Quá khứ đau thương của tín hữu Công giáo ở Albania

262

 Radio Vatican, 18-9-2014

Đức Phanxicô sẽ đến Tirana, thủ đô nước Albania chúa nhật này. Hai lý do ngài đến đây: ủng hộ mô hình sống chung hòa bình giữa Hồi giáo và các Giáo hội Kitô và vinh danh các vị tử đạo người Công giáo dưới chế độ độc tài của Cộng sản. Trong vòng gần 50 mươi năm, các tín ngưỡng khác nhau đã sống trong thầm lặng dưới chế độ độc tài Enver Hoxha. Cộng đoàn Công giáo đã trả một giá quá đắt, hàng trăm linh mục, tu sĩ, giáo dân bị bách hại, tra tấn, bị giết vì đức tin của họ.

Một phần lớn các vị tử đạo này ở Shkodar, thành phố chính phía Bắc Albania, chỉ cách biên giới Montenegro vài cây số. Ký giả Jean-Baptiste Cocagne đến thành phố tượng trưng cho sự đau khổ dưới chế độ độc tài này.

Chúa nhật này Đức Phanxicô sẽ không đến Shkodar như Đức giáo hoàng Gioan-Phaolô đã đến năm 1993, nhưng thành phố vẫn chờ cuộc viếng thăm của ngài. Bằng chứng là rất nhiều áp phích mong Đức Phanxicô đến xứ của những con chim diều hâu này. Ở Shkodar, giáo dân chờ sự kiện phong chân phước cho 40 vị tử đạo Albania. Các vết tích của việc bách hại trong thời Cộng sản vẫn còn đầy ở thành phố này, nhất là ở nhà dòng của các nữ tu Dòng Clara.

Nữ tu Sonia kể:

«Các phòng của nữ tu trở thành trụ sở của công an mật, văn phòng của họ. Và nhà kho ở bên cạnh nhà dòng biến thành nơi tra tấn, phòng hỏi cung, xà lim nhốt tù nhân.

Ngày nay, sau khi sửa chữa, đây sẽ là nơi tưởng niệm và là nơi chứng tích. Ở đây, các hòn đá cũng nói được, máu của anh em chúng tôi đã chảy trong các hành lang này.

Từ nay ngôi đền ở bên cạnh nhà dòng Clara mở ửa ra cho dân chúng xem: dân chúng có thể xem hàng hai chục xà lim đắm mình trong bóng tối, chỗ tra tấn thì ở ngoài sân, chẳng cần che giấu gì. Trên tường là các chứng tích bách hại của tất cả các tôn giáo: các nhà thờ ở bên cạnh các nguyện đường Hồi giáo.

Nữ tu Sonia kể:

«Trong vòng 50 năm bách hại, chỉ có một liên tôn, đó là liên tôn đau khổ». Vì trong các xà lim này, mọi người đều chịu đựng đau khổ, anh em Hồi giáo cũng như anh em Kitô chúng tôi và các linh mục Công giáo. Bây giờ các ông bà Hồi giáo lớn tuổi đã từng sống dưới chế độ Cộng sản bách hại hay nói: «Chúng tôi chịu đau khổ như Chúa Giêsu Kitô chịu đau khổ.»

Các nữ tu Dòng Dấu Thánh chỉ ở cách nhà tù vài trăm mét. Chứng nhân của cuộc bách hại là năm nữ tu lớn tuổi nhất, tất cả trên 85 tuổi, các xơ còn ở chung một nhà dòng. Năm 1991, họ đã chứng kiến sự sụp đổ của chế độ Cộng sản. Nữ tu Pina còn nhớ giai đoạn này:

«Tôi mừng phát khóc vì tôi như được sinh lại. Thật sự là một cuộc tái sinh. Về mặt thiên liêng cũng như về mặt thể xác. Họ đã phá hủy hoàn toàn nhà dòng này. Họ đã đốt cháy hết, chẳng còn gì ở đây. Bây giờ tôi không thể nào hình dung là tôi đang còn ở đây, bởi vì chúng tôi đã chịu không biết bao nhiêu đau khổ. Quý vị hình dung sự khủng bố đến mức độ nào: tất cả các linh mục đều bị thử thách dưới chế độ Cộng sản. Những người chúng tôi biết dù còn trẻ, họ cũng bị giết. Đó là Cộng sản.»

Các nạn nhân của chế độ này phải kể đến hàng trăm, dù con số chính xác chưa được điều tra xong. Nhóm 40 vị tử đạo Albania là chỉ tượng trưng cho một số người bị bách hại. Linh mục Mario Imperatori, giám đốc Viện Thần học và Trt học của Đại chủng viện Shkodar lấy làm tiếc là «không có giáo dân trong nhóm này. Những người đàn ông và cả những người đàn bà vì các bà tiếp tế lương thực cho các linh mục bị giam tù. Những người này thường bị bỏ quên.»

Trong số các vị tử đạo Albania chỉ có một phụ nữ: Nữ tu Maria Tuci chết khi mới 22 tuổi sau 4 năm bị cầm tù, nữ tu thuộc Dòng Các Dấu Thánh.

Nguyễn Tùng Lâm dịch