Một vài kỷ niệm riêng tư với Đức Gioan-Phaolô II

333

Trích sách «Hãy để cha ra đi» của Hồng y Stanislaw Dziwisz.

Angelo Comastri, Tổng đại diện Tòa Thánh.

Ngày 1-4-2005, hôm trước ngày Đức Gioan-Phaolô II qua đời, tôi đang ở trong văn phòng của tôi, bên cạnh Đền thờ thánh Phêrô. Điện thoại reo và tôi nhận ra ngay lập tức giọng của giám mục Stanislaw Dziwisz. Ngài nói với tôi: «Đức Thánh Cha sắp chết! Nếu cha muốn, xin cha đến chào và nhận phép lành lần cuối của ngài!» Tôi quá xúc động, tôi đi đến ngay phòng của ngài. Giám mục chờ tôi ở cửa và đưa tôi vào phòng riêng của ngài: tôi thấy Đức Gioan-Phaolô II thở mệt nhọc, bên cạnh là bác sĩ đang cho ngài thở ôxygen; hai tay của ngài bị sưng phồng và cả thân thể của ngài như sẵn sàng buông xuôi để về bên kia thế giới; đôi mắt của ngài bình thản và như hướng về bên kia để hé nhìn gương mặt Cực Thánh mà ngài mong chờ đã bao lâu, đã yêu mến Đấng luôn là nguồn ý nghĩa cuộc sống của ngài.

Tôi bật khóc, tôi quỳ xuống bên cạnh giường của ngài và hình ảnh Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh như về lại trong ký ức tôi: màn ảnh truyền hình chiếu cảnh Đức giáo hoàng ngồi ở nhà nguyện riêng, tay cầm Thánh giá, và Thánh giá thì không quay về hướng người khác mà quay về hướng Đức giáo hoàng, người đang nhìn thánh giá và nhận bản sắc của mình trong cuộc đời của Thầy Cực Thánh.

Lúc đó, trong thinh lặng nội tâm của tâm hồn, tôi như nghe những lời Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô bên bờ hồ Galilê: Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simon Phêrô: «Này anh Simon, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?» Ông đáp: «Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy». Đức Giêsu nói với ông: «Hãy chăm sóc chiên con của Thầy!» (…) Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn! Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: «Hãy theo Thầy». (Ga 21-15, 18-19)

Khi quỳ bên cạnh giường ngài, tôi cảm thấy như ngài đang sống trang Phúc Âm này, với đối thoại không bao giờ dứt giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô; giống như trên đôi môi Đức giáo hoàng, người ta có thể thấy câu tổng hợp tuyệt vời cho cuộc sống của ngài, cho quá trình dài và đau thương của triều giáo hoàng của ngài: Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy (Ga 21, 17).

Chiều hôm đó, một khối lượng khổng lồ giáo dân tụ tập ở Quảng trường Thánh Phêrô: chúng tôi cùng thầm thì lần chuỗi, trong khi đèn sáng ở cửa sổ phòng ngài trông có vẻ như đôi mắt ngài đang nhìn chúng tôi, đang vuốt ve chúng tôi và ban phép lành cho chúng tôi, chuyển cho chúng tôi tin nhắn thời đầu và thời cuối triều giáo hoàng của ngài: «Anh chị em đừng sợ! Anh chị em hãy mở hết tất cả các cửa của anh chị em cho Chúa Giêsu!»

Có một cái gì ngoài sức của tôi đã cho phép tôi cầm máy vi âm để nói: «Những lời nói mà Đức Gioan-Phaolô II nói khi bắt đầu giáo triều của ngài, ngày 16-10-1978 xa xưa, bây giờ đối với ngài lại có một giá trị  đặc biệt: trong lúc này, Chúa Kitô đang mở lớn các cánh cửa Thiên đàng để đón ngài, Mẹ Maria đứng bên cạnh mĩm cười chờ để ôm ngài và đưa ngài vào lễ hội với các thánh».

Chúng tôi không biết cái gì sẽ xảy ra ngày hôm sau cũng như những ngày kế tiếp sau đó: điều này từ nay thuộc về lịch sử và về văn khố ký ức của chúng ta.

Tôi xin kể hai giai đoạn mà chính tôi chứng kiến.

Khi chuyển quan tài qua Đền thờ Vatican để mọi người được thấy ngài lần cuối, để diễn tả lòng yêu thương và biết ơn đối với người đã không mệt mỏi, người hành hương Phúc Âm đi khắp nơi trên thế giới. Trong đêm đầu tiên, khi mọi người chầm chậm và thinh lặng đi qua quan tài của ngài thì có một người đàn ông chặn tôi lại, ông tiến gần hàng rào chắn đám đông với quan tài. Ông nói với tôi: «Thưa cha, bằng mọi giá con phải quỳ trước Đức Thánh Cha! Xin cha giúp con, cho con đi qua! Con hết lòng xin cha giúp!» Nhẹ nhàng nhưng tôi nghiêm khắc trả lời: «Xin ông thông cảm! Giáo dân quá đông. Không thể được thưa ông. Ông chỉ có thể đi qua như mọi người.» Người đàn ông cầm tay tôi nằn nì, gần như ông khóc, ông lặp lại: «Con phải quỳ trước Đức Thánh Cha. Con phải nói cám ơn ngài. Con đã mất đức tin và đã bỏ Giáo hội. Đức tin của con người này – và ông đưa tay chỉ Đức giáo hoàng – đã mang con về với đức tin». Tôi để ông đi qua, ông quỳ xuống và cầu nguyện: tôi đứng sau lưng ông và tôi chú ý thấy ông run rẩy, ông khóc nức nở không cầm được cảm xúc. Rồi ông đứng dậy ra đi. Tôi không biết ông là ai. Tôi sẽ biết ông sau này trên Trời.

Hai ngày sau. Đoàn hành hương vẫn tiếp tục, gần như đoàn hành hương càng ngày càng tăng và càng sâu đậm. Một người trẻ vào khoảng hai mươi, hai lăm tuổi ra dấu muốn nói chuyện với tôi. Tôi do dự khi đến gần, sợ phải làm một cái gì ngoại lệ theo trật tự đã định. Nhưng anh nằn nì quá làm tôi phải nghe anh. Khi đến gần anh, anh xăng tay áo lên cho tôi xem cánh tay mặt của anh: tay anh chằng chịt các vết chích thuốc phiện. Vừa khóc anh vừa nói nhỏ với tôi: «Tôi quá già trong khi cái ông già này lại quá trẻ! Con xin cha đừng đến gần con. Xin cha hôn chân giáo hoàng giùm cho con, đó là lời cám ơn của con!» Đương nhiên tôi làm công việc này cho anh thanh niên không quen biết này mà nước mắt tuôn trào: tôi hôn chân ngài và nói ‘cám ơn’ ngài.

Nguyễn Tùng Lâm dịch