Trong nghi lễ Roma, lễ thánh Maria Magdalena là lễ nhớ, và bây giờ Đức Phanxicô vừa nâng lên hàng lễ kính để nêu bật tầm quan trọng của người đầu tiên làm chứng Chúa Kitô Phục sinh và vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.
Vatican Insider | Andrea Tornielli | 11-6-2016
Theo ý của Đức Phanxicô, Thánh bộ Phụng tự Thánh đã ban hành một văn kiện được hồng y Robert Sarah ký, nâng lễ nhớ thánh Maria Magdalena lên hàng lễ kính. Lễ thánh Maria Magdalena được kính nhớ vào ngày 22 tháng bảy.
Văn kiện đề ngày 03-6, nhân lễ trọng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Theo tổng giám mục Arthur Roche, thư ký thánh bộ, thì quyết định này ‘là một phần trong bối cảnh hội thánh hiện thời kêu gọi suy tư sâu sắc hơn về phẩm giá phụ nữ, về công cuộc Tân Phúc âm hóa, và sự cao cả của mầu nhiệm Lòng thương xót Chúa.’
Theo đức cha Roche, chính Đức Gioan Phaolô II ‘đã tập trung nhiều, không chỉ vào tầm quan trọng của phụ nữ trong sứ mạng của Chúa Kitô và của Giáo hội, mà còn đặc biệt nêu bật vai trò độc nhất vô nhị của thánh Maria Magdalena, chứng nhân đầu tiên của Chúa Giêsu Phục Sinh và là người đầu tiên loan tin Chúa sống lại cho các tông đồ. Thánh Maria Magdalena vẫn quan trọng trong Giáo hội thời nay, một giáo hội muốn chào đón mọi người thuộc mọi chủng tộc, sắc tộc, ngôn ngữ và quốc tịch, để loan báo Tin mừng Phúc âm cho họ.’ Do đó, thánh Maria Magdalena như hình mẫu một ‘người phúc âm hóa đích thực loan báo thông điệp vui mừng cốt lõi của Phục Sinh.’
Đức Giáo hoàng đã ra quyết định này trong Năm Toàn xá Lòng Thương xót để nêu bật tầm quan trọng của người nữ này, người đã thể hiện tình yêu mến vô cùng với Chúa Kitô và cũng được Chúa Kitô yêu mến nhiều.’ Thánh Maria Magdalena cũng là một môn đệ của Chúa, thánh nữ theo Chúa đến tận dưới chân thập giá và cả trong vườn mộ. Như lời Đức Gregory Cả, thánh nữ là ‘testis divinae misericordiae’ chứng nhân đầu tiên trước biến cố Phục Sinh. Tin Mừng thánh Gioan mô tả thánh Maria Magdalena khóc than khi thấy xác Chúa không còn trong mộ. ‘Chúa Giêsu thương bà, xuất hiện cho bà thấy, và biến đổi những giọt nước mắt của bà thành niềm vui hân hoan.
Chúa Kitô cho thấy một sự tôn trọng và thương xót đặc biệt với người nữ này, người đã chứng tỏ tình yêu của bà dành cho Chúa, đã tìm kiếm Ngài trong vườn mà lòng thì lo lắng và đau khổ, bà khóc những giọt nước mắt khiêm nhượng. Thánh Tôma đã gọi bà là ‘tông đồ của các tông đồ’ bởi chính bà đã đến gặp các tông đồ đang sợ hãi khóa kín mình trong phòng, và báo cho các ông một sự mà các ông phải rao giảng cho thế giới.
‘Thật chính đáng khi cử hành phụng vụ cho người nữ này nên được cử hành cùng tầm mức như các tông đồ trong Lịch Chung Roma, và cần phải nêu bật sứ mạng đặc biệt của người nữ là gương mẫu cho mọi phụ nữ trong Giáo hội noi theo.’
Hồng y Gianfranco Ravasi đã viết, ‘xuyên suốt lịch sử nghệ thuật và đến tận ngày nay, truyền thống đã lặp lại hàng ngàn lần rằng thánh Maria Magdalena là một cô gái điếm. Điều này là bởi những trang đầu tiên của Tin mừng, cụ thể là chương 7 Phúc âm theo thánh Luca, đã mô tả sự hoán cải của một người tội lỗi khét tiếng trong thành phố, người đã đổ dầu thơm lên chân Chúa Giêsu, lấy nước mắt rửa chân và lấy tóc lau khô chân Nài. Từ đó, dù vẫn thiếu chứng thực ngữ cảnh, nhưng thánh Maria Magdalena dần bị đồng nhất với người gái điếm vô danh đó. Một Maria khác, là em của Martha và Lazarô, cũng đã tôn kính Chúa Giêsu với cùng cử chỉ như thế trong một dịp khác (Ga 12, 1-8) Như thế, lại có một sự diễn giải sai nữa về thánh Maria Magdalena, sau khi nhầm lẫn thánh nữ với cô gái điếm ở Galilee, nhiều truyền thống lại đồng nhất thánh nữ với Maria thành Bethany, em gái của Martha và Lazarô.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch