Có một Giáo hoàng Dòng Tên… “Cũng hơi khó xử”

214

Aleteia, Clarissa Oliveira, 17-3-2014

Cuộc bầu chọn Đức Phanxicô đã làm cho Dòng Tên ở dưới ánh sáng của các ngọn đèn. Aleteia gặp một trong các cựu học sinh của Jorge Bergoglio, linh mục Umberto Miguel Yañez.

Một tu sĩ Dòng Tên ở chức vị giáo hoàng là có thể gây ra một vài hoang mang: một giáo hoàng khấn vâng lời giáo hoàng! Nhưng Đức Phanxicô không từ bỏ đặc sủng tinh thần I-Nhã. Aleteia đã gặp linh mục Umberto Miguel Yañez, giáo sư thuộc phân khoa Thần học luân lý của Đại học Giáo hoàng Grégoria ở Rôma và là cựu học sinh của Jorge Mario Bergoglio từ 1973 đến 1979.

Một giáo hoàng Dòng Tên có ý nghĩa như thế nào đối với Dòng Tên?

Đối với Dòng Tên, sự việc có một giáo hoàng thuộc dòng của mình thì cũng hơi khó xử. Một mặt, sự nổi tiếng của ngài đã làm cho Dòng Tên là trọng tâm chú ý của tín hữu và của dân chúng. Đôi khi, trong giòng lịch sử, Dòng Tên bị bao quanh bởi một hào quang huyền bí; có rất nhiều chuyện  nói về các tu sĩ Dòng Tên, từ sự khai trừ của các vua Bourbons cho đến việc Đức giáo hoàng Clément XIV loại bỏ luôn.

Sau Công Đồng Vaticanô II, nhiều tu sĩ Dòng Tên trở thành những nhân vật gây bối rối cho các nhà lãnh đạo vì họ công khai chống đối các chuyện bất công. Có một vài tu sĩ Dòng Tên tử đạo. Ngay cả trong nội bộ Giáo hội, một vài tu sĩ Dòng Tên có thái độ phê phán các thứ bậc hành chánh và giới lãnh đạo quyền uy.

Vậy mà bây giờ giáo hoàng lại là tu sĩ dòng Tên. Cuộc đời của ngài khá bí ẩn trong nghĩa là không phải lúc nào cũng được nói đúng. Nhưng ngài luôn luôn có một tầm nhìn xa. Dòng Tên cũng ngạc nhiên khi thấy một tu sĩ của họ lần đầu tiên trong lịch sử đứng đầu Giáo hội. Đây là một điều mới mẻ của thời đại này, đã cho Giáo hội một cú thúc để đi tới đàng trước.

Nhờ việc bầu chọn Đức Phanxicô, nhất là nhờ sự nổi tiếng của ngài, các tu sĩ Dòng Tên có được lợi gì không? Cha có nghĩ đức giáo hoàng có một ảnh hưởng nào đó cho sự gia tăng ơn gọi không?

Ở thành phố Mendoza của tôi ở Argentina, sỉ số ghi tên tham dự vào nhà thờ của tu sĩ Dòng Tên đã tăng lên rất nhiều nhưng tôi không nghĩ chỉ có các nhà thờ của các tu sĩ Dòng Tên mới có số lượng tham dự cao như thế. Đức Phanxicô đã thức tỉnh chiều sâu tâm linh cho rất nhiều người, ít nhất ở Argentina của chúng tôi, nhà thờ chật ních. Đối với ơn gọi thì còn hơi sớm để xem có được gia tăng hay không. Mỗi ơn gọi là hoa quả của một tiến trình lâu dài, đòi hỏi có nhiều thời gian để nhận định và trưởng thành.

Chúng ta có thể nói văn hóa của sự gặp gỡ và con đường nhân bản, đặc biệt là với người nghèo như Đức Phanxicô đã nêu ra có phải là đặc nét của dòng Tên không?

Trong một vài nghĩa thì đúng là có. Nhưng công thức thì của Đức Phanxicô khi ngài còn làm ở Tòa Tổng Giám mục Buenos Aires. Một trong các bài phỏng vấn đầu tiên ngài trả lời cho một nhật báo, ngài đã nói đến một «văn hóa của gặp gỡ», một gần gũi cần thiết trong một xã hội phân tán của chúng ta, giữa chủ nghĩa khủng bố của quốc gia và loạn quân của cánh tả. Một mặt khác, phong cách mục vụ của ngài đã mang đậm chất tầm quan trọng đối với người nghèo ở các khu phố ổ chuột, nó có từ khi ngài còn làm Hiệu trưởng trường Maximo ở San Miguel và khi ngài thành lập Giáo xứ Thánh Giuse.

Khi giáo hoàng họp với Dòng, người ta có thể thấy nơi ngài những nét đặc biệt của tinh thần thánh I-Nhã, đấng sáng lập Dòng Tên không?

Một tinh thần đơn giản rất cao, một chiều sâu tâm linh, một gần gũi thân tình là các đặc nét của tinh thần I-Nhã trong quan hệ của ngài với các tu sĩ Dòng Tên, trong các quan hệ riêng của ngài cũng như trong các trao đổi thư tín của ngài. Các nét chung này được thấy trong cách ngài dâng Bí tích Thánh Thể, một sự đơn giản thấm sâu vào huyền nhiệm để trao truyền huyền nhiệm với sự trong suốt cao cả và với một mức độ soi sáng sâu đậm.

Đâu là những nét tiêu biểu «Dòng Tên» thấy rõ khi nhìn vào Đức Phanxicô?

Trước hết là chiêm nghiệm. Đó là khi một người đang hành động và cùng một lúc họ có khả năng giữ được sự hiện diện của Chúa trong họ và thấy được sự hiện diện này nơi tha nhân. Để làm như vậy ngay cả khi ở giữa đám đông, ánh mắt nhìn của ngài gặp ánh mắt của người đang đau khổ, người bệnh tật hay người yếu đuối mong manh, ngài dừng lại để gần họ qua cử chỉ trìu mến và qua tấm lòng thấu hiểu.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch