Martin Lembke: «Giáo hội công giáo Thụy Điển vững vàng

309

famillechretienne.fr, Pierre Jova, 2016-10-25

Martin Lembke, 44 tuổi, giáo sư khoa tôn giáo học ở Đại học Lund là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ mới của giới trí thức gia nhập Giáo hội công giáo ở Thụy điển.

Bức thư ngõ ông viết năm 2013 cho Tòa Giám mục Luther ở Uppsala để bảo vệ giáo điều Đức Mẹ Đồng Trinh và Chúa Kitô đã gây một tiếng vang lớn.

Xin giáo sư cho biết quá trình thiêng liêng của giáo sư như thế nào?

Tôi được nuôi dạy trong một gia đình tin lành thuộc giáo phái Hiện xuống. Ở Thụy Điển có một hố ngăn cách rộng giữa các Giáo hội Phúc âm được gọi là “Giáo hội tự do” (Frikyrkan) và Giáo hội Luther đã có từ lâu. Từ lâu Giáo hội Luther công kích các cộng đoàn đối thủ này, họ cho các cộng đoàn này là «tà phái». Còn về Giáo hội Phúc âm, họ xem Giáo hội Thụy Điển là một công cụ hoàn toàn thuần phục Quốc gia. Khi còn tuổi vị thành niên, tôi ở trong phong trào của mục sư nổi tiếng giáo phái Phúc âm Ulf Ekman (năm 2014, mục sư đã vào đạo công giáo). Thật hứng thú, chúng tôi muốn tái-kitô giáo nước Thụy Điển!

Năm 27 tuổi, tôi về thành phố Lund để học môn tôn giáo học. Khi học thần học, tôi mới nhận ra kitô giáo có một lịch sử. Có một “lỗ hỗng” giữa Các Tông Đồ và Martin Luther! Lúc đó tôi muốn làm mục sư trong Giáo hội Thụy Điển. Sau năm năm học, tôi nhận ra mình suy nghĩ như người công giáo. Năm 2006, tôi được nhận vào Giáo hội.

Làm thế nào để là một người công giáo trong môi trường hàn lâm?

Ngày nay, căn tính công giáo ở Thụy Điển rất vững chắc. Về mặt thần học, căn tính này rõ ràng và thống nhất. Ngược lại, các giám mục Luther gieo lờ mờ. Rất nhiều người chú giải các giáo điều theo ẩn dụ. Đạo công giáo đóng một vai trò thế giá trong giới trí thức Thụy Điển. Trong lãnh vực thần học hệ thống, các nhà giáo công giáo lại đông hơn các nhà giáo tin lành. Bây giờ gặp các người công giáo trong môi trường đại học trở thành chuyện bình thường. Sự nhất quán của Giáo hội công giáo thu hút rất nhiều người.

Chúng ta có đang chứng kiến một sự tái sinh của Giáo hội ở Thụy Điển không?»

«Tái sinh» là chữ tôi thấy hơi mạnh. Nhưng đã có một sự nhiệt thành đích thực và một tinh thần lạc quan trong môi trường công giáo. Gốc rễ của chúng tôi rất mạnh, nên chúng tôi là chỗ dựa lưng cho toàn thể cộng đoàn tu sĩ.

Tôi sốt ruột muốn nghe Đức Giáo hoàng nói gì trong chuyến đi sắp tới này của ngài. Ngài là duy nhất, ai cũng yêu mến ngài. Ngay cả những người tin lành bảo thủ họ cũng yêu mến Đức Giáo hoàng, dù họ không hài lòng về sự tiến hóa của Giáo hội Thụy Điển. Tôi sợ Giáo hội này sẽ tiếp tục đi xuống.

Nhưng nhất là không được dựa vào điều này: nếu sự tăng trưởng của đạo công giáo có được do sự thiệt hại của các Giáo hội kitô giáo khác, thì sự tăng trưởng này dùng để làm gì? Đó là điều mà các tín hữu giáo phái Phúc âm đôi khi có khuynh hướng muốn làm, dù cho lòng sốt sắng của họ thật đáng ngưỡng phục. Sứ mệnh của chúng tôi nhắm đến đại đa số người Thụy Điển bây giờ không còn quan tâm gì đến Chúa. Đây là một công việc lâu dài.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch