Trao truyền đức tin dựa trên gươngTuổi thơ của Chúa Kitô, Gerrit Van Honthorst (1620).
la-croix.com, Fanny Cheyrou, 2-10-2014
Nhân dịp Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình sắp diễn ra tại Rôma, La Croix điểm lại giáo điều của Giáo hội và các vấn đề mục vụ liên quan.
Từ lâu đức tin được xem như một di sản tự nhiên truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, nhưng bối cảnh xã hội văn hóa ngày này đã xô đẩy cách trao truyền này và làm cho nó thành một trong những thách thức lớn của Giáo hội ngày mai.
Đức tin trước hết là một chọn lựa
“Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận” (1 Co 15, 3): dựa theo truyền thống Do Thái, thánh Phaolô cho thấy bản chất đặc biệt của đức tin là ở cùng một hành động: từ nhận qua trao truyền. Ngày nay cũng vậy, theo truyền thống đạo Công giáo, người tín hữu không giữ Lời Chúa cho riêng mình. Trái lại, Giáo hội còn dành riêng một chỗ thiết yếu cho khoa dạy về đức tin, cho các cấu trúc trao truyền và khai tâm đạo dựa trên căn bản là học giáo lý và các sứ vụ khác nhau.
Ngày nay, đề xuất cho đức tin khơi nguồn từ sự trao truyền.
Giám mục Pierre-Marie Carré, Tổng giám mục địa phân Montpellier và phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp nhấn mạnh, “Phải có một ngày, tất cả những người cảm nhận mình muốn tìm hiểu Kitô giáo, họ có thể học được để chọn cho mình đạo mà mình mong muốn. Trong một xã hội phóng khoáng, chưa bao giờ con người lại quay về cá nhân mình như bây giờ, phải chấp nhận rằng đức tin nêu lên sự chọn lựa của mỗi người và đó là sự dấn thân hoàn toàn tự do. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng thành công. Các cha mẹ thường có mặc cảm tội lỗi khi thấy con cái mình xa Chúa. Dù không có một công thức huyền diệu nào, đức tin cũng giống như tất cả mọi cuộc gặp gỡ: nếu không tìm thấy là vì không vun trồng.”
Từ một đức tin di sản đến một đức tin cần xây dựng: điểm ngoặc Tháng Năm 68
Cho đến các năm 1970, “có đạo là giữ các giá trị và theo đạo của cha mẹ”, ông Joël Molinario giải thích, ông Molinario là tân giám đốc Viện Mục vụ Giáo lý Cao cấp ở Pháp (Institut supérieur de pastorale catéchétique, ISPC). Đức tin trao truyền như một di sản, từ thế hệ này qua thế hệ khác.
“Nhưng tiến trình này gặp phải bước ngoặc Tháng Năm 68, bước ngoặc đưa đến khủng hoảng di sản và quyền uy, và công thức ‘tôi tự xây cái tôi tin’ dần dần nổi trội lên,” ông Molinario nói tiếp.
Giám mục Pierre-Marie Carré bổ túc thêm, “Về mặt văn hóa, nước Pháp mạnh về mặt phê phán. Ngược với một vài nước Á châu như ở Việt Nam, trong lãnh vực đức tin, mọi chuyện không tự nó xuất phát.”
Thư của các giám mục gởi tín hữu Công giáo Pháp năm 1996 đã báo trước các hệ quả của hiện tượng này, trong buổi họp Khoáng đại các giám mục ở Lộ Đức, các giám mục đã nêu ra: “Tình trạng hiện nay buộc phải có biện pháp với việc canh tân đức tin và với kinh nghiệm sống đạo Kitô. Chúng ta không còn có thể dựa trên di sản dù nó có phong phú đến như thế nào. Chúng ta phải dón nhận ơn Chúa trong những điều kiện mới và cùng một lúc canh tân lại điểm bắt đầu của công việc Phúc Âm hóa: đó là đề xuất đơn giản và dứt khoát của Phúc Âm Chúa Kitô.”
Năm 2006, trong Bản văn Quốc gia nhằm định hướng việc dạy giáo lý ở Pháp, các giám mục đã kêu gọi khai tâm đức tin trong một xã hội mà đa số người lớn đặt câu hỏi: “Là tín hữu Kitô là như thế nào?” Ngày nay giáo lý trả lời là “dẫn đến Chúa Kitô” trong mục đích là làm “Lời Chúa vang lên”.
Gia đình, nơi chính yếu để trao truyền đức tin
Trao truyền, xây dựng trên Phúc Âm, được truyền bằng lời nhưng nhất là nó đòi hỏi được truyền bằng một đức tin sống động và một kinh nghiệm với Chúa được đổi mới qua lời cầu nguyện. “Trao truyền đức tin không phải là lắng nghe bằng trí óc, ông Molinario giải thích. Trao truyền đức tin là mở một cánh cửa để Lời Chúa làm việc trong tâm hồn của mỗi con người. Giáo hội tạo điều kiện để gặp Chúa và mọi người đều có thể làm được.”
Ngày 24-11-2013, trong Tông huấn kết thúc Năm Đức tin, Đức Phanxicô đã mời gọi tín hữu Công giáo trên toàn cầu nối lại với “nguồn gốc tươi mát của Phúc Âm, bằng cách tìm ra những con đường mới, những phương pháp sáng tạo”, đừng khép Đức Giêsu trong những “mô hình chán nản”.
Trong phần giáo dục tôn giáo, Đức Gioan-Phaolô II đã nhấn mạnh vai trò “không thể thay thế” của gia đình, nơi đầu tiên trao truyền các giá trị truyền thống, nơi con người nhận các giá trị, các phương cách suy nghĩ và các khái niệm. Năm 1994, trong Thư gởi cho gia đình, ngài viết: “Giáo dục tôn giáo và giáo lý cho trẻ em là chỗ đứng của gia đình trong Giáo hội, là mục tiêu đích thực, năng động để Phúc Âm hóa và làm việc tông đồ. Các cha mẹ, qua gương sống của mình, là những người bảo vệ đầu tiên của Phúc Âm cho con cái mình.”
Vậy quan trọng là giao một tầm quan trọng cho gia đình khi họ đến xin rửa tội cho con cái mình. Giáo luật đưa ra các nguyên tắc rất chính xác: “Các cha mẹ có con được rửa tội cũng như các cha mẹ đỡ đầu, phải hiểu thế nào là ý nghĩa của bí tích này và những đòi hỏi của nó.” Mặt khác, các cha mẹ phải – “ít nhất là một trong hai” – đồng ý cho con rửa tội và phải mang “hy vọng rằng con cái sẽ được giáo dục theo tinh thần Công giáo”.
Một xã hội ngày càng phân mãnh
Trao truyền đức tin nhưng không tách ra khỏi các thách thức của thế gian này. “Mỗi gia đình có cách riêng của mình để xử lý sự việc”, giám mục Pierre-Marie Carré ghi nhận. Ngày nay, trong một xã hội ngày càng có nhiều cặp vợ chồng đơn thân, pha trộn, các gia đình bung ra và tái hợp, thách thức là giữ các gia đình hiện đại này trong tính đa dạng của nó và làm sao để họ có một căn tính theo một cách nào đó trong Giáo hội:
“Đức tin không được giao đến như một kiện hàng, không có gì là bảo đảm. Một người cha, một người mẹ không cần phải tuyệt hảo để mang tình yêu, cái đẹp, cái tốt đến cho con cái. Tất cả là ở nơi cách sống ngay thẳng và khiêm tốn, trước mặt Chúa và trước mặt trẻ con. Dù cha mẹ có ở trong một tình trạng hôn nhân nào đi nữa, thì họ cũng phải vừa công chính vừa là người có tội.”
Marta An Nguyễn dịch