Là người nghèo chứ không phải người cộng sảnAleteia, Mark Gordon, 2014-07-03
Cuộc phỏng vấn mới nhất đã dấy lên một câu hỏi khiến nhiều người Công giáo thấy rối bòng bong. Thế giới lại một lần nữa khuấy động về những lời nói Đức Phanxicô vừa nói trong một cuộc phỏng vấn trên tờ nhật báo Roma Ý, Il Messaggero, đăng ngày chúa nhật vừa qua.
Đầu tiên, Đức Thánh Cha được hỏi xem liệu có phải Tin Mừng nói nhiều đến người nghèo hơn là người giàu.
“Nghèo khó nằm ở tâm điểm của Tin Mừng,” giáo hoàng trả lời. “Bạn không thể hiểu được Tin Mừng mà không hiểu sự nghèo khó, và phải hiểu là có một sự nghèo khó cao quý hơn nữa, nằm trong lòng là: nghèo trước nhan Chúa vì Chúa sẽ lấp đầy cho bạn. Tin Mừng nói đến người nghèo và người giàu ngang nhau. Tin Mừng nói về một nghèo khó bên cạnh sung túc. Đừng hoàn toàn kết án người giàu, nhưng là lên án sự giàu có khi nó biến thành một thứ ngẫu tượng. Là thần tiền bạc, là con bò vàng.”
Nhưng rồi nhà báo hỏi giáo hoàng Phanxicô về phản ứng của ngài với một bài báo mới đây trên tờ The Economist cho rằng ngài đứng về phe “cấp tiến cực đoan” và cách nói chuyện của ngài có vẻ giống với Lênin.
“Tôi chỉ nói rằng người Cộng sản đã lấy trộm cờ hiệu,” đức Phanxicô giải thích. “Lá cờ vì người nghèo là của Kitô giáo. Nghèo khó nằm ở tâm điểm của Tin Mừng. Người nghèo là trọng tâm Tin Mừng. Hãy đọc chương 25, Tin Mừng thánh Matêô, một giao thức phán xét cho chúng ta: “Ta đói, ta khát, ta ở tù, ta đau bệnh, ta trần truồng.” Hay hãy đọc Tám mối Phúc thật, một tiêu biểu khác. Những người cộng sản nói rằng đây là tinh thần cộng sản. Và đúng thế, dù là 20 thế kỷ sau.”
Đức Thánh Cha kết luận bằng câu nói đùa: “Vậy bạn có thể nói với họ rằng: “Nhưng bạn, người cộng sản, bạn là Kitô hữu rồi đó.”
Một vài tuyển cử viên phái cánh hữu cứng rắn ở Hoa Kỳ đã lồng lên, chuyện thế nào cũng xảy ra. “ĐIÊN RỒ” là dòng tít của Jim Hoft trên tờ Gateway Pundit. Còn Rush Limbaugh tự hỏi không biết có phải giáo hoàng tuyên bố Chúa Giêsu là một người cộng sản hay không. Những phần bình luận trên trang mạng của tờ Free Republic, Washington Times, Newsmax và The American Catholic, tràn ngập những lời xúc phạm nhắm đến Đức Thánh Cha. Và còn nhiều nữa.
Vậy thì, liệu có một tư tưởng nào mà chủ nghĩa cộng sản mượn của Kitô giáo hay không? Tôi nói là có, và cụ thể là theo hai cách, và cả hai, về phương diện lịch sử, đều đóng một vai trò quan trọng trong việc lôi kéo người ta về với chủ nghĩa cộng sản.
Thứ nhất, như Đức Thánh Cha đã lưu ý, đó là quan tâm đến công lý, đặc biệt là công bằng cho người nghèo. Nữ tỳ của Chúa, bà Dorothy Day khi còn trẻ đã là một người cộng sản, bà đã viết, “Tôi đã nói rằng… đại bộ phận người Kitô hữu tư sản thiển cận, đã chối bỏ Đức Kitô trong con người nghèo khó của Ngài, và việc này đã đẩy tôi theo chủ nghĩa cộng sản.” Anh hùng bảo thủ Whittaker Chambers, trong quyển sách hệ trọng của mình, quyển Chứng cứ, cũng đã viết tương tự như thế, “những người có học trở thành một cộng sản viên chủ yếu là vì các lý do đạo đức.”
Chủ nghĩa cộng sản, cũng như tất cả các triết học thế tục và vô thần khác, nảy sinh từ một bối cảnh văn hóa khuyến khích một hệ thống đạo đức tiềm ẩn mà thậm chí những người tạo ra nó cũng không nhận thức ra được. Karl Marx sinh trưởng ở Trier, Prussian Rhineland, một vùng phần đông theo Công giáo ở Đức. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống lâu đời làm giáo sĩ, cả bên cha lẫn nêm mẹ, nhưng cha mẹ ông đã rửa tội cho ông theo Giáo hội Luther khi ông lên sáu. Dù về sau Marx tuyệt đối chối bỏ Thiên Chúa, nhưng cái khung đạo đức thời thơ ấu của ông thể hiện rõ ràng trong sự thấu cảm dành cho tầng lớp lao động đang phải chật vất đấu tranh trong một châu Âu công nghiệp hóa quá nhanh chóng. Marx thậm chí còn hiểu được vai trò của tôn giáo trong việc giúp con người đương đầu với những đau khổ trên cuộc đời này. Marx đã viết, “Đau khổ theo tôn giáo nghĩa là, cùng một lúc, vừa là biểu lộ của đau khổ thực sự và vừa là một phản kháng chống lại đau khổ thực sự. Tôn giáo là khát khao của những tạo vật bị áp bức, là tâm hồn của một thế giới vô tâm, và là linh hồn của một những thân phận vô hồn.”
Đau khổ. Áp bức. Vô hồn. Đó là những cụm từ gắn liền với một ý thức sắc sảo về công lý, và hàm chứa một trật tự đạo đức cho vũ trụ. Tất cả những chủ nghĩa khoa học giả mạo của triết học Marx, mà ông phong là “duy vật biện chứng”, không thể che dấu lời mong muốn có một trật tự đạo đức cao hơn, một sản phẩm trực tiếp từ bối cảnh Kitô giáo mà Marx đã sống và thừa kế nó. Vì lẽ này mà sử gia Arnold Toynbee đã gọi chủ nghĩa cộng sản là “di sản của Kitô giáo”, một phán định được triết gia phái Tôma, Jacques Maritain, tán đồng. Khi giáo hoàng Phanxicô hùng hồn nói với những người cộng sản rằng, “Nhưng, bạn là Kitô hữu mà,” thì đó, chính là những gì ngài muốn nói.
Cách thứ hai mà chủ nghĩa cộng sản trộm lấy lá cờ hiệu của Kitô giáo, chính là nằm ở lời hứa về một chung cục, một cực điểm của lịch sử. Với Marx, lịch sử thật dễ hiểu, là một quá trình chuyển từ nhà nước này sang nhà nước khác. Trong chủ nghĩa duy vật biện chứng, Marx tin rằng ông đã khám phá được chìa khóa để hiểu tiến trình lịch sử, và qua đó có thể vạch ra, dù ít nhất là chỉ mơ hồ, về một cực điểm nằm ở chủ nghĩa cộng sản, một cụm từ không phải muốn nói đến một hệ tư tưởng, nhưng là một nhà nước tối hậu mà Marx đã hình tượng ra.
“Không một ai có một phạm vi hoạt động riêng biệt độc quyền, nhưng mỗi người có thể trở nên hoàn thiện trong bất kỳ ngành nào mình mong muốn,” Marx đã viết như thế, mô tả chủ nghĩa cộng sản là “xã hội quy định sản xuất chung và từ đó khiến cho tôi có thể làm việc này hôm nay và việc khác ngày mai, cho tôi đi săn ban sáng, đánh cá ban chiều, nuôi gia súc ban tối, ngồi bình phẩm sau bữa ăn, chỉ cần tôi có tư duy, chứ không cần phải trở thành thợ săn, ngư dân, mục đồng, hay nhà phê bình.”
Rõ ràng có sự tương đồng giữa chủ nghĩa cộng sản ‘cái mà chúng ta có thể gọi là Vương quốc của Con người trên Mặt đất’ và ‘Vương quốc của Thiên Chúa’ của Kitô giáo. Gần như tất cả mọi điều trong khái niệm của Marx hàm chứa một âm vọng từ Thành đô Thiên quốc: hòa bình, thịnh vượng, tự viên mãn, tình huynh đệ, công bằng và yêu thương đến muôn thuở muôn đời. Tất cả mọi sự, tất nhiên, ngoại trừ một Phúc kiến, trừ phi người ta tính cả suy tư về con người dựa trên hình ảnh thiêng liêng của mình.
Chung cục theo tư tưởng của Marx đã chứng tỏ nó là một mồi nhử quá mạnh cho nhiều thế hệ Tây phương, những người kế thừa viễn tượng Kitô giáo về Thiên đàng, nhưng lại chối bỏ Thiên Chúa và Giáo hội của Ngài. Và điều này đã khơi lên một tinh thần tự hiến, đặc biệt là nơi những người cộng sản trẻ tuổi, xem mình là thánh tử đạo Kitô giáo. Whittaker Chambers đã viết, “Những người cộng sản là một phần của nhân loại, một nhân loại đã giành lại quyền sống hay chết để làm chứng cho đức tin của mình… quan điểm cộng sản là quan điểm của Con người không có Thiên Chúa. Đó là quan điểm của một tâm trí con người soán ngôi trí tuệ sáng tạo thế giới của Thiên Chúa. Đó là quan điểm của một tâm trí được giải phóng của con người, nhờ vào nguồn lực độc nhất là trí tuệ luận lý, điều hướng số phận con người và tái tổ chức đời sống con người và thế giới này.”
Để bảo vệ giáo hoàng Phanxicô khỏi những cáo buộc tới tấp của nhiều người cho rằng ngài theo chủ nghĩa Marx, người ta không cần phải viện đến những chi tiết khủng khiếp của triết học cộng sản – như việc nhổ tận gốc tính cá nhân vì tính tập thể, việc loại bỏ tư hữu và gia đình, loại bỏ những tự do căn bản nhất của con người. Người ta chỉ cần trích lại lời của Martin Luther King, Jr. người cũng đã trả lời một vấn đề tương tự như thế trong một bài giảng hồi năm 1963, với tựa đề “Liệu một Kitô hữu có thể là một người cộng sản?”
“Một Kitô hữu có thể là một người cộng sản? Tôi trả lời câu hỏi này bằng một lời dứt khoát “không”. Hai triết học này hoàn toàn trái ngược. Triết lý căn bản của Kitô giáo đối lập dứt khoát với triết lý căn bản của chủ nghĩa cộng sản, và tất cả những biện chứng của các nhà lôgic học không thể gán ghép được hai triết lý này với nhau. Đây là hai triết lý tương phản. Vậy thì, chủ nghĩa cộng sản không tương hợp với Kitô giáo đến mức nào? Trên hết, nó loại trừ Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô.”
Những người thích gắn nhãn hiệu chủ nghĩa Marx trên áo Đức Phanxicô chú ý chối bỏ lời ngài nói trong buổi phỏng vấn chúa nhật trước rằng: “Tình yêu dành cho người nghèo không phải là một sự của chủ nghĩa cộng sản, mà là một sự của Kitô giáo. Đó là lá cờ hiệu của chúng ta, và nếu chúng ta không vẫy nó, thì những người cộng sản sẽ trộm lấy nó.” Đó là lời phản biện hùng hồn đối với những lời chỉ trích giáo hoàng, mà trong đó một số còn gán ngài với những hệ tư tưởng ghê tởm như chủ nghĩa khách quan Ayn Rand, một thứ thậm chí còn thiếu ý thức công lý mà Marx đã vô tình mượn của Kitô giáo.
Những cảnh cuối trong tiểu thuyết Những Kẻ Khốn Cùng của Victor Hugô, là một sự kiện lịch sử, cuộc Nổi loạn tháng 6 năm 1832 ở Paris. Sau biến cố này, trong một học kỳ tại Đại học Sorbonne Pháp, một sinh viên Công giáo 20 tuổi đã tranh luận đầy máu lửa với các bạn học khác theo chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa vô thần. Họ buộc tội, “Giáo hội của anh chẳng làm gì để giúp người nghèo. Nó luôn luôn đứng về phe những kẻ mạnh mà chống lại kẻ yếu.”
Chàng sinh viên Công giáo đã bị chấn động bởi lần đấu khẩu này, không phải chỉ bởi anh đã nhận ra một chút mảy may sự thật nào trong những lời của họ. Anh đã nhận thức được sự thiếu gắn bó với người nghèo của Giáo hội, sự ủng hộ dành cho những định chế áp bức, Giáo hội Pháp đã mở rộng cánh cửa cho những triết học xa lạ lợi dụng đạo đức luân lý Kitô giáo nhưng lại loại trừ Thiên Chúa. Chàng sinh viên đã kể lại chuyện này với một vài bạn thân của mình, và cùng nhau họ quyết tâm nhận lấy thử thách mà những người theo chủ nghĩa xã hội đã đưa ra, quyết tâm lấy lại lá cờ hiệu đã bị trộm mất, lá cờ của tình yêu thương dành cho người nghèo.
Chàng sinh viên ấy tên là Frederic Ozanam, đấng sáng lập dòng Vinh Sơn (Vincent de Paul).
Đó, chính là cách bạn xử trí với những người cộng sản.
Mark Gordon là thành viên của PathTree, một hãng tham vấn tập trung vào các chiến lược và nhảy vọt có tính tổ chức. Ông cũng làm việc với tư cách chủ tịch của Dòng Vinh Sơn (Vincent de Paul) giáo phận Providence, của nhà cho những người vô gia cư, phát thức ăn cứu tế. Mark là tác giả quyển 40 ngày, 40 ân sủng: Các bài viết nhờ chuyến hành hương tri ân. Ông và vợ là Camila đã kết hôn được 30 năm và có hai con đã trưởng thành.
J.B. Thái Hòa dịch