Hoài nghi có phải là mất đức tin?
Linh mục Tomas Halik và linh mục Anselm Grün
Khi người công giáo khám phá kinh nghiệm của vô thần.
fr.aleteia.org, Jules Germain, 2016-12-23
Những người tin họ có ở trên con đường tốt không? Quan điểm của họ về tôn giáo có mối dây liên hệ với kinh nghiệm cá nhân. Đó là một kinh nghiệm lạ lùng khi người công giáo cao siêu lỗi lạc bỗng khám phá kinh nghiệm vô thần.
Linh mục Dòng Bênêđictô Anselm Grün, tác giả của nhiều sách thiêng liêng bán chạy trên thế giới đã thố lộ: “Trong lòng tôi vừa có đức tin vừa có một phần không tin. Phần không tin làm cho tôi bao dung hơn, giúp tôi hiểu những người không cùng chia sẻ đức tin của tôi hơn”. Lời thố lộ này có thể làm bối rối: làm sao một linh mục có hàng triệu độc giả lại có thể không hoàn toàn xác quyết vào đức tin?
Theo linh mục Anselm Grün hiểu đức tin như một người vô thần lại là một điểm lợi: “Như thế tôi có thể dễ dàng nói chuyện với những người không tin và đặt vấn đề với họ, làm cho họ cảm nhận sự hiện diện của Chúa”. Tác giả Anselm Grün vừa viết một quyển sách mới với nhà thần học Tomas Halik, linh mục giáo sư khoa xã hội học, quyển sách có tên Bị tách ra khỏi Chúa, khi đức tin và không tin gặp nhau (Être séparé de Dieu – Quand la foi et l’incroyance se rencontrent). Linh mục Tomas Halik tin chắc ‘không tin’ cũng có một phần sự thật của chính nó: “Một chủ nghĩa vô thần có tính phê phán có thể thanh tẩy các hình thức tôn giáo quá ngây ngô và sai lầm. Phải gặp loại vô thần này, vượt lên nó và thấm nhập vào đức tin để làm cho đức tin mạnh hơn.
Linh mục, bất chấp các trở ngại
Cuộc đời của linh mục Halik thì thật đặc biệt, đầu tiên hết cha đối diện với chủ nghĩa vô thần. Sinh tại Tiệp năm 1948 trong một gia đình trí thức và không có đạo, cha đọc Thánh Kinh như đọc huyền thoại Hy Lạp: đó là một phần trong kiến thức tổng quát. Sau đó lên đại học, cha học triết lý, xã hội học và tâm lý học. Nhưng có một khía cạnh khác trong cha: khía cạnh của một con người tu sĩ: “Tôi đặt lại rất mạnh vấn đề bất khả tri của gia đình tôi, tôi nghi ngờ và càng nghi ngờ nhiều thì tôi lại nghi ngờ chính cái nghi ngờ của tôi.”
Vì trong những năm 70 nước Tiệp ở dưới chế độ cộng sản, nên cha không thể vào chủng viện để thành linh mục, cha học thần học và sau đó cha chịu chức ‘chui’: “Ngay cả mẹ tôi cũng không biết tôi là linh mục”. Cha là chuyên gia tư vấn, đặc biệt với các bệnh nghiện rượu, nghiện ma túy. Cha dâng thánh lễ ‘chui’ bất chấp các biện pháp kiểm soát của chế độ cộng sản.
Các người Tiệp muốn tin vào một cái gì nhưng họ xa đức tin kitô giáo
Bây giờ linh mục Halik là giáo sư khoa xã hội học của Đại học Praha. Cha biết hai môi trường: một môi trường rất lớn là môi trường của những sinh viên không có tôn giáo và môi trường kia là các kitô hữu bám rễ đức tin sâu đậm vào Chúa Giêsu Kitô. Tuy nhiên cha thấy một sự quay về với tôn giáo trong thế giới thế tục này: “Nhưng không phải là sự quay về với tôn giáo truyền thống, họ đi tìm một tôn giáo đã được biến đổi”.
Đã có một vài định hướng tôn giáo biến đổi qua thành ý thức hệ chính trị. Một mặt khác, chúng ta gặp rất nhiều người không muốn có một tôn giáo nhưng họ lại quan tâm đến con đường thiêng liêng. Linh mục Halik giải thích: “Có một số rất lớn người đi tìm, nhưng họ ít tìm ra được người đối thoại”. Linh mục đã rửa tội cho 1300 người lớn ở Tiệp. Ngài xác quyết có nhiều cơ cấu cần phát triển để đáp ứng nhu cầu sâu xa được biết và khám phá Chúa, “nhưng khi những người này đi tìm, thì chúng ta không thể chỉ đến đề nghị cho họ một vài cơ sở duy nhất của sự thật: phải tham dự vào việc đi tìm bên cạnh họ”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch