Ký giả Peter Seewald đã tiết lộ với tờ báo Đức Die Zeit, rằng Đức Bênêđictô XVI đã cảm nghiệm một ‘tình yêu lớn’ khiến ngài day dứt để chọn con đường độc thân khiết tịnh.
Vatican Insider | Andrea Tornielli | 09-9-2016
Trong bài phỏng vấn đăng trên tuần báo Die Zeit của Đức, ký giả Peter Seewald, tác giả quyển sách phỏng vấn đầu tiên với Đức Joseph Ratzinger về sau là Đức Bênêđictô XVI, đã tiết lộ rằng khi còn trẻ, Đức Giáo hoàng Danh dự đã cảm nhận một ‘tình yêu lớn’ khiến ngài khó khăn trong quyết định chọn đường độc thân khiết tịnh. Nhưng tiết lộ này chưa từng xuất hiện trong các bài viết hay sách vở của ông. Sau khi San Paolo đăng tiểu sử tự thuật ngắn gọn của ngài, có người hỏi Trưởng Thánh bộ Giáo lý Đức tin Ratzinger rằng liệu ngài có những tình yêu thiếu thời không, và nếu có vì sao ngài không bao giờ nhắc đến. Hồng y trả lời với một nụ cười, nói rằng ngài đã dùng hết giới hạn số từ đã thỏa thuận với nhà xuất bản rồi.
Ông Seewald cho biết, ‘Tình yêu này khiến ngài dằn vặt vô cùng. Sau chiến tranh, lần đầu tiên phụ nữ xuất hiện ở đại học. Ratzinger là một chàng điển trai, thanh nhã, một nhà duy mỹ viết thơ và đọc Hermann Hesse. Một trong các bạn học của ngài cho biết Joseph Ratzinger có ảnh hưởng lên phụ nữ và ngược lại. Độc thân không phải là quyết định dễ dàng với ngài.’
Những giáo hoàng cận đại khác cũng có nhưng cảm nghiệm tương tự. Sự thật nhiều người biết rằng các cô gái bị hút hồn trước chàng diễn viên điển trai đầy hấp dẫn Karol Wojtyla. Sự thật là ít nhất một diễn viên nữ diễn chung đã phải lòng ngài, dù cuối cùng không được đáp lại tình cảm.
Eugenio Pacelli, người trở thành Đức Piô XII, cũng được biết là từng có tiếng sét tình cảm lúc 13 tuổi. Ngài đã viết một bài thơ với tựa đề “St. Marinella 1889,’ bày tỏ tình cảm trìu mến với một cô gái mà ngài mô tả là ‘đức hạnh, hòa nhã, ngọt ngào, cảm mến, ngoan ngoãn và thuần khiết,’ một thiếu nữ ‘yêu kiều hơn đóa hoa ngát hương ngọt ngào nhất’ với ‘đức hạnh và vẻ đẹp sáng như vì sao.’ Rõ ràng bài thơ này lấy cảm hứng từ những tác phẩm của Dante. Nhưng cô gái này là ai? Ngài hẳn đã có tình cảm với một cô gái tên là Lucia, người bạn của các chị em gái của ngài. Nhiều năm về sau, khi được bầu làm giáo hoàng vào ngày 02-3-1939, linh mục quản xứ Onano, cha Matteo Alfonsi đã cho một ký giả ở quảng trường thánh Phêrô biết rằng, ‘nếu Lucia đã nói ‘vâng’ thì sẽ khôgng có giáo hoàng Pacelli hôm nay.’ Từ chuyện này có vẻ như cô gái đã chối từ tình cảm của cậu Eugenio. Cậu chuyện này cũng được xác nhận trong nhật ký của Giovanni Papini, trong đó ông ghi lại chuyện những bậc lão niên ở Onano kể cho mình. Tình cảm của cậu Eugenio cho Lucia rõ ràng được mọi người trong làng biết đến.
Cuối cùng, nhưng cũng không kém quan trọng, là Đức Giáo hoàng Phanxicô. Trong bài nói chuyện với rabbi Abraham Skorka, hồng y Bergoglio đã nói về ấn tượng của mình với một cô gái. Không như các trường hợp ở trên, câu chuyện này được đích thân người trong cuộc kể lại.
‘Khi còn là chủng sinh, tôi bị tiếng sét ái tình với một cô gái tôi gặp tại tiệc cưới của chú. Tôi choáng váng trước vẻ đẹp, và sự thông minh của cô, và tôi đã sững sờ một hồi. Khi trở về chủng viện, tôi không thể cầu nguyện suốt một tuần, dù cố gắng hết sức nhưng cô gái vẫn hiện lên trong trí. Tôi phải nghĩ lại những gì mình đang làm. Tôi vẫn còn là chủng sinh, nên tôi vẫn còn tự do, tôi có thể gói ghém đồ đạc và về nhà. Tôi phải ngẫm nghĩ về chọn lựa của mình. Một lần nữa, tôi lại chọn, hoặc là để mình lại được chọn con đường tu trì.
Thật không bình thường nếu không có những chuyện này. Khi nó xảy ra, phải xác định lại bản thân và xem liệu bạn có thể tiếp tục theo chọn lựa của mình, hoặc nói, ‘Không điều tôi cảm nghiệm quá đẹp đẽ, tôi sợ mình sẽ không thể trung thành với dấn thân này, nên tôi rời chủng viện.’ Khi có chuyện đó xảy đến với một chủng sinh, tôi giúp anh ấy đi về bình an, để anh ấy có thể trở nên một Kitô hữu tốt thay vì một linh mục tồi.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch