Radio Vatican, 2017-01-08
«Lên đường» là tựa của một quyển sách phỏng vấn mới Đức Phanxicô dành cho nhà Vatican học Andrea Tornielli, ký giả báo La Stampa và là người đứng đầu trang mạng Vatican Insider. Ngày 10 tháng 1-2017, nhà xuất bản Piemme sẽ phát hành quyển sách tiếng Ý này. Trong tác phẩm nhật ký du hành này, Đức Phanxicô kể các chuyến du hành ở Ý cũng như ở khắp nơi trên thế giới: Các đảo Lampedusa và Lesbos, Ba Tây, Trung Phi, Mêhicô hay Đất Thánh. Nhật ký du hành dưới dạng phỏng vấn, ngày chúa nhật 8 tháng 1-2017, nhật báo Ý đã cho đăng vài trích đoạn.
Giáo hoàng thủ cựu
Cha có thích đi du lịch không? Thành thật mà nói là không, Đức Giáo hoàng trả lời. Nhưng bây giờ thì không như thế nữa. Trước đây khi ngài còn ở Buenos Aires, ngài chỉ đi Rôma «khi cần thiết». Đối với một giám mục, giáo phận là «hiền thê» của mình, không bao giờ có chuyện một giám mục xa giáo phận. Đức Giáo hoàng tự cho mình là «thủ cựu». Theo ngài, nghỉ hè là có thêm chút thì giờ để cầu nguyện, để đọc sách. Ngài nói, ngài chưa bao giờ cần thay đổi không khí, thay đổi bầu khí để nghỉ ngơi. Tóm lại, ngài chưa bao giờ hình dung mình đã đi du hành nhiều như vậy.
Các chuyến đi đầu tiên của ngài
Chuyến đi đầu tiên của ngài không ở trong chương trình được dự trù. Ngài không được chính thức mời đến đảo Lampedusa nước Ý, nhưng ngài «cảm thấy mình phải đến đó». Các tin tức về người di dân đã làm ngài bị chấn động. Vậy quan trọng là phải đi đến đó. Ngài ghi nhận lòng quảng đại của những người ở đảo.
Sau đó ngài đi Rio dự Đại hội Thế giới Trẻ, chuyến đi đầu tiên về Châu Mỹ La Tinh của ngài. Một chuyến đi đã được lên chương trình, sau đó ngài nhận hai, ba lời mời. Khi đó «tôi chỉ đơn giản trả lời ‘được’. Tôi để mình tự nhiên theo». Bây giờ, Đức Phanxicô cảm thấy cần phải đi để gặp các giáo hội, «để khuyến khích các mầm hy vọng».
Mệt?
Chắc chắn, di chuyển từ chỗ này qua chỗ kia là phải chịu đựng, nhất là về mặt tâm lý, nhưng «cho đến bây giờ, tôi xử lý được», Đức Phanxicô thố lộ. «Tôi cần nhiều thì giờ hơn để đọc, để chuẩn bị», vì một chuyến đi không phải chỉ là những ngày đến nơi mình được tiếp đón. Khi trở về Vatican, Đức Giáo hoàng cần một ngày để nghỉ nhưng ngài cho biết, ngài hạnh phúc với tất cả các chuyến đi này, được phong phú qua các cuộc gặp gỡ, các hình ảnh ngài mang về theo mình. «Khi nào tôi cũng nói: thật đáng công».
Chỉ giữ những chuyện thiết yếu
Cha có thay đổi gì trong lịch tông du không? Không có thay đổi gì nhiều, các bữa ăn trưa chính thức. Đức Phanxicô cho rằng, lẽ tự nhiên là các nhà cầm quyền địa phương, các giám mục muốn mừng khách của mình. Phần còn lại, ngài nói «không có gì là chống khi ăn chung với bạn bè»; các câu chuyện ăn chung trong Phúc Âm thì rất nhiều. Tuy nhiên khi bận thì ngài thích ăn đơn giản và nhanh chóng.
Lòng nhiệt thành của đám đông
«Hosanna!» Đó là chữ ngài kêu lên khi thấy đám đông chờ hàng giờ trên đường xe giáo hoàng sẽ đi qua. Rồi sau đó, ngài nghĩ đến câu của hồng y Albino Luciani khi được một nhóm giúp lễ vỗ tay lâu dài: «Các con có nghĩ, có giây phút nào con lừa mà Chúa Giêsu ngồi trên lưng khi vào thành Giêrusalem nghĩ những tiếng vỗ tay này là của nó không?»
«Giáo hoàng phải ý thức mình ‘mang’ Chúa Giêsu, mình làm chứng cho sự gần gũi và dịu dàng của Chúa Giêsu cho tất cả các tạo vật, đặc biệt là những người đang đau khổ.» Với những người hô «vạn tuế Đức Giáo hoàng», đã nhiều lần Đức Phanxicô xin họ hô «vạn tuế Chúa Giêsu». Ngài nhắc lại ở đây.
Tình phụ tử của các Giáo hoàng
Đức Phanxicô còn nhớ lại cuộc nói chuyện giữa Đức Phaolô VI và triết gia Pháp Jean Guitton. Đức Giáo hoàng thố lộ với triết gia Pháp rằng «phẩm chức mong muốn nhất» của một giáo hoàng là tình phụ tử. Theo Giáo hoàng chân phước, tình phụ tử này là một «cảm nhận xâm chiếm tâm trí và đi theo chúng tôi từng giờ mỗi ngày; một cảm nhận không thể giảm đi, ngược lại chỉ lớn lên, vì lớn lên theo số con cái; một cảm nhận không mệt mỏi nhưng làm cho mệt mỏi tan biến. Chưa có khi nào tôi cảm thấy mệt khi đưa tay lên ban phép lành. Tôi không bao giờ mệt khi ban phép lành hay khi tha thứ». Các lời này Đức Phaolô VI đã nói khi ngài đi Ấn Độ về. Theo Đức Phanxicô, «các lời này giải thích vì sao các Giáo hoàng đương đại quyết định lên đường».
Các chuyến đi đáng nhớ nhất?
Sự nồng hậu của giới trẻ ở Rio khi họ ném ‘mọi thứ’ lên xe giáo hoàng, em bé len lỏi để cuối cùng lên được xe và ôm được Giáo hoàng. Ngài nhớ đến các tín hữu công giáo, nhưng cả tín hữu hồi giáo, hinđu đã họp nhau như «người trong cùng một nhà», tiếp đón ngài ở đền thờ Sri lanka ở Madhu. Ngài cũng nhắc đến sự tiếp đón của người Phi Luật Tân, các người cha Phi Luật Tân đã bồng con mình trên tay như muốn nói «đây là tài sản của con, tương lai của con, tình thương của con, và đây là vì sao con đã bỏ công sức ra làm việc và hy sinh». Ngài cũng nhớ đặc biệt các em khuyết tật ở Phi Luật Tân. «Các cha mẹ không che giấu con mình, nhưng đẩy con mình ra đàng trước để được ban phép lành». Ngài cũng nhớ trận mưa ở xối xả ở Tacloban, nơi ngài mặc áo mưa vàng để dâng thánh lễ cho hàng ngàn nạn nhân trận cuồng phong Hải Yến. Và các tín hữu ướp mẹp này không đánh mất nụ cười của họ.
Làm sao cha nhớ hết tất cả những người đã gặp? «Tôi mang họ trong lòng. Tôi cầu nguyện cho họ, cho những hoàn cảnh khó khăn mà vì thế tôi đã gặp họ. Tôi cầu nguyện để những bất bình đẳng dưới mắt tôi được tiêu tan.»
Một Âu châu bị bỏ rơi?
Tại sao có ít chuyến đi ở Âu châu? Chỉ có năm giờ ở Lesbos, Hy Lạp để gặp người tị nạn và các anh em chính thống Bartholomée và Hyéronimos. Trước đó, Đức Giáo hoàng đã đến Nghị viện Âu châu và Hội đồng Âu châu. Ngài chỉ đến các cơ quan này chứ không thăm xứ sở. Rồi Đức Phanxicô đi Albania và Bosnia, các nước ở Âu châu nhưng không thuộc Cộng đồng Âu châu.
«Tôi ưu tiên cho những nước mà tôi có thể mang đến một sự giúp đỡ nhỏ cho các nước này, khuyến khích những người, mặc dù cho các khó khăn và xung đột, họ vẫn làm việc cho hòa bình và sự hiệp nhất. Những nước đã và đang gặp khó khăn trầm trọng. Điều này không có nghĩa là tôi không quan tâm đến Âu châu mà tôi vẫn khuyến khích, như tôi có thể, tái khám phá lại và mang ra thực hiện các gốc rễ nguyên thủy nhất của mình, các giá trị của mình. Tôi xác quyết, sẽ không phải chế độ quan liêu, các phương tiện kinh tế cao cấp sẽ cứu chúng ta khỏi cơn khủng hoảng hiện nay và giải quyết các vấn đề di dân.» Đối với Đức Giáo hoàng, vấn đề di dân là vấn đề cấp bách quan trọng nhất của Liên hiệp Âu châu từ sau Thế chiến Thứ nhì.
An ninh
Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Phanxicô cám ơn các hiến binh và cận vệ Thụy Sĩ đã thích ứng theo phong cách ít theo nghi thúc của ngài. Ngài cho rằng, một mục tử, một người cha không thể ở đàng sau kiếng chắn đạn của chiếc xe giáo hoàng kín mít. «Có thể tôi hơi vô tư, nhưng tôi không thấy sợ cho cá nhân tôi». Nếu ngài sợ một cái gì thi đó là sợ cho đám đông đã đi đến gặp giáo hoàng hay đi đến một buỗi lễ. «Lúc nào cũng có hiểm nguy của một người điên hành động». Nhưng chắc chắn, «lúc nào cũng có Chúa».
Hình: Đức Phanxicô đến phi trường Malmo, Thụy Điển ngày 1 tháng 11-2016. – AFP
Marta An Nguyễn chuyển dịch