Gốc rễ tôn giáo của thành phố Montréal, Canada

453

la-croix.com, Jean-Claude Raspiengeas (Montréal, Québec), 2017-01-08

Năm 2017 là năm «thành phố của trăm nóc chuông» mừng lễ kỷ niệm 375 năm thành lập thành phố, một sự thành lập dính liền với chương trình phúc âm hóa. Và đây cũng là dịp lý tưởng để thăm thành phố gắn liền với gốc rễ Pháp này.

Đất đai rộng mênh mông nhưng ít lịch sử. Đó là định nghĩa thu gọn của Québec, và nói rộng ra là của nước Canada, minh họa cho các buỗi lễ kỷ niệm 375 năm thành lập thành phố Montréal, lễ mừng sẽ kéo dài suốt năm 2017. Ngày 17 tháng 5, năm 1642, Paul de Chomedey, Ngài de Maisonneuve, 29 tuổi đặt chân đến Hochelaga. Cùng đi với ông là bà Jeanne Mance, một nữ y tá vùng Langres, người đàn bà duy nhất trong thế giới đàn ông cho đến năm 1659 khi các Nữ tu Dòng Tiếp Đón từ La Flèche đến.

Năm 1645, bà xây dựng ngay bệnh viện đầu tiên. Khi đó chỉ có một phụ nữ trên mười ông, nên từ năm 1663 đến 1673, vua Lui XIV bổ túc sự thiếu quân bình này bằng cách gởi khoảng 800 em bé gái mồ côi để tăng dân số cho vùng thuộc địa hứa hẹn này. Ngày nay, tất cả người Québéc vùng nói tiếng Pháp xem mình như hậu duệ của «Các con gái của Vua, Filles du Roy».

Dấu ấn của các tu sĩ Xuân Bích

Sự thành lập thành phố Montréal hoàn tựu dự án sùng kính của giới thượng lưu Pháp, muốn phúc âm hóa các người dân tộc thiểu số Amérindien. Dự án của vua Lui XIII, Ngài Maisonneuve và bà Jeanne Mance, hai người tiên phong được Jérôme Le Royer, Nam tước de La Dauversière uỷ nhiệm. Qua các thị kiến thần nghiệm, Chúa Quan Phòng bảo ông gởi các cộng đoàn tôn giáo đến bờ Đại dương bên kia. Năm 1657, các tu sĩ Dòng Xuân Bích đến như các kỹ sư và kiến trúc sư. Là bá chủ thành phố Montréal, họ áp đặt dấu ấn không lay chuyển của họ trên nhiều nhà dòng. Chủng viện của họ là tòa nhà xưa cổ nhất thành phố.

Lần theo lịch sử

Kiến trúc các nhà thờ mang đậm nét Âu châu. Các con đường ở phố Cổ Montréal đều mang tên các thánh. Trên đỉnhï núi Royal nhìn xuống thành phố có cây thánh giá rất lớn, đèn lóng lánh nhắc lại nguốn gốc của thành phố. Sau nhiều trận lụt tàn phá thành phố năm 1643, ông Maisonneuve hứa, nếu lời cầu nguyện cứu được người dân thì ông sẽ đích thân dựng thánh giá trên núi cao. Tượng thánh giá này thấy rõ cả ban đêm đã là một trong các biểu tượng của thành phố Montréal.

Đền thánh Giuse, di sản của Sư huynh Anrê

Phía bên kia triền núi là Đền thờ Thánh Giuse, nơi hàng năm có khoảng hai triệu giáo dân hành hương đến cầu nguyện, hàng ngàn người quỳ gối trên các bậc thang bằng đá để lên nhà thờ. Họ tạ ơn Sư huynh Anrê (được phong thánh năm 2010), người giữ cổng không biết chữ của Trường Đức Bà, sư huynh bị bệnh và ốm yếu gầy còm. Rất nhiều phép lạ của sư huynh được Vatican công nhận, được chứng qua cả rừng chiếc nạng được để lại.

Sư huynh Anrê tiếp trong văn phòng khiêm tốn của thầy gần 200 người đến xin ơn mỗi ngày cho đến khi thầy kiệt sức. Tháng 1 năm 1937, tang lễ của Sư huynh nhằm vào mùa đông, có cả triệu người sắp hàng chờ viếng xác thầy trong vòng sáu ngày sáu đêm.

Linh mục Claude Grou giám đốc Đền thánh Giuse giải thích: «Tất cả các gia đình ở Québec đều có một câu chuyện để kể về Sư huynh Anrê. Họ đến đây để tưởng niệm và cầu nguyện. Sự tiếp đón không điều kiện dành cho giáo dân đến đây là trung thành theo tinh thần và di sản của Sư huynh Anrê. Đền thờ vẫn là nơi thiêng liêng, chứng tá cho sự hiện diện của tôn giáo ở trong một thành phố hiện đại và tứ xứ. Rất nhiều người sống thật đau khổ, họ khép kín trong tâm trạng cô đơn. Họ cần được bình an và yên tịnh.»

«Thành phố của trăm nóc chuông»

Trên đại lộ René-Lévesque, Nhà thờ chính tòa Nữ Vương Toàn Cầu thu hút sự chú ý. Được ông Victor Bourgeau người Québec xây năm 1875, nhà thờ này là sao y nguyên bản Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma.

Vào thế kỷ 19, văn hào Mỹ Mark Twain đã viết: «Montréal là thành phố duy nhất mà người ta không thể quăng hòn đá mà không đụng cửa sổ của một nhà thờ.» Sau cuộc «Cách mạng thầm lặng» của những năm 1960, đa số các nhà thờ đã được bán, chuyển sang thành những căn hộ sang trọng, thư viện hay phòng tắm hơi. Tuy nhiên cho đến năm 2017, nguốn gốc tôn giáo của «thành phố của trăm nóc chuông» vẫn còn thấy rõ. Trong lần kiểm tra dân số cuối cùng, 63 % dân số của thành phố Montréal vần còn cho mình là tín hữu công giáo.

Mừng lễ

Thành phố sẽ mừng lễ kỷ niệm 375 năm thành lập thành phố suốt năm với nhiều buổi trình diễn văn hóa nghệ thuật, nhấn mạnh đến nét đẹp, tính sáng tạo, sức sống của thành phố. Năm mừng lễ này trùng với 50 năm Triển Lãm Expo 67, một sự kiện thành phố Montréal mở ra với thế giới.

Trong số các sự kiện đáng kể có việc thắp sáng cầu Jacques-Cartier, cầu sẽ được đổi màu theo giờ và theo nhịp sống của thành phố. Các buổi triển lãm, bên trong và ngoài các viện bảo tàng, các nghệ thuật đường phố, các buổi trình diễn ở Saint-Laurent, các tổ chức vui chơi trong các khu phố, tất cả để mừng lễ trong dịp kỷ niệm 375 năm thành lập này. Và đây cũng là dịp để khám phá thành phố yêu kiều này.

Cầu Jacques-Cartier

Hình: Nhà thờ chính tòa Nữ Vương Toàn Cầu ở Montréal. / Emmanuel Berthier/hemis.fr

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch