cath.ch, Maurice Page, 2016-08-17
Chiều thứ tư 17 tháng 8, Tổng thống Pháp François Hollande đã có buổi hội kiến riêng với Đức Phanxicô. Ba tuần sau vụ ám sát Linh mục Jacques Hamel ở Rouen, chuyến đi của vị nguyên thủ Quốc gia Pháp là để giải hòa với người công giáo Pháp.
Trước khi có buổi hội kiến riêng này, mà bình thường nội dung được giữ kín, báo chí công giáo và thế tục Pháp đã bàn luận nhiều về sự thay đổi thái độ của Tổng thống đối với Giáo hội công giáo Pháp. Sau một thời gian lạnh giữa Rôma và Pháp, bầu khí đã thay đổi. Vụ giết người man rợ của Linh mục Jacques Hamel ngày 26 tháng 7, trong lúc ngài đang dâng thánh lễ, đã làm cho mọi người choáng váng, kể cả những người ở ngoài Giáo hội. Ngay hôm linh mục bị ám sát, Tổng thống François Hollande đã điện thoại cho Đức Giáo hoàng bày tỏ sự «đau buồn của dân tộc Pháp sau vụ ám sát bỉ ổi này», ông nói thêm «khi một linh mục bị tấn công thì cả nước Pháp bị giết”.
Ký giả Bernard Lecomte, chuyên gia về Vatican đã giải thích cho báo Gia đình Kitô (Famille Chrétienne) rằng, «các mục tiêu của hai người đi tìm thì rất khác nhau», Tổng thống François Hollande trước hết đặt mục tiêu vào việc tranh cử sắp tới. «Vị nguyên thủ Quốc gia đã rất nhạy cảm, ngạc nhiên, thậm chí rất ấn tượng về phản ứng phi thường của Giáo hội Pháp sau các biến cố đau thương xảy ra ở nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray. Là một chính trị gia, ông không thể bỏ qua cái mà ông nghĩ là «lá phiếu bầu của người công giáo» và vì thế ông xin hội kiến với Đức Giáo hoàng. Về phần mình, Đức Thánh Cha chấp nhận vì, «theo truyền thống, các giáo hoàng tiếp tất cả các nhà lãnh đạo quốc gia nếu họ yêu cầu.»
«Tổng thống François Hollande đến để có hình, để cho tín hữu công giáo thấy, họ có thể tin tưởng ở ông. Đã đến lúc phải làm! (…) Vì từ đầu nhiệm kỳ năm năm của ông, bầu khí thế tục ở Pháp thường châm biếm, thậm chí khinh thường người công giáo ở Pháp. Nhưng họ không dễ bị lừa».
Một hành động biết ơn
Ông Guillaume Goubert, giám đốc nhật báo Thập Giá ( La Croix) cho rằng chuyến đi này là để «thể hiện lòng biết ơn» của vị nguyên thủ Quốc gia đối với «thái độ của người công giáo trước cái chết của Linh mục Hamel». Theo ông, Tổng thống Hollande đã rất “ấn tượng” về “tầm cao các phản ứng của tín hữu, của các linh mục, của Đức Giáo hoàng” sau vụ ám sát ở nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray. Các tín hữu công giáo cho thấy một “quyết tâm cự lại không hận thù, không báo thù”. Từ đó, Tổng thống François Hollande “ý thức được vai trò Giáo hội công giáo có thể đóng như một thể chế trong giai đoạn khủng hoảng”.
Hồi kết của các tôn giáo?
Như Tổng thống François Hollande đã nói với các ký giả của báo công giáo, một vài người nghĩ rằng, trong lịch sử nước Pháp, sự giải phóng sẽ đưa đến hồi kết của các tôn giáo, bà Isabelle de Gaumyn, chủ bút báo Thập Giá cho biết. Người ta đã thấy rõ ngược lại, các tôn giáo có một vai trò trong sợi dây xã hội của một xã hội. “Nước Cộng hòa thế tục không có nghĩa là nước Cộng hòa lương dân”, tổng thống đã thừa nhận.
“Với điều kiện là người ta để cho các tôn giáo thực hiện vai trò này. Đúng vậy, nếu tôi có thể nói, sự sinh động chỉ có thể thực hiện được nếu để cho Thần Khí tác động! Nhưng sự sinh động này là một công việc kiên nhẫn từ nhiều năm nay trên nhiều lãnh vực, giáo dục, trao truyền, chuyển tiếp bởi một mạng của các tín hữu, hoạt động bên cạnh những người bị loại trừ, những người trẻ, những người gặp khó khăn và cũng qua đối thoại với các tôn giáo khác, nhờ sự tồn tại của các hiệp hội, các cơ quan và nhờ công việc suy tư về mặt thần học. Một sự hiện diện ở trong quần chúng mà các chính trị gia thường có khuynh hướng nhanh chóng đưa ra tranh cãi với các tôn giáo. Một khi đã qua sự xúc động của vụ nhà thờ Saint Etienne-du Rouvray, người ta hy vọng Tổng thống François Hollande, và với ông là tầng lớp chính trị sẽ nhớ lại bài học.”
Người ta xóa hết, rồi người ta lại bắt đầu
Người ta xóa hết, rồi người ta lại bắt đầu, báo Le Point bình luận. Cuộc hội kiến riêng của Tổng thống François Hollande với Đức Phanxicô sẽ là dịp mở ra một chương mới giữa nước Pháp và Vatican. Vì chẳng bí mật cho ai, trong lần gặp trước ngày 24 tháng 1-2014, hai bên không thông cảm nhau cho mấy.
Tổng thống François Hollande đến Rôma trong khi có cuộc thảo luận gay gắt về hôn nhân cho tất cả. Thêm nữa, lúc đó báo chí lại đang nói về quan hệ ngoại tình của ông với nữ diễn viên Julie Gayet. Mọi góc cạnh chưa được mài nhẵn. Chuyến đi lúc đó của Tổng thống François Hollande là chuyến đi trong tinh thần thế tục. Ông cũng bỏ đi thói quen nghi thức, ông không đến nhà thờ Thánh Lui của người Pháp (Saint-Louis-des-Français) để gặp cộng đồng công giáo quốc gia ở đây. Sau đó các quan hệ ngoại giao giữa Paris và Rôma bị đình trệ vì việc bổ nhiệm đại sứ Laurent Stefanini ở Tòa Thánh. Ông Stefanini, người công nhận mình đồng tính, được chỉ định mà không tham khảo ý kiến của Vatican trước.
Người anh em đã rửa tội
“Nếu các động lực sâu xa của Tổng thống vẫn còn chưa được biết, thì chuyến đi này là dịp để nhắc lại, đối với chúng ta, người công giáo, thì Tổng thống Pháp là người anh em đã được rửa tội”, linh mục Guillaume Petit viết trên báo Aleteia như trên. “Tổng thống nước Cộng hòa đã được rửa tội ở nhà thờ chính tòa Rouen, nơi tang lễ Linh mục Jacques Hamel được cử hành. Được nhận giáo dục công giáo, ông nói mình là người không tin, không giữ đạo và ông giải thích trên báo Sự sống (La Vie) vào tháng 12 năm 2011, tôi “tự rèn luyện cho một một triết lý sống”. Và nếu… Và nếu ơn Chúa đang rạch cho ông một con đường trong quả tim ông?
Marta An Nguyễn chuyển dịch