và chúng ta biết ngài luôn ở với giáo dân. Vậy thì sao?
Đương nhiên các linh mục làm việc trong môi trường phức tạp này sẽ bị đe dọa. Trong số đó có linh mục José Maria Di Paola, một linh mục người Ý vùng Calabrais. Đức Bergoglio kể cho ký giả Gianni Valente biết, một chiều tháng tư năm 2009, có một người ăn mặc đàng hoàng, nói giọng thủ đô, ông chận xe đạp của cha José lại khi cha đang trên đường về nhà. “Cha có phải là cha José không? Nếu cha không ngừng các việc cha đang làm thì chúng tôi sẽ thanh toán cha. Chúng tôi thề.” Lỗi của linh mục là lỗi gì? Là tố cáo việc mua bán ma túy trong khu vực. Một sự mua bán tự do, lợi nhuận cao nhưng bất xứng.
Cha José kể lại cho Đức Bergoglio nghe. Ngài quỳ gối trước Nhà Tạm và cầu nguyện. Con phải làm gì thưa Chúa khi các linh mục của con bị đe dọa chết? Con phải làm gì cho họ? Trong khi cầu nguyện, ngài thấy ra một con đường để đi. Ngài quyết định công khai hóa sự đe dọa này nhưng không nêu tên của linh mục bị đe dọa. Ngài làm sau bài giảng trong thánh lễ. Và như vậy là đủ. Họ không đụng đến cha José cũng như trung tâm tiếp cư và các tổ chức khác của địa phận trong các khu phố ổ chuột này.
Đó là những cảm nhận tốt lành, các giá trị thánh thiện của Phúc Âm là di sản mà Đức Jorge Mario Bergoglio nhận được từ gia đình. Khi nữ ký giả Francesca Ambrogetti hỏi ngài ai là người quan trọng nhất trong cuộc đời của ngài, ngài trả lời: bà nội Rosa. Tiền bạc để lại ư? Không. Để khám phá di sản này, phải mở quyển Phụng vụ Giờ kinh, quyển «nhật tụng» mà bất cứ linh mục nào cũng có, Đức Bergoglio đọc nhiều lần mỗi ngày. Và vậy, giữa các thánh vịnh và các bài đọc, ngài vẫn còn trìu mến giữ một vài bức thư và bản chúc thư của bà nội. Và đây là một đoạn ngài đã đưa ra công khai:
«Ước gì các cháu của bà được sống lâu hạnh phúc, các cháu yêu quý mà bà để cả đời để lo cho các con. Nếu có lúc nào các cháu đau khổ, bệnh tật hay mất một người thân thì các cháu dâng sự đau khổ này bằng tiếng thở dài hướng về Nhà Tạm, nơi có vị tử đạo cao cả nhất ở đó và hướng về Mẹ Maria, người đã đứng dưới chân thập giá, những người có thể xoa dịu những vết thương sâu đậm nhất, đau đớn nhất.»
Adriano vừa tắt đèn ngủ, chắc cũng vừa mới 30 giây, ít nhất là anh nghĩ như vậy. Đúng ra thì lúc đó đã quá 4 giờ. Anh ngủ lúc 4 giờ 30, chưa đến 9 giờ sáng mà cha của anh đã gõ cửa phòng. Adriano là người nghiện ngập ma túy, anh thoát ra được cảnh nghiện ngập mà không ai có thể hiểu được, các bạn của anh cười, có người còn cho là nhờ cầu nguyện. Theo anh, chính là nhờ lời cầu nguyện của mẹ anh, bà Paola, bà sùng kính Đức Mẹ Lujàn và Đức Mẹ đã cứu anh. Nhưng rõ ràng là anh được lành.
Một ngày nọ, sau khi làm việc, anh đến văn phòng địa phận, anh để lại tờ giấy ghi tên, địa chỉ, số điện thoại của mình và anh xin nói chuyện với cha Bergoglio. Nhưng bây giờ thì anh đang muốn ngủ.
– Thưa cha, chuyện gì vậy? Con vừa đi làm khuya về, cha cho con ngủ thêm một chút!
– Có người gọi con!
– Không phải bây giờ, con sẽ gọi sau, con xin cha.
– Adriano, đây là cha Bergoglio! Adriano nhảy ra khỏi giường.
– Cha là cha Bergoglio. Chào Adriano. Cha nghe là con muốn nói chuyện với cha. Cha thức con dậy à?
Ngày hôm sau, Adriano ở nhà hồng y.
Vì sao Bergoglio chọn vào Dòng Tên sau khi ở chủng viện của địa phận một năm? Bởi vì cha bị cuốn hút qua hình ảnh tiên phong, qua bầu nhiệt huyết truyền giáo mà các tu sĩ Dòng Tên đã và đang làm. Chàng thanh niên trẻ muốn mình là nhà truyền giáo. Thánh Phanxicô Xaviê Dòng Tên không phải là bổn mạng của các nhà truyền giáo đó sao? Vì thế trong khi đang học thần học, vì muốn theo vết chân của thánh Phanxicô Xaviê, Bergoglio đã viết một bức thư cho Cha Tổng quyền Dòng Tên là cha Pedro Arrupe hồi đó, xin cha gởi mình qua Nhật.
Cha Arrupe để vài ngày suy nghĩ và trả lời. Chính Đức Bergoglio đã kể lại như sau: “Cha Arrupe đã suy nghĩ và trả lời cho tôi: ‘Vì con bị bệnh bị cắt một lá phổi nên sẽ không thích hợp cho một công việc khó khăn như vậy.’ Tôi ở lại Buenos Aires. Cha Arrupe đã quá nhân hậu, cha không nói: ‘Con chưa đủ thánh thiện để làm nhà truyền giáo.’ Cha thật nhân lành và đầy đức ái.
Cha nói đùa nhưng đó là một cú khá gay go.
Cha quỳ ngay xuống trước Thánh Thể, cha hỏi Chúa vì sao Chúa để trong lòng mình một ước muốn như vậy mà không cho mình thực hiện được vì lý do sức khỏe. Đâu là ý nghĩa cho việc này? Thử thách này nhắc lại thử thách mà thánh Têrêxa Lisiơ, cũng là bổn mạng của các nhà truyền giáo, cũng bị ngăn lại vì lý do sức khỏe. Đó là câu chuyện thật của ngài. Và vì thế ngài sùng kính đặc biệt thánh Têrêxa.
Giấc mơ đi Nhật không thành cũng là đầu đề câu chuyện ngài hay nói đùa: “Nếu tôi đi Nhật khi đó thì có nhiều người Argentina ở đây sẽ không phải chịu đựng tôi, đúng không?
Người đầu tiên biết Đức Phanxicô được bầu chọn là Đức Bênêđictô XVI. Cuộc điện thoại đầu tiên Đức Phanxicô gọi là điện thoại cho Đức giáo hoàng danh dự Bênêđictô XVI. Lời cầu nguyện đầu tiên từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô mà Đức Phanxicô xin cầu nguyện là cầu nguyện cho Đức Bênêđictô XVI.
Trong buổi gặp gỡ ngày 23 tháng 3 – 2013 ở Castel Gandolfo, điều làm tôi xúc động là sự tôn kính mà Đức Phanxicô dành cho Đức Bênêđictô XVI.
Nếu nói về sự hợp nhau, tính liên tục giữa hai người thì đơn giản quá. Phải đọc những hàng này: “Thói thăng quan tiến chức, thói muốn “lên cao” để có một địa vị trong Giáo hội… Đó là hình ảnh của một người mà qua đời sống tu trì của mình, họ muốn tỏ ra mình quan trọng, mình là một nhân vật; hình ảnh của một người muốn tìm sự tôn vinh cho chính mình chứ không phải là tôi tớ khiêm hèn của Chúa Giêsu Kitô.” Chắc chắn những lời của Đức Phanxicô về nạn thăng quan tiến chức trong Giáo hội, về thói thời thượng thiêng liêng đã có những chữ mạnh và sắc nhọn như lưỡi gươm đó không? Không, đó là lời của Đức Bênêđictô XVI.
Nếu bạn tìm những lời mạnh nhất của Đức Bergoglio thì bạn cũng sẽ thấy những lời này ở Đức Bênêđictô XVI trong triều giáo hoàng của ngài. Ratzinger đã mở con đường cho Bergoglio, đúng trong mọi hướng, không những trong sự từ nhiệm của mình nhưng còn cả trong triều giáo hoàng của ngài, hành động can đảm và mang tính bi thảm. Bi thảm xảy đến với các tấn công tới tấp mà ngài phải chịu, thường thường là một mình. Tuy nhiên, ngài luôn chứng tỏ mình có một đức tính can đảm phi thường.
Những gì ngài nghĩ về giáo dân là từ câu chuyện giáo dân bên nước Nhật. Ngài thích kể câu chuyện này. Giáo dân là cấu trúc chính của Giáo hội Nhật bản. Vào thế kỷ 16, sau cuộc bách hại đẩm máu tín hữu Kitô, các linh mục bị giết hoặc bị tống khứ. Trong vòng hai thế kỷ, nước Nhật không có linh mục, khi các nhà truyền giáo trở lại nước Nhật, họ sợ họ không tìm lại được các cộng đoàn, sợ các cộng đoàn không còn hoặc bị bỏ rơi nhưng họ lại thấy mọi sự “ngăn nắp trật tự, tất cả đều được rửa tội, được học giáo lý, được làm lễ thành hôn ở nhà thờ”. Trong vòng hai trăm năm, không có linh mục, đức tin vẫn được duy trì nhờ những người đã được rửa tội, những giáo dân; một sự liên tục, một sự trao truyền đức tin một cách gương mẫu.
Chính vì thế mà ở những khu phố nghèo nàn ở Buenos Aires, Đức Bergoglio đã giao phó bao nhiêu là việc cho các giáo dân. Nhưng cẩn thận, ngài ghi nhận: “giáo sĩ hóa là một vấn đề, các linh mục giáo sĩ hóa giáo dân và giáo dân xin chúng tôi giáo sĩ họ.”
Hình ảnh mục tử là hình ảnh Đức Phanxicô hoàn toàn thấm nhập vào, thấm nhập một cách huyền nhiệm, hình ảnh người mục tử nhân hậu bỏ hết mọi việc để đi tìm duy nhất chỉ một con chiên đi lạc.
Ngài nói các mục tử phải có mùi chiên vì khi vác những con chiên trên vai, những con chiên bị thương, đi lạc, những con chiên mệt mỏi, chúng đầy cả mùi: và chính đó là điều phải làm! Một lần khác, ngài lưu ý các cha xứ, các giáo xứ không được mất thì giờ chải lông chiên, cuộn biguđi cho chúng, có nghĩa là chỉ lo cho các tín hữu trung thành, những người vui vẻ, may mắn được ở trong chăn êm nệm ấm. Bỏ thì giờ chải lông chiên là mất thì giờ vào việc này mà không đi tìm những con khác đang lâm nguy.
Khi ngài nói về các giáo xứ, Bergoglio cho thấy tất cả sự khéo léo tài tình của ngài về mục vụ. Theo một nghiên cứu về xã hội của tòa giám mục Buenos Aires thì tầm ảnh hưởng của các giáo xứ trong một khu vực chỉ trải rộng ra sáu trăm mér. Điều đó có nghĩa nếu một khu phố ở cách giáo xứ một cây số thì giáo dân ở khu phố đó sẽ không thấy được sự có mặt cũng như các sinh hoạt của giáo xứ. Và khi đó khu phố này coi như bị bỏ rơi. Mà các giáo xứ ở Argentina lại xây cái này cái kia cách nhau hai cây số. Như vậy có vấn đề về khoảng cách. Tòa tổng giám mục Buenos Aires xin các linh mục thuê các nhà chứa xe, nơi họ có thể phát triển các sinh hoạt mục vụ với sự trợ giúp của giáo dân, giống như các chi nhánh nhỏ của giáo xứ. Rất nhiều cha xứ giận với đề nghị này của cha Bergoglio, họ phản kháng: “Nhưng nếu chúng tôi làm ở đây thì giáo dân sẽ không đến giáo xứ nữa.” Và cha Bergoglio hỏi: “Nhưng tại sao? Họ không đến đó hôm nay à?” Các cha xứ đồng loạt trả lời: “Không”. Bergoglio đã kềm lại không nói: họ đã trả lời cho chính họ.