Đức Phanxicô và Đức Thượng Phụ Tawadros II trong thánh lễ sáng chúa nhật 29 tháng 4 ở Sân vận động Quân sự
la-croix.com, Anne-Bénédicte Hoffner, 2017-05-01
Linh mục Amir Jaje, Dòng Đa Minh người Irak, thành viên Hội đồng Giáo hoàng Đối thoại Liên tôn đưa ra bản tổng kết chuyến đi Ai Cập của Đức Phanxicô ngày 28 và 29 tháng 4-2017. Từ 8 tháng nay, linh mục sống ở Đan viện Cairô.
La Croix: Chuyến đi này chỉ nhắm đến người Ai Cập hay một cách rộng hơn nhắm đến người dân toàn vùng Trung Đông?
Linh mục Amir Jaje: Trên thực tế sứ điệp của Đức Giáo hoàng nhắm đến cho toàn thế giới hồi giáo. Qua chuyến đi của ngài, ngài muốn lặp lại, không có chiến tranh tôn giáo, không có chiến tranh giữa hồi giáo và kitô giáo, cũng không có chiến tranh giữa “thế giới Tây phương” và “thế giới Ả rập”. Trên bình diện chung, chuyến đi này cực kỳ tích cực. Có thể nói về Đức Giáo hoàng bất cứ gì, nhưng ngài không ngây thơ, ngài biết hồi giáo đang gặp khủng hoảng, ngài biết đối thoại là con đường trơn trợt và chúng ta có thể bị té, nhưng sau đó phải biết đứng dậy và dù sao, tín hữu kitô cũng không có chọn lựa nào khác: đó là con đường duy nhất dẫn đưa chúng ta đến đức tin kitô giáo.
Sứ điệp này đã được tiếp nhận ở đây?
Tất cả tùy theo các cử tọa! Người hồi giáo chờ Đức Giáo hoàng sẽ nói hồi giáo vô tội trước nạn khủng bố, rằng nạn khủng bố mượn danh họ. Và đó là điều mà Đại Iman Ahmed Al Tayyeb của Viện Đại học Al-Azhar đọc trong bài diễn văn của mình. Còn ngài, Đức Phanxicô không nói điều này, ngài đi xa hơn, ngài xin sự tôn trọng lẫn nhau. Tôi không biết sứ điệp này có được đón nhận không.
Một cách chung chung, tôi nghĩ người hồi giáo cảm thấy thoải mái với Đức Phanxicô hơn là với vị tiền nhiệm của ngài. Khác với vị tiền nhiệm, Đức Bênêđictô XVI là giáo sư, Đức Phanxicô là tu sĩ Dòng Tên mang tinh thần trách nhiệm mục vụ rất cao. Ngài biết nói những chuyện không làm tổn thương người nghe, và ngài nói lên được. Ngài muốn băng bó các vết thương cũ và trong việc này, ngài đã thành công: chúng ta có thể nói một cách nào đó, người hồi giáo đã giải hòa với kitô giáo, xem kitô giáo như một thể chế.
Chắc chắn, cái mà tôi gọi là “cổ máy cũ” của hồi giáo Ai Cập – “các chouyoukh” là các nhà uyên bác được đào tạo theo kiểu xưa, họ không muốn thay đổi gì, họ chỉ muốn thế giới nhận biết quyền tối thượng của hồi giáo -, họ không sẵn sàng để nghe giáo hoàng. Dưới mắt họ, khi Đức Phanxicô đến và nhận biết uy quyền của Đại Iman Al-Azhar trên thế giới hồi giáo, và như thế đối với họ là đủ!
Nhưng một phần của thế hệ trẻ – thế hệ mà chúng tôi thấy ở đây trong các chủng viện của Viện nghiên cứu Đông phương của Dòng Đa Minh – là thế hệ có thể và thậm chí mong muốn đi xa hơn: tôi nghĩ, và dù sao tôi cũng hy vọng, sứ điệp của Đức Giáo hoàng sẽ làm cho họ suy nghĩ và điều này sẽ có tác động trên họ khi họ nắm trong tay trách nhiệm, trong mười hay hai mươi năm nữa.
Về mặt chính trị, chuyến đi này có thành công đối với Ai Cập không?
Tổng thống Ai Cập Abdelfattah Al Sissi đánh giá cao người công giáo trên thế giới: dưới mắt ông, Đức Giáo hoàng là một trong những người “mạnh nhất” của thế giới. Vì thế, đương nhiên đón tiếp ngài ở nước mình là giấc mơ để khẳng định quyền lực của mình. Còn đối với người dân Ai Cập, điều họ mong chờ nhiều nhất là ngài làm cho du khách trở lại với Ai Cập…
Còn về phía tín hữu kitô, ở Ai Cập cũng như ở Âu châu, sứ điệp về sự cần thiết phải có đối thoại của người hồi giáo có thể được tiếp nhận trong bối cảnh của bạo lực hồi giáo không?
Chắc chắn là rất khó cho các tín hữu công giáo Ai Cập! Đối với đa số, hồi giáo là kẻ thù tự bản chất: rất nhiều người sống cảnh bị áp bức hai lần, vừa từ người hồi giáo vừa từ người chính thống giáo. Ở Cairô, tình trạng đặc biệt hơn do tầm quan trọng của các thể chế kitô giáo: mỗi người thu mình sống trong “vỏ ốc” của mình, người công giáo, người chính thống-Coptic; nhóm Huynh đệ Hồi giáo; người bảo thủ hồi giáo…
Nhưng ở các tỉnh khác của Ai Cập thì tình trạng khó hơn cho các tín hữu kitô, họ là thiểu số và bị áp lực của người hồi giáo nhiều hơn. Hai cuộc tấn công gần đây ở hai nhà thờ Tanta và Alexandria đã củng cố cho cái nhìn của một Giáo hội “tử đạo”, đôi khi lại bị khuynh hướng thần học thời trung cổ nâng giá trị, cho rằng cái chết do bạo lực này là phương tiện để lên thiên đàng… Dĩ nhiên một phần các tín hữu kitô này mong Đức Giáo hoàng “bảo vệ” con chiên mình nhiều hơn.
Còn về người công giáo ở đây, tôi biết trong số họ có một số rất sợ hồi giáo, chắc chắn họ muốn Đức Giáo hoàng nói những lời quyết liệt hơn. Nhưng tôi nghĩ đa số mong ngài mang đến một sứ điệp hòa bình đích thực, ngài lặp lại với người hồi giáo: “Chúng ta không phải là kẻ thù nhưng là anh em!” Và ngài đã có những hành vi để nói lên điều này! Các mong chờ thì rất khác nhau. Nhưng cuối cùng, thì ai cũng tìm được điều mình mong muốn.
Marta An Nguyễn dịch