Mối nguy của Ngôn sứ Chiến binh
Ronald Rolheiser, 21 Tháng Mười Một 2016
Ngôn sứ là người mang lời thề yêu thương chứ không phải ghẻ lạnh. Daniel Berrigan đã viết những lời này, và thời nay chúng càng cần được nêu bật trong một thời mà nhiều người theo đạo dấn thân chân thành, tự nhận mình là những chiến binh văn hóa, những ngôn sứ giao chiến với nền văn hóa thế tục.
Đây là lập trường của nhiều chủng sinh, linh mục, giám mục và nhiều phái Kitô giáo thời nay. Đấy câu khẩu quyết trong nhóm “Quyền Tôn giáo” và trong nhiều chủng viện Công giáo La Mã. Với quan điểm này, văn hóa thế tục bị xem là thế lực tiêu cực đe dọa đức tin, luân lý, tự do tôn giáo, và giáo hội của chúng ta. Văn hóa thế tục, nhìn chung bị xem là bài Kitô giáo, bài giáo hội, bài giáo sỹ, và những lề lối của nó được xem là bảo vệ tất cả mọi người trừ các Kitô hữu. Những chiến binh văn hóa này càng lo ngại hơn khi họ thấy nền văn hóa của chúng ta đang trượt ngày càng xa dần gốc rễ Do Thái – Kitô giáo. Họ tin rằng, trước chuyện này, các giáo hội phải cảnh giác cao độ, thủ thế, và sẵn sàng chiến đấu.
Xét phần nào, thì họ đúng. Có những tiếng nói và phong trào trong văn hóa thế tục đe dọa một số điều thiết yếu trong đời sống đức tin và luân lý của chúng ta, như đã thấy trong vấn đề phá thai và mối nguy “trượt dốc.” Nhưng thực tế thì khác hẳn với thái độ thủ thế này. Văn hóa thế tục, với tất cả sự ái kỷ, tự do giả tạo, và hời hợt của nó, cũng mang trong mình những giá trị Kitô giáo cốt lõi thách thức chúng ta sống những nguyên tắc của mình một cách sâu sắc hơn. Hơn nữa, những vấn đề chúng thách thức chúng ta không phải là những vấn đề nhỏ. Văn hóa thế tục, với hình thái đẹp nhất của mình, là một thách thức cho tất cả mọi người trên thế giới phải nhạy cảm hơn và có luân lý hơn khi đối mặt với sự bất bình đẳng kinh tế, vi phạm nhân quyền, chiến tranh, kỳ thị chủng tộc và giới tính, cũng như việc tàn phá tự nhiên vì những lợi ích ngắn hạn. Thiên Chúa cũng lên tiếng trong nền văn hóa thế tục.
Tính ngôn sứ Kitô giáo phải thấy điều này. Văn hóa thế tục không phải là phản Kitô. Xét tận cùng, nó có gốc rễ Do Thái- Kitô giáo và đã được ghi khắc không phai trong cốt lõi những giá trị trung tâm của Do Thái -Kitô giáo. Như thế, những chiến binh văn hóa cần phải cẩn thận đừng để mình bị mù quáng khi đấu tranh vì sự thật, công lý, bình đẳng và sự nguyên vẹn của tạo vật. Chúng ta quá thường có một cách tiếp cận phân cực, và cuối cùng là lấy những sự Thiên Chúa mà đối chọi nhau.
Một ngôn sứ phải phê phán bằng tình yêu, lòng cảm thông cho những người mà mình đang lên tiếng thách thức. Hơn nữa, như lời của Gustavo Gutierrez, những lời thách thức của chúng ta phải phát xuất từ lòng biết ơn hơn là giận dữ, dù cho sự giận dữ đó có lý lẽ tốt đến thế nào đi chăng nữa. Giận dữ lao vào những người không đồng ý với chúng ta bằng những lời lẽ hùng hồn đầy thù hằn, và thắng những tranh luận đầy cay đắng, đôi khi gây được tác động về mặt chính trị. Nhưng tất cả những điều này về lâu dài là một sự triệt tiêu, bởi chúng làm chai đá hơn là mềm đi tâm hồn con người. Sự hoán cải thật sự chẳng bao giờ có thể đến qua sự đàn áp, dù là về thể lý hay tri thức. Tâm hồn chỉ thay đổi khi được tình yêu chạm đến.
Chúng ta đều biết cảm nghiệm này. Chúng ta chỉ thật sự chấp nhận một sự thách thức mạnh mẽ để làm điều gì đó trong đời nếu như chúng ta biết rằng, thách thức này là từ một người yêu thương chúng ta, và yêu thương đủ để quan tâm đến chúng ta một cách sâu sắc như thế này. Chỉ có điều này mới làm mềm đi tâm hồn chúng ta. Còn mọi thách thức khách chỉ làm chai cứng tâm hồn. Vậy nên trước khi có thể nói lên lời thách thức ngôn sứ với nền văn hóa của mình, trước hết chúng ta phải để người ta thấy chúng ta yêu thương họ, và yêu thương đủ để quan tâm họ sâu sắc như thế này. Nhưng tiếc thay, chuyện này lại không thường xảy ra. Nền văn hóa chúng ta không cảm nhận hay tin tưởng rằng chúng ta yêu thương họ, và tôi tin chính điều này, hơn tất cả mọi lý do khác, khiến cho thách thức ngôn sứ của chúng ta trở nên vô dụng và thậm chí là phản tác dụng trong thời nay.
Tính ngôn sứ của chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu. Khi đến thành phố Jerusalem, không lâu trước khi chịu tử nạn, biết rằng dân thành này chuẩn bị giết Ngài, Chúa Giêsu đã khóc. Nhưng những giọt nước mắt không phải là khóc cho Ngài, không phải khóc vì Ngài đúng và họ sai. Nhưng Chúa Giêsu khóc cho họ, cho từng người chống đối Ngài, từng người sẽ giết Ngài và sa ngã vì điều đó. Ngài không vui sướng khi họ sa ngã, nhưng Ngài chỉ có một niềm cảm thông, đau buồn, yêu thương dành cho họ, chứ không phải cho mình.
Cha Larry Rosebaugh OMI, là bạn đồng dòng với tôi, người đã dành cả đời linh mục để đấu tranh cho hòa bình và công lý, rồi bị bắn chết ở Guatemala. Cha đã kể lại rằng, cha đã dành cả đêm cầu nguyện và đến sáng, cha bước ra tuần hành không bạo lực để phản đối bộ luật bất công, rồi bị bắt. Daniel Berrigan đã viết lại chuyện này: “Nếu không thể làm việc này mà trong lòng không giận dữ với những người chống đối bạn, thì bạn đừng làm. Đây phải là một hành động yêu thương.”
Ngôn sứ phải là một hành động yêu thương, nếu không nó chỉ đơn thuần là sự ghẻ lạnh.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch