Bắc Hàn: Bất chấp bách hại tàn bạo, Kitô giáo vẫn đang phát triển

803

 

CNA | Matt Hadro

Dù cho chính quyền Bắc Hàn đang làm mọi chuyện để đàn áp Kitô giáo, nhưng đức tin vẫn lan rộng. Đây là lời chứng của một người đã tìm cách thoát được khỏi Bắc Hàn cho biết, và ông kêu gọi mọi người cầu nguyện và hành động cho tự do tôn giáo ở đất nước này.

“Tôi cầu nguyện cho mọi cộng đoàn Kitô trên khắp thế giới sẽ cầu nguyện cho những Kitô hữu Bắc Hàn, thực sự giúp đỡ và khích lệ họ rao giảng Tin mừng, không chỉ qua mạng lưới Giáo hội hầm trú, mà còn yêu cầu chính quyền chấp nhận tự do tôn giáo mà mọi người đang khẩn thiết mong chờ,” ông Kim Chung-seong, một người thoát được khỏi Bắc Hàn đã trả lời phỏng vấn vào hôm thứ sáu 12-5, với sự giúp đỡ của một thông dịch viên.

Ông Kim là nhà truyền giáo, và đã phát biểu tại Hội nghị Quốc tế thường niên lần thứ nhất về Bảo vệ các Kitô hữu bị Bách hại, được tổ chức ở Washington. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 11 và 12 tháng 5, với sự hiện diện của các cấp lãnh đạo trong các phái Tin Lành, các giáo hội Chính thống, và Giáo hội Công giáo La Mã. Các Kitô hữu bị bách hại cũng đứng lên làm chứng cho chuyện đời của họ.

Hội nghị này quy tụ đại diện các Kitô hữu trên 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như các nhóm bảo vệ Kitô hữu như tổ chức Cánh Cửa Mở (Open Doors) và Tiếng nói Tử đạo (Voice of the Martyrs).

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence đã có bài phát biểu chính vào hôm thứ năm, và cam kết rằng “bảo vệ và thăng tiến tự do tôn giáo là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính phủ Trump.” Ông cũng hứa sẽ cầu nguyện và ủng hộ các Kitô hữu đang bị bách hại khắp thế giới, và giúp đỡ cho cả những người thuộc các tôn giáo khác cũng đang bị bách hại.

Theo Reuters, ông Kim đến Nam Hàn vào năm 2004. Ông Kim hiện đang là thành viên của một chương trình phát thanh Kitô giáo ở Nam Hàn, phát sóng đến nhiều vùng ở Bắc Hàn. Cùng với chương trình phát thanh, ông còn giúp tìm cách để gởi các thông điệp Phúc âm, nhạc thánh ca và tin tức thế giới đến Bắc Hàn bằng những USB hay thẻ nhớ điện thoại.

“Nhưng công việc quan trọng nhất là cho người dân Bắc Hàn biết Chúa Giêsu Kitô, bởi sự thật sẽ cho họ được tự do. Tôi thiết tha cầu nguyện xin cho sự thật sẽ giải phóng các anh chị em đồng bào Bắc Hàn của tôi.”

Chế độ độc tài Bắc Hàn được xem là một trong những chế độ vi phạm nhân quyền nhất thế giới. Theo báo cáo thường niên của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ, thì “Tự do tôn giáo không tồn tại, và tôn giáo bị đàn áp nặng nề. Chính phủ Bắc Hàn không ngừng đàn áp và trừng phạt những người theo đạo, bằng cách bắt giam, tra tấn, bỏ tù, và đôi khi là xử tử. Một khi bị bỏ tù, các tù nhân có đạo thường bị chuyển đến các nhà tù chính trị, nơi họ bị đối xử vô cùng tàn bạo.”

Tổ chức Cánh Cửa Mở mới đây đã báo cáo rằng Bắc Hàn là “nơi khủng khiếp nhất trên trái đất đối với Kitô hữu” bởi chính phủ độc tài không chấp nhận bất kỳ ai khác biệt chính kiến và ép buộc tất cả mọi người thờ phượng lãnh tụ quốc gia. Ước tính có khoảng 300.000 Kitô hữu trong tổng số 25.4 triệu dân ở đây, và có khoảng 50 đến 70 ngàn Kitô hữu đang phải ở trong các trại lao động. Sau khi các nhà truyền giáo vào đất nước này và bắt đầu loan báo Phúc âm, thì họ bị chính quyền liệt vào danh sách đen, và hơn nửa số họ bị giam vào các trại lao động ở khắp các nước.”

Nhưng ông Kim cho biết, bất chấp tình trạng khốn khó và mối đe dọa bị bỏ tù, con số Kitô hữu ở Bắc Hàn vẫn đang tăng, và đức tin của họ được củng cố qua bách hại.

“Điều mà chế độ Bắc Hàn sợ nhất, chính là sự lan rộng của Phúc âm. Bởi Phúc âm nói sự thật. Một khi ánh sáng chiếu vào nơi tăm tối, thì nơi đó có ánh sáng.”

Các tín hữu chỉ cầu nguyện hay thờ phượng trong phạm vi gia đình mà thôi, để tránh bị nhà cầm quyền phát giác. “Các Kitô hữu ra khỏi nhà, đến bờ sông, vùng núi, nơi nào đó hẻo lánh. Chúng tôi không thể đến một tòa nhà nào cả,” ông cho biết.

Chính quyền dùng một mạng lưới giả, là Liên hiệp Kitô giáo Hàn Quốc, để phát giác những Kitô hữu trong nước, và nhiều người được dạy rằng Liên hiệp này có thật. Liên hiệp này cũng đưa những thông tin giả mạo đến cộng đồng quốc tế, để vờ như ở Bắc Hàn có tự do và đa nguyên tôn giáo.

“Chính quyền sẽ làm bất kỳ chuyện gì để ngăn chặn Phúc âm lan rộng ở Bắc Hàn. Nhưng như bạn có thể thấy, chúng ta không thể lấy tay che mặt trời,” ông Kim cho biết.

Ông xin mọi người cầu nguyện cho các Kitô hữu ở Bắc Hàn, nhất là “cho sự tự do mà chúng ta chỉ có thể tìm thấy Chúa Giêsu Kitô.”

Và ông cũng ngỏ lời, “xin cầu nguyện cho hai quốc gia chúng tôi được thống nhất.”

J.B. Thái Hòa chuyển dịch