fr.aleteia.org, Sylvain Dorient, 2016-06-12
Mohammed trở lại đạo Kitô giáo, ông làm chứng cho sự cần thiết phải đón nhận các cựu hồi giáo trong giáo xứ chúng ta.
Ông Mohammed trước đây là một sinh viên ở Liban, xuất thân từ một gia đình hồi giáo chiit, ông bắt đầu cầu nguyện một mình với Đức Mẹ, một cách lén lút. Vào cuối một khóa học, ông đến gặp một giáo sư khoa kinh tế-vĩ mô mà ông rất mến. Câu chuyện đi từ kinh tế đến siêu hình, ông hỏi giáo sư: «Tại sao có sự hận thù ở đây, giữa tất cả các cộng đoàn? Tại sao người kitô giáo và hồi giáo ở trên bờ chiến tranh?». Câu trả lời khó hiểu của giáo sư: «Chúng ta là hạt cát làm kẹt guồng máy của quỷ» vẫn còn ghi khắc trong đầu của ông. Là kitô hữu được nuôi dạy trong hồi giáo, ông cảm thấy mình dấn thân vào công việc truyền giáo. «Tôi phải nói sự thật về hồi giáo để đón nhận những người đi cùng con đường với tôi.»
«Thần Khí kín đáo thổi»
Mohammed trở lại nhờ một giáo sư khác, giáo sư Pierre, người kèm đặc biệt cho ông khi ông còn nhỏ và lớn lên ở Phi châu với anh chị em của mình. Đó là một giáo sư rất giỏi, nhờ ông mà Mohammed mới thành học trò giỏi, nhưng ông có thái độ kỳ lạ. Ông thường quỳ gối cầu nguyện vào một giờ đã được ấn định. Khi ông ăn thì ông ban phép lành cho bữa ăn của mình… «Chúng tôi theo văn hóa hồi giáo, nhưng chúng tôi không giữ đạo. Chúng tôi chưa bao giờ thấy một tín hữu kitô như giáo sư này, nên chúng tôi tự hỏi không phải ông có thuộc một tà phái nào không!»
Ẩn náu trong lời cầu nguyện
Vào thời kỳ đó, gia đình tôi không hòa thuận. Cha mẹ cãi nhau, cha rất hung bạo… «Tôi không biết làm sao để chuyện này được ngừng. Tôi hỏi giáo sư Pierre. Ông trả lời là ông sẽ dạy tôi cầu nguyện.» Ông dạy tôi, «Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần», Kinh Lạy Cha và các kinh kính Đức Mẹ, tôi rất kính mến Đức Mẹ. «Tôi càng cầu nguyện thì tôi càng thấy tình yêu lớn lên trong lòng tôi, như một cành hoa được tưới», ông tin chắc.
Ông lén lút cầu nguyện, vì mẹ của ông giữ đạo hồi giáo. «Chúng tôi là một gia đình cởi mở và tiếp nhận, chúng tôi có bạn kitô giáo và ngay cả người do thái.» nhưng cha của ông lấy thêm vợ thứ nhì, điều này làm mẹ ông rất đau khổ. Các người láng giềng nói bà bị Chúa phạt vì bà không phải là một tín hữu hồi giáo tốt, từ đó bà giữ những chuyện mà trước đây bà không làm: bà mang khăn voan, bà cầu nguyện… «Nhưng tôi thấy bà rơi vào tình trạng buồn bã», ông Mohammed nhớ lại.
«Thầy đã nói cho con biết sự thật chưa?»
Cậu bé bây giờ là một thanh niên trẻ xuất sắc, sắp đi Beyrouth để tiếp tục học. Anh đến gặp giáo sư Pierre lần cuối và hỏi ông: «Thưa thầy, xin thầy nói cho con biết sự thật, thầy có nói dối con không?». Thầy Pierre trả lời: «Chưa bao giờ». Sự chia tay với giáo sư đã làm anh tổn thương và anh bị đánh động bởi sự chia rẽ giữa các tôn giáo ở Liban. Từ đó, anh xin ghi tên vào một trường Pháp… «Với sự giúp đỡ của Chúa và sự cầu bàu của Đức Mẹ», anh tin chắc. «Cứ mỗi giai đoạn trong cuộc đời tôi, Thiên Chúa đã đặt những cột mốc, giúp tôi gặp những người đặt tôi trên con đường đi đúng. Ngài kín đáo hành động nhưng rất hiệu quả!»
Ông tin chắc, cũng nhờ Chúa mà ông tìm được một chỗ trong một công ty Pháp, nơi ông tiếp tục – và bây giờ vẫn còn tiếp tục – giấu việc ông trở lại. Một vài đồng nghiệp là người hồi giáo, và ông sợ phản ứng của họ.
Internet, một sáng tạo của Chúa
Dù thành công trong nghề nghiệp, ông vẫn không cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn. Ông lần chuỗi một mình như một tín hữu kitô sùng kính. Rồi một buổi chiều, ông có ý tưởng mà ông gọi đó là «sáng kiến của Chúa», chính xác ông cho biết, «cũng như tất cả mọi sáng kiến, cũng có thể nó bị đi một hướng khác»: đó là Internet. Ông tìm trên Google «người hồi giáo trở lại», và ông khám phá hàng trăm video. Luôn luôn dè chừng, ông mở một tài khoản e-mail giả và ông tiếp xúc với một trong những người đó.
Thường xuyên lén lút với các kitô hữu
Trong buổi gặp đầu tiên, ông báo cho một người bạn biết ông sẽ về vào lúc 8 giờ tối, «để có người tìm tôi nếu tôi bị bắt cóc»… Nhưng đến nơi thì ông gặp một linh mục mặc áo chùng, và ông được yên tâm. Và linh mục cho ông quyển Phúc Âm Thánh Máccô. «Tôi đọc ngấu nghiến», ông nhớ lại. Từ đó, người thanh niên trẻ bắt đầu mở ra với kitô giáo, mà ông chỉ biết qua vài kinh. Ông cũng thích kinh Coran nhưng ông thật sự không rành. Ông khám phá cuộc đời của tiên tri Mohammed qua người Hadiths, ông kết luận: «Tôi, tôi cũng là người truyền đạo, tôi tốt hơn người đàn ông đó, tôi không muốn ông ta, tôi muốn Chúa Kitô!». Ông vào trong một hiệp hội tận hiến của những người trở lại, hội Đức Bà Đón Nhận, cựu hiệp hội Đức Bà Kabylie.
«Họ không hiểu là tôi muốn bỏ hồi giáo»
Ông bắt đầu đến giáo xứ và được tiếp đón nồng hậu nhưng phản ứng của một vài kitô hữu làm ông ngạc nhiên. Ông nhớ lại: «Một vài người trong số họ nói đạo Hồi cũng là một đạo tốt, họ không hiểu vì sao tôi lại muốn bỏ… Họ làm tôi giận, tôi biết đạo Hồi, hồi giáo là lạc giáo, một phần gia đình tôi sống trong đó». Ông phân biệt giáo điều và con người, ông ghi nhận có những người hồi giáo có tinh thần kitô giáo còn hơn là các tín hữu kitô… «Đó là những người tốt, nhưng lại là người hồi giáo không tốt, may là vậy», ông tin chắc.
Đón nhận những người trở lại
Từ đơn thuần là người trở lại, bây giờ ông thuộc nhóm người đón tiếp những người trở lại. Ông vui khi được tin, một trong các chị em của mình đã tìm hiểu Chúa Kitô, một phần nhờ nghe tin ông trở lại. Bây giờ, ông đón tiếp những người hồi giáo muốn tìm hiểu Chúa Giêsu, ông khuyên họ: «Nếu bạn muốn tìm hiểu, bạn nên biết, bạn là khí cụ của Thần Khí. Bạn hãy để Ngài làm công việc của Ngài. Bạn hãy lắng nghe, và và nếu ai muốn trở lại nhưng lại rất giận với hồi giáo thì xin bạn đừng giận, bạn hãy là nghệ nhân của hòa bình và tiến bước với nó».
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch