Những lời nói và cử chỉ ấn tượng của Đức Phanxicô

251

Le Figaro,  Jean-Marie Guénois, 27-5-2014

Phát biểu ở Giêrusalem, Đức Phanxicô xin Israel mở cửa để dân chúng được tự do vào các nơi thánh và lên án bạo lực, khủng bố và tất cả các hình thức kỳ thị khác.

Đức Phanxicô là người bướng bỉnh. Không còn ai tin vào hòa bình thì ngài cúi trán xuống, ngẫng cằm lên và ngài đi tới, một bước đi dứt khoát. Cứ như thế mà ngài làm trong ba ngày ngắn ngũi ở Đất Thánh. Người ta thấy nhiều lần ngày tự đặt mình trong tư thế chiến đấu để chuyển dịch một biên giới hay một trở ngại. Hoặc, nếu cần, bắt cây cầu băng ngang vực thẳm.

Chẳng hạn, sáng thứ hai khi đứng trước Bức tường Than Khóc, nơi biểu tượng cao nhất của Do Thái giáo, ngài nhét vào kẻ hở của Bức tường bản Kinh Lạy Cha và ngài ôm choàng hai bạn của ngài, Abraham Skorka, giáo sĩ Do Thái người Argentina và  Omar Abboud, giáo sư Hồi giáo, Chủ tịch Viện đối thoại Liên tôn ở Buenos Aires để chứng tỏ ba người tin tưởng vào hòa bình này có thể bắt đầu làm cho thế giới thay đổi.

Đức Phanxicô rất rạng rỡ. Đôi mắt ướt mang một tâm trạng xúc động sâu xa, trong khi cũng giờ đó ngày hôm qua, gương mặt của ngài đanh lại vì giận. Cơn giận thấy rõ. Ngài vừa dựa trán vào một bức tường than khóc khác của nhân loại. Bức tường nói rằng mình được xây lên vì an ninh, giữa các Vùng đất của người Palestine, vùng ngoại biên của thành phố Giêrusalem. Thêm một lần nữa, một cử chỉ như muốn tìm cách hạ bức tường do phía Israel xây lên năm để tự bảo vệ – và bảo vệ thành công – khỏi các cuộc mưu sát mù quáng chống dân chúng nhưng lại làm cho đời sống của người Palestine trở nên nghẹt thở.

Bất ngờ mời hai Tổng thống Israel và Palestine

Chiều chúa nhật, ở thành phố cổ Giêrusalem, nơi thiêng liêng nhất của Thiên Chúa giáo: Đền thờ Mộ Thánh. Nơi thiêng liêng không phải chỉ là nơi chịu khổ nạn của Chúa Kitô và nấm mồ của Chúa Kitô nhưng còn là nơi của tất cả chia rẽ của giáo hữu Kitô, được duy trì một cách tinh tế bằng các bức tường thế tục của chia cách. Với Thượng phụ Chính thống Bartholomée của Constantinople, hai vị lãnh đạo thiêng liêng đã cùng quỳ bên nhau. Họ đặt trán trên hòn đã đã được xức dầu và cùng cầu nguyện cho sự hợp nhất của Kitô hữu.

Hành vi cuối cùng, hành vi ngoaạn mục nhất, là vào ngày chúa nhật, ngài đã mời Tổng thống Israel và Tổng thống Palesine cùng đến Vatican cầu nguyện chung với ngài cho hòa bình. «Đến nhà tôi»! có nghĩa là đến Vatican, lời mời có tính cách lịch sử của chuyến đi hành hương này.

Còn hơn cả chuyến đi dự Đại hội Giới trẻ ở Rio mùa hè năm ngoái, một chuyến đi theo đúng quy trình soạn sẵn, chuyến đi này là chuyến đi theo quy trình riêng của ngài. Điều mới toanh này thêm một lần nữa nói lên phong cách của Đức giáo hoàng với các cử chỉ mạnh, diễn văn ngắn gọn và lời nói sốc.

«Dù là người Do Thái, Kitô Giáo và Hồi Giáo, ai cũng tin con người được Thiên Chúa tạo dựng và tiền định cho hưởng sự sống đời đời.” Phanxicô

Và rồi có sự thay đổi chương trình vào trưa thứ hai, Đức Phanxicô quyết định không ăn trưa như đã dự định ở Trung tâm Đức Bà – nơi ngài đã gặp ông Benyamin Nétanyahou thủ tướng Israel-, do tổ chức Binh đoàn của Chúa Kitô đảm trách. Ngài ghé qua ăn trưa ở nhà ăn Dòng Phan Sinh…

Đàng sau những gì mà người thì cho là lập dị, người thì cho là thần sầu là cả một sứ điệp mà Đức Phanxicô muốn nhắm tới khi đến Đất Thánh. Sáng thứ hai, khi đứng trước Tổng thống Israel, ông  Shimon Pérès – ngài xin Tổng thống để cho mọi người được tự do vào các nơi thánh ở Giêrusalem-, ngài nói một cách rõ ràng nhất. Và đó là kim chỉ nam của chuyến đi: «Xây dựng hòa bình đòi hỏi trước hết phải tôn trọng quyền tự do và nhân phẩm của từng con người, theo Đức Phanxicô.

«Dù là người Do Thái, Kitô Giáo và Hồi Giáo, ai cũng tin con người được Thiên Chúa tạo dựng và tiền định cho hưởng sự sống đời đời. Từ niềm xác tín chung này, chúng ta có một điểm chung là cùng cam kết để có một giải pháp hòa bình cho các xung đột và mâu thuẫn. Ở đây tôi xin làm mới lời kêu gọi của tôi là các bên tránh những sáng kiến và những hành động đi ngược với ý chí đã đưa ra để đạt tới một sự thỏa thuận thực sự và rằng họ sẽ không mỏi mệt hoạt động cho hòa bình, với một tấm lòng kiên trì và quyết tâm.»

Hệ quả: «Phải cương quyết đẩy lui tất cả những gì làm ngăn chận sự kiến tạo hòa bình, ngăn chận sự tôn trọng để ở chung với nhau giữa người Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo: dùng đến vũ lực và khủng bố, mọi hình thức kỳ thị vì các lý do chủng tộc và tôn giáo, tự cao áp đặt quan điểm của mình không tôn trọng quyền của người khác, nạn bài Do Thái dưới mọi hình thức, tất cả cũng như bạo lực và các hình thức không bao dung chống những người hay những nơi thờ phượng của các người theo đạo Do Thái, Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo.»

Sứ điệp này vượt xa khuôn khổ Đất Thánh…

Nguyễn Tùng Lâm dịch