Đêm tối Linh hồn?

736

Đêm tối Linh hồn?

Ronald Rolheiser, 14 Tháng Mười Một 2016

Chủ nghĩa vô thần là ký sinh trên một tôn giáo xấu. Đấy lý do vì sao, xét cho cùng, những phê phán của chủ nghĩa vô thần lại là bạn của chúng ta. Những lời đó giữ chúng ta cảnh giác.

Chẳng hạn như, Friedrich Nietzsche, Ludwig Feuerbach, và Karl Marx, cho rằng mọi cảm nghiệm tôn giáo xét cho cùng chỉ là phóng chiếu tâm lý. Với họ, Thiên Chúa chúng ta tin và nền tảng cho giáo hội của chúng ta, xét cho cùng, chỉ đơn thuần là một tưởng tượng mà chúng ta tạo ra để phục vụ nhu cầu của mình. Họ nói rằng chúng ta tạo ra Thiên Chúa như thuốc phiện êm dịu và cho mình sự phê chuẩn thần thánh để làm điều ta muốn.

Họ đúng, nhưng lại sai, và điểm sai của họ là về nền tảng của tôn giáo đích thực. Phải thừa nhận, họ đúng khi nói rằng nhiều cảm nghiệm tôn giáo và đời sống trong đời sống chúng ta rõ ràng là không, rất không nguyên tuyền. Thật khó để thừa nhận rằng chúng ta luôn mãi đem những tham vọng và khí lực của mình trộn lẫn với điều mà chúng ta gọi là cảm nghiệm tôn giáo. Đấy là lý do vì sao chúng ta quá thường xuyên là những con người mộ đạo, nhưng lại hoàn toàn chẳng hướng về Thiên Chúa. Chúng ta ngông cuồng khi đáng ra phải khiêm nhượng, phán xét khi phải tha thứ, thù hận khi phải yêu thương, ích kỷ khi phải vị tha, và hằn học xấu xa khi phải thông hiểu cùng thương xót. Cuộc sống và giáo hội của chúng ta thường không chiếu tỏa Chúa Giêsu. Chủ nghĩa vô thần là một thách thức cần thiết, bởi chúng ta quá thường xuyên trộn lẫn xung lực đời mình với Thiên Chúa, đem những hệ tư tưởng của mình xáo lẫn với Phúc âm.

May thay, Thiên Chúa không để chúng ta yên ổn với việc đó quá lâu. Thiên Chúa cho chúng ta một ơn hoang mang và đau đớn, là đêm tối linh hồn. Trong đêm tối linh hồn, chúng ta kiệt quệ lòng đạo, cảm nghiệm tôn giáo một thời nâng đỡ cho chúng nhiệt thành giờ khô cạn khiến chúng ta không còn tưởng tượng, xúc động, hay ý thức cảm xúc về tình yêu hay sự hiện hữu của Thiên Chúa. Dù chúng ta có cố gắng thế nào cũng không thể gợi lên lại những cảm giác và hình tượng từng có về Thiên Chúa cũng như sự bảo đảm mà chúng ta từng cảm thấy về đức tin và niềm tin tôn giáo của mình. Thiên đàng như trống rỗng, và trong lòng chúng ta cảm thấy không thể nhận thức được gì, như thể Thiên Chúa không hiện hữu, và ta cũng không thể tạo ra một hình ảnh Thiên Chúa từng một thời rất thật với ta. Chúng ta trở nên tuyệt vọng khi cố khơi lên một ý thức về Thiên Chúa.

Nhưng đấy chính là khởi đầu của đức tin đích thực. Trong đêm tối đó, khi chẳng còn gì nữa, khi cảm thấy như không có Chúa, thì Thiên Chúa bắt đầu đi vào chúng ta một cách nguyên tuyền. Bởi những chức năng tôn giáo trong chúng ta bị tê liệt, nên chúng ta không còn có thể lạm dụng cảm nghiệm của mình về Thiên Chúa, không còn lạm dụng phóng chiếu bản thân vào hình ảnh Thiên Chúa, hay dùng lòng đạo để lập luận sự phê chuẩn thần thánh cho hành động của mình. Đức tin đích thật bắt đầu từ chính lúc những phê phán vô thần nghĩ rằng mình đã thành công, là chính sự tối tăm và trống rỗng, trong sự bất lực của lòng đạo, trong sự vô lực để tác động lên cách Thiên Chúa đi vào chúng ta.

Chúng ta thấy rõ điều này trong đời sống của Mẹ Teresa. Trong nhật ký của Mẹ, trong 27 năm đầu đời, mẹ có một nhận thứ sâu sắc đầy hình tượng và sốt mến về Thiên Chúa trong đời mình. Mẹ sống với một niềm xác tín sắt đá về sự hiện hữu và tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng đến tuổi 27, khi đang cầu nguyện trên tàu hỏa, như thể có ai đó đã gạt công tắc đường dây kết nối với Chúa của mẹ. Trong tưởng tượng và cảm giác của mẹ, thiên đàng trống rỗng. Thiên Chúa mà mẹ biết trong nhận thức và cảm giác, đã biến mất.

Nhưng chúng ta biết câu chuyện theo như thế nào. Mẹ sống tiếp 60 năm còn lại trong một đức tin xây trên đá, và đã sống dấn thân quên mình khiến không một lời chỉ trích vô thần nào có thể cáo buộc cảm nghiệm tôn giáo của mẹ là nảy sinh từ sự phóng chiếu bản thân ích kỷ hoặc nói việc hành đạo của mẹ không nguyên tuyền. Trong đêm tối lòng đạo của mẹ, Thiên Chúa có thể đồ tràn vào mẹ một cách nguyên tuyền, chứ không như nhiều người chúng ta với đời sống đức tin rõ ràng nằm ở một niềm tin ích kỷ.

Ngay cả Chúa Giêsu khi làm người, cũng phải trải qua đêm tối này, như lúc Ngài ở trong Vườn Cây Dầu và than khóc vì bị bỏ rơi và sợ thập giá. Sau cơn thống khổ trong Vườn Cây Dầu, một thiên thần đến và tăng sức cho Ngài. Chúng ta sẽ hỏi, tại sao thiên thần không đến sớm hơn, lúc Ngài đang cần giúp đỡ nhất? Sự giúp đỡ của Thiên Chúa không thể đến nếu Chúa Giêsu không vắt kiệt sức lực của mình, nhân tính của Chúa Giêsu không để cho sinh lực thiêng liêng đổ vào một cách nguyên tuyền nhưng lại chăm chăm vào cảm nghiệm. Chúa Giêsu phải dùng hết sức lực của mình, rồi sinh lực thiêng liêng mới có thể đổ vào cách thật sự và nguyên tuyền. Và chúng ta cũng vậy.

Những đêm tối đức tin cần thiết để tẩy sạch chúng ta, bởi chỉ như thế thiên thần Chúa mới đến để giúp chúng ta.

 

J.B. Thái Hòa chuyển dịch