Ronald Rolheiser, 27 Tháng Sáu 2016
‘Tôi không phải là công dân của Athens, mà là công dân của thế giới.’ Socrates đã viết những dòng này cách đây hơn 24 thế kỷ. Ngày nay, chúng ta cần những lời này hơn bao giờ hết, ngày càng cần hơn, khi thế giới và chúng ta đang chìm trong những dạng chủ nghĩa bộ lạc không lành mạnh, chỉ quan tâm trước hết cho những gì của mình.
Chúng ta thấy thực tế này ở khắp nơi. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng chuyện này chỉ có trong những nhóm cực đoan, nhưng thực ra nó đang là chủ trương được biện hộ ngày càng hăng hái ở khắp nơi trên thế giới. Nó kiểu như thế này: Nước Mỹ trước hết! Anh quốc trước hết! Quê hương tôi trước hết! Chính phủ tôi trước hết! Giáo hội tôi trước hết! Gia đình tôi trước hết! Tôi trước hết! Chúng ta ngày càng biến mình thành ưu tiên hàng đầu và xác định mình theo những kiểu không chỉ đi ngược lại Tin mừng mà còn làm cho chúng ta tầm thường hơn trong tinh thần và khốn cùng hơn trong tâm hồn. Chuyện này là gì đây?
Trước hết, nó đi ngược lại Tin mừng, chống lại mọi sự Chúa Giêsu dạy. Tin mừng nói rõ ràng rằng tất cả mọi người trong thế giới này đều bình đẳng trước mặt Chúa, tất cả đều là anh chị em, và chúng ta phải chia sẻ của cải công bằng với tất cả mọi người nhất là người nghèo, và quan trọng nhất là chúng ta không đặt mình lên vị trí ưu tiên hàng đầu, nhưng luôn luôn nghĩ đến nhu cầu của người khác trước mình. Và như thế, tất cả những khẩu hiệu đặt ‘tôi,’ ‘chúng ta,’ ‘của tôi,’ ‘nhóm chúng ta,’ ‘quốc gia tôi,’ lên trên hết, là đang chối bỏ những điều trên. Hơn nữa, lối sống Tin mừng, không chỉ áp dụng cho những mức độ nhỏ, như khi chúng ta nhã nhặn nhường cho ai đó vào phòng trước mình, mà còn áp dụng cho toàn thể một quốc gia. Với chúng ta, khi nghĩ về quốc gia mình trước hết, về lợi ích của chúng ta trước hết, thì có điều gì đó thiếu chính chắn và thiếu đạo đức đi ngược lại tư cách công dân của thế giới, bận tâm lo cho lợi ích của tất cả mọi người.
Và chân lý này không chỉ có trong Tin mừng và lời dạy của Chúa Giêsu, mà còn trong những gì cao cả và tốt đẹp nhất trong chúng ta. Định nghĩa về tấm lòng lớn ngụ ý là vượt trên tư lợi và sẵn sàng hi sinh lợi ích của mình cho lợi ích của người khác và lợi ích của cộng đồng. Và suy nghĩ lớn cũng tương tự như vậy. Chúng ta là người suy nghĩ lớn bởi chúng ta nhạy cảm với toàn cảnh, và có thể nghĩ đến những người nhu cầu, thương tích và hệ tư tưởng của tất cả mọi người chứ không chỉ của riêng mình. Đây là thông hiểu chứ không phải chỉ là thông minh. Khi mang lòng nhỏ nhen, chúng ta không hiểu được những gì cao hơn nhu cầu của mình, những tổn thương của mình, và hệ tư tưởng của mình.
Từ kinh nghiệm, chúng ta cũng nhận thức như thế. Những ngày đẹp trời nhất, lòng và trí của chúng ta cởi mở hơn, sẵn sàng chào đón hơn, sẵn sàng chấp nhận những khác biệt hơn, và sẵn sàng hi sinh lợi ích của mình vì người khác hơn. Những ngày đẹp trời nhất, chúng ta là con người tử tế, có trái tim lớn, và biết thông hiểu, và trong những ngày đó chúng ta chẳng thể nào nói rằng: Tôi trên hết! Chúng ta đặt bản thân lên trên hết và để những bận tâm về lợi ích của mình chiếm hết tâm hồn, là khi chúng ta gặp những chán nản, tổn thương, mệt mỏi và bị tác động tư tưởng quá độ. Và ngay cả khi chúng ta cự lại được sự nhỏ nhen này, thì phần nào trong chúng ta cũng nhận thấy mình không tốt như trước. Phía sau những tổn thương những chứng bệnh hệ tư tưởng, chúng ta vẫn tập trung vào chân lý rằng, trước hết, chúng ta là công dân của thế giới. Một trái tim lành mạnh vẫn đập phía sau trái tim thương tích bị ung nhiễm của chúng ta.
Đáng buồn thay, hầu như mọi thứ trong thế giới ngày nay lại quyến dụ chúng ta xa khỏi đó. Chúng ta là con cái của Rene Descartes, định hình tư tưởng hiện đại bằng câu châm ngôn lừng danh: ‘Tôi suy nghĩ, nên tôi hiện hữu.’ Những cơn đau đầu và đau tim của chúng ta là những gì thật nhất với chúng ta, và chúng ta định lượng các mối quan hệ khác chiếu theo tâm điểm của mình. Đó là lý do vì sao chúng ta quá dễ nói rằng: ‘Tôi trước hết! Quê hương tôi trước hết! Những day dứt của tôi trước hết!’
Nhưng sẽ không có hòa bình, không có cộng đồng thế giới, không có tình anh chị em đích thực, và không có cộng đoàn giáo hội đích thực, bao lâu chúng ta chưa xác định mình là công dân của thế giới, rồi mới đến là thành viên của nhóm mình.
Phải thừa nhận là chúng ta phải chăm lo cho gia đình, cho quê hương, và bản thân mình. Công lý cũng có nghĩa là chúng ta đối xử công bằng với chính mình. Nhưng, xét tận cùng, sự căng thẳng này không có thật, nghĩa là nhu cầu của người khác và của chúng ta, không đối đầu nhau. Athens và thế giới cùng chung một khối. Chúng ta phục vụ mình tốt nhất khi phục vụ người khác. Chúng ta công bằng vớimình khi công bằng với người khác. Chi khi là công dân tốt của thế giới, chúng ta mới là công dân tốt của quốc gia mình.
Đặt mình lên trước hết là đi ngược lại Tin mừng. Mà đó là một chiến lược tồi. Bởi Chúa Giêsu đã dạy rằng, đến tận cùng, kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch