Thói ghen tương, đố kỵ, ngồi lê đôi mách gây chia rẽ và hủy hoại các cộng đoàn kitô hữu

653

Radio Vatican, Bài giảng của Đức giáo hoàng tại Nhà Nguyện Thánh Marta, 23-01-2014

Kitô hữu phải ngăn chận thói ghen tương, đố kỵ, ngồi lê đôi mách, đó là những lý do gây chia rẽ và hủy hoại các cộng đoàn Kitô hữu. Đức giáo hoàng nhấn mạnh vấn đề này trong bài giảng thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Marta sáng thứ năm vì hôm nay là ngày thứ sáu trong tuần cầu nguyện cho hiệp nhất Kitô giáo và sẽ kết thúc vào chiều thứ bảy được chính Giáo hoàng chủ trì tại Vương cung Thánh đường thánh Phaolô ngoại thành.

Trong bài giảng, ngài suy niệm về bài đọc một, nhắc lại chuyện dân Itraen thắng dân Philistin nhờ vào hành động dũng cảm của chàng trai trẻ Đavid. Nhưng niềm vui thắng trận của vua Saul chuyển qua buồn bực và ghen tức khi ông thấy phụ nữ ca hát nhảy mừng chiến tích diệt Goliath của Đavid. Như thế, “chiến thắng vĩ đại đó trở nên một thất bại trong lòng vua Saul”, và cũng như Cain, “con sâu ghen tương và đố kỵ” bắt đầu len lỏi vào tâm hồn ông. Một lần nữa, giống như câu chuyện của Cain và Abel, vua Saul quyết định giết Đavid. Giáo hoàng nhận định, “đó là do tính ghen tương gây nên trong lòng chúng ta. Nó là nỗi bồn chồn hủy hoại do không thể chấp nhận việc người khác có những gì mình không có.” Saul, “thay vì vinh danh Chúa như các phụ nữ  Itraen mừng chiến thắng thì ông lại co cụm lại, than thân và cảm thấy cay đắng.”

Ghen tỵ dẫn đến sát nhân. Đố kỵ dẫn đến giết người. Chính qua cánh cửa đó, cánh cửa ghen tỵ mà ma quỷ tràn vào thế gian. Ghen tương và đố kỵ mở ra cánh cửa cho tất cả mọi xấu xa… Và chúng gây chia rẽ cộng đoàn.”

Giáo hoàng nhắc nhở chúng ta, khi một số thành viên trong cộng đoàn kitô hữu ở dưới trướng của ghen tương và đố kỵ, thì cuối cùng, cộng đoàn đó “kết thúc trong chia rẽ, người này chống người kia.” Và “đây là thứ độc dược chết người – loại độc dược chúng ta thấy từ trang đầu tiên viết về Cain trong Kinh thánh.”

Giáo hoàng Phanxicô tiếp tục nói, “rõ ràng có hai điều trong lòng của người ghen tương đố kỵ.”

Điều thứ nhất là chua cay, “người đố kỵ ghen tương là người chua cay, họ không biết cất tiếng hát, không biết dâng lời chúc tụng, và cũng chẳng biết niềm vui là gì.” Dạng người này luôn nhìn thấy những gì người khác có mà mình không có. “Và điều này dẫn đến tình trạng chua cay, một tình trạng lây lan khắp cộng đoàn.” Họ là những “hạt giống chua cay.”

Điều thứ hai là thích đồn đãi. Họ không thể chịu nổi việc thấy người khác có những gì mình hằng ao ước, họ chọn “giải pháp hạ người kia xuống để mình được nâng lên, và họ thường dùng lối ngồi lê đôi mách để làm.” Ẩn sau mọi lời đồn đãi, “có sự ghen tương và đố kỵ. Và thói ngồi lê đôi mách gây chia rẽ cộng đoàn, hủy hoại cộng đoàn. Lời đồn đãi chính là vũ khí của ma quỷ.”

Giáo hoàng khẳng định, “biết bao cộng đoàn kitô đầy thiện chí, cùng nhau xây dựng,” nhưng rồi bị chia rẽ và hủy hoại vì một thành viên trong đó để “con sâu ghen tương và đố kỵ” len lỏi vào trong lòng mình. Cùng với nó, là kéo theo “buồn bực, phẫn uất, ngồi lê đôi mách.” Theo ngài, người đầy lòng ghen tương và đố kỵ là người “gây chết chóc.”

Kết thúc bài giảng, đức giáo hoàng mời người tham dự lễ cầu nguyện cho “các cộng đoàn kitô đừng để hạt giống ghen tỵ gieo vào cộng đoàn, đừng để cho đố kỵ bắt rễ trong lòng chúng ta, trong lòng cộng đoàn chúng ta, và nguyện xin Chúa cho chúng ta có thể tiến tới tôn vinh danh Chúa với tấm lòng hân hoan. Đó là một ơn trọng, ơn không bị chìm vào buồn bực, phẫn uất, ghen tương và đố kỵ.”

J.B. Thái Hòa dịch