Cùng nhau, một tiếng nói cho hòa bình
zenith.org, Anita Bourdin, 2016-06-20
«Cùng nhau, chúng ta sẽ là một tiếng nói cho hòa bình»: sáng thứ hai 20 tháng 6-2016, tại Vatican Đức Phanxicô tiếp cựu tổng thống Israel Shimon Peres, Giải Hòa Bình năm 1994.
Cuộc tiếp kiến «riêng» và Vatican không ra thông báo về cuộc tiếp kiến này, nhưng cựu tổng thống Shimon Peres đã nêu lên cuộc tiếp kiến này.
Hai vị đã bàn về vấn đề khủng bố quốc tế, sự đe dọa hòa bình và ổn định chính trị trên thế giới: một đề tài thiết thân của Giải Hòa Bình mà Trung tâm Hòa Bình mang tên ông.
Cùng nhau, một tiếng nói cho hòa bình
Theo một thông báo của Trung tâm Peres, Đức Phanxicô đã ôm cựu tổng thống Israel trong tay mình, nói với ông, ngài biết ơn ông đã đến Vatican: ông đã 93 tuổi và tháng 2 vừa qua đã phải vào bệnh viện.
Đức Giáo hoàng nói thêm, trong đường hướng của cuộc gặp gỡ năm 2014: «Cùng nhau, chúng ta sẽ là tiếng nói cho hòa bình, để ngưng đổ máu, để chống lại hận thù và khủng bố nhân danh tôn giáo», vì «không ai có quyền cất mạng sống người khác nhân danh Chúa và tôn giáo». Đức Giáo hoàng nói niềm băn khoăn của mình đối với người trẻ, cũng theo nguồn tin trên: «Đó là bổn phận chúng ta phải kiến tạo hòa bình và các giá trị đạo đức… cho thế hệ trẻ.»
Về phần mình, cựu tổng thống Peres cũng nói về người trẻ: «Chúng ta có bổn phận luân lý đối với các con chúng ta để ngừng hận thù và đổ máu.»
Ông lấy làm tiếc là «quá nhiều máu đã chảy» ở Trung Đông và trên thế giới kể từ buổi gặp cuối năm 2014 của họ: «Chúng ta chứng kiến sự gia tăng của các vụ khủng bố chống người vô tội nhân danh Chúa.»
Cũng theo nguồn tin của Trung tâm Peres, ông nói thêm về vấn đề của người tị nạn, và cũng như Đức Phanxicô, ông công kích sự dửng dưng: «Chúng ta không thể dửng dưng khi đứng trước hàng chục ngàn người tị nạn, các nạn nhân, các trẻ em bị thương, những người bị mất gia đình, mất nhà cửa.»
Tổng thống Peres cũng nói sự hy vọng của mình nơi sức mạnh lời nói của Đức Giáo hoàng, khi cầm tay ngài: «Thế giới vui mừng vì tiếng nói của ngài đã được nghe, người dân nghe ngài, ngài đã cho họ hy vọng.»
Về tiến trình hòa bình Israel-Palestina, tổng thống Peres lấy làm tiếc đã không có các cuộc thương thuyết trực tiếp: «Tiếc thay, chúng tôi chưa tiến hành các cuộc thương thuyết trực tiếp với người Palestina, mỗi bên còn đổ tội cho nhau». Nhưng ông cũng công nhận, vấn đề thương thuyết là không thể không có: «Chúng tôi không thể tránh việc thương thuyết, chúng tôi không được làm chậm lại tiến trình hòa bình.»
Ông tái khẳng định cái ông gọi là «giải pháp hiển nhiên nhất»: «dần dần tiến đến một giải pháp cho hai Quốc gia», theo nguồn tin của Trung tâm Peres cho hòa bình.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch