Zenit, 24-6-2014, Phỏng vấn linh mục giáo sư Juan Carlos Scannone, Nicola Rosetti, bản dịch của Constance Roquesle
Linh mục giáo sư Dòng Tên Juan Carlos Scannone, 82 tuổi, là một trong các giáo sư của Đức Phanxicô ở chủng viện Villa Devoto, Argentina. Từ giữa tháng 4-2014, cha sống ở Trường của các nhà văn của tạp chí “Civiltà Cattolica”, một tạp chí của Dòng Tên.
Cha nói đến các năm tháng ở chủng viện của Jorge Mario Bergoglio, việc bầu chọn giáo hoàng của ngài và giải thích tư tưởng của Đức Phanxicô dưới ánh sáng “thần học giáo dân”, một trường phái tôn giáo tái nâng giá trị hội nhập Phúc Âm vào văn hóa địa phương và về lòng mộ đạo bình dân vào trong suy tư thần học.
Zenit – Ngày xưa học sinh Jorge Maria Bergoglio là học sinh như thế nào?
Linh mục Juan Carlos Scannone – Đó là một học sinh giỏi, ngoan. Tôi dạy tiếng Hy lạp và văn chương cho Bergoglio khi anh còn là chủng sinh, trước khi vào Dòng Tên. Anh rất năng động và không phải là người giỏi nhất lớp nhưng chắc chắn anh là một trong những người giỏi nhất lớp! Anh chăm chỉ học nhưng tôi không nhớ chính xác điểm nào. Đương nhiên vào thời đó, tôi không biết là anh sẽ vào Dòng Tên và sẽ trở thành giáo hoàng! Tôi chỉ nhớ lúc đó anh đã bị đau nặng: một cơn cảm cúm thông thường biến chứng qua sưng phổi để rồi phải cắt một lá phổi, anh đã can đảm vượt qua giai đoạn thử thách lớn lao này.
Cha có mong chờ hồng y Bergoglio sẽ lên ngôi giáo hoàng?
Thành thật mà nói là không, tôi không mong chờ Bergoglio sẽ là giáo hoàng. Tôi biết ngài có nhiều lá phiếu trong lần bầu chọn Đức Bênêđictô XVI ở lần Mật nghị năm 2005, vì qua việc Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, tôi nghĩ các hồng y sẽ bầu một giáo hoàng trẻ hơn. Vì thế tôi không mong chờ, chính yếu vì số tuổi của ngài.
Là giáo hoàng Châu Mỹ La Tinh đầu tiên. Điều này có ảnh hưởng gì đến Giáo hội hoàn vũ?
Châu Mỹ La Tinh là châu lục có đại đa số người Công giáo và họ là những người nghèo, một khía cạnh đặc biệt tế nhị trong việc rao giảng Phúc Âm mà ưu tiên là cho người nghèo. Điều này đã cho thấy rõ ràng trong Hội nghị Medellin, nó lại còn quan trọng hơn trong Hội nghị Puebla để rồi đến cao điểm là Hội nghị Aparecida ở Ba Tây năm 2007. Các giáo hoàng cuối cùng đều đi theo đường hướng này. Khi Đức Gioan-Phaolô II đến Puebla, ngài đã biến tình yêu dành cho người nghèo thành một trong những điều nền tảng trong triều giáo hoàng của mình. Ngài giải thích điều này rõ ràng trong Tông huấn “Quan tâm Xã hội, Sollicitudo rei socialis”. Và Đức Bênêđictô XVI đến khánh thành Hội nghị Aparecida ở Ba Tây năm 2007, ngài khẳng định nguồn gốc Hội nghị này mang tính Kitô vì chính Chúa Kitô là người đầu tiên đã có quan điểm ưu tiên đối với người nghèo.
Những lời tuyên bố của Đức Phanxicô thỉnh thoảng bị xem giống như những lời tuyên bố của “thần học giải phóng”. Theo cha, những lời này đã được ghi vào “thần học giáo dân”. Vậy đâu là các khác biệt?
Năm 1982, linh mục Neufeld dòng Grégoria đã xin tôi viết một bài về Thần học giải phóng cho quyển sách “Các vấn đề và phối cảnh của ý thức hệ về giáo điều”. Bài viết của tôi trước hết được công bố bằng tiếng Ý, sau đó được dịch qua tiếng Đức và Tây Ban Nha. Trong bài viết, tôi đưa ra sự khác biệt giữa bốn trào lưu, một trong những trào lưu đó là cái mà ngày nay người ta gọi là “thần học giáo dân”. Hai năm sau đó, Bộ Giáo lý Đức tin đưa ra tài liệu đầu tiên về một vài khía cạnh của thần học giải phóng, “Libertatis nuntius”. Antonio Quarracino, lúc đó là Thư ký Hội đồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh (Celam), sau này sẽ là tổng giám mục Buenos Aires, đã tái khẳng định sự tồn tại của bốn trào lưu này trong thần học giải phóng, mỗi trào lưu với những đặc tính riêng của nó.
Đặc tính chính của thần học giáo dân là nó không bao giờ dùng vừa cả phương pháp lẫn các thể loại phân tích của chủ thuyết Mácxít của thực tại nhưng nó cũng không chối cãi gốc rễ xã hội, nó chọn cách phân tích theo khía cạnh lịch sử-văn hóa. Khía cạnh lịch sử-văn hóa chiếm ưu thế nhưng không loại bỏ tầm quan trọng của khía cạnh lịch sử-chính trị. Ngoài ra, lòng mộ đạo bình dân được tái nâng cao và người ta còn nói đến một nền linh đạo “thiêng liêng và thần nghiệm bình dân”. Đức Phanxicô, trong Tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” (Evangelii gaudium) đã cho chủ đề linh đạo bình dân có một tầm mức rất quan trọng và đã nói đến chủ đề này hai lần, một lý do cho tầm quan trọng của việc hội nhập Phúc Âm vào văn hóa Châu Mỹ La Tinh. Nền văn hóa bình dân sẽ tự Phúc Âm hóa chính nó và sẽ Phúc Âm hóa các thế hệ kế tiếp.
Theo cha thì cần phải làm tăng giá trị cho lòng mộ đạo bình dân?
Tôi nghĩ, khi thật sự có một lòng mộ đạo bình dân và một linh đạo bình dân thì chính đức tin sẽ nhập thể và trở nên có hiệu lực qua đức ái. Một đặc tính của lòng mộ đạo bình dân là nó không hành động qua một linh đạo cá nhân nhưng làm cho tâm hồn mở ra với những người đang đau khổ, với những người có tội và nếu nó được như vậy thì nó thật sự mang tính Phúc Âm. Năm 1975, có một cuộc họp ở Rôma, trong cuộc họp này mỗi châu lục trình bày đề tài của mình. Một trong những chủ đề là giá trị của nền minh triết bình dân, đó là một yếu tố của lòng mộ đạo bình dân. Đề tài chính yếu này nổi trội trong ba nhóm: nhóm mạnh nhất là nhóm Châu Mỹ La Tinh, kế đó là nhóm châu Phi và cuối cùng là nhóm Nam châu Âu (đương nhiên chính yếu là Ý, sau đó là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha).
Ở Ý, dù nhiều năm tháng đã trôi qua và tôi không có kinh nghiệm trực tiếp, tôi nghĩ nền linh đạo bình dân đã được gìn giữ và đã làm tăng giá trị cho việc Phúc Âm hóa thế tục, một loại thế tục không phải thế tục. Ở Buenos Aires, Argentina, khi giáo hoàng còn là giám mục, còn tồn tại các hình thức mộ đạo xuất phát từ Ý dù đôi khi ở Argentina còn mạnh hơn ở Ý. Chẳng hạn, mỗi năm vào ngày 7 tháng 8, giáo dân mừng lễ thánh Gaétan, thánh bổn mạng cho bánh mì và lao động, có hàng triệu người đi hành hương ở Nhà thờ Thánh Gaétan để sờ vào bức tượng, để “được ơn phước” giống như tôi đã thấy chính Đức Phanxicô sờ vào tượng Đức Mẹ ở đây… Giáo dân cũng tôn thờ Đức Mẹ Đồng Trinh Pompéi, một đền thờ Đức Mẹ quan trọng nhất ở Buenos Aires.
Quan hệ của cha ngày nay với học trò cũ của cha như thế nào?
Một quan hệ rất tốt. Bây giờ tôi làm việc ở tờ báo “La Civiltà Cattolica”, chính xác là hợp tác với tờ báo trong việc tìm hiểu tư tưởng, đặc sủng và hành động của giáo hoàng. Gần đây tôi có viết một bài báo về Đức Phanxicô và thần học giáo dân, tôi cũng đang viết về nhiều đề tài khác. Tôi có gặp ngài hai lần: lần đầu ở Nhà Thánh Mácta, sau đó ngài có mời tôi ăn sáng với ngài và chúng tôi tiếp tục nói chuyện với nhau.
Nguyễn Tùng Lâm dịch