Alberta, “đạt tới một tình nhân loại… vô nhân”

479

reporterre.net, Lucas Mascarello, phỏng vấn với Nancy Huston, 2015-05-21

Thị trấn Fort McMurray thuộc tiểu bang Alberta, Canada đang xảy ra một trong những tai ương môi sinh lớn nhất của hành tinh: các công trường khổng lồ khai thác nguồn tài nguyên vô tận: cát có chứa chất bitum. Tiểu thuyết gia Nancy Huston, người gốc Alberta đến đây và bà làm chứng. “Giống như tôi đang thấy sự đạt tới một tình nhân loại… vô nhân.”

Nancy Huston, nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng, nhà viết khảo luận, là người gốc Alberta. Phía bắc tiểu bang này là những công trường khổng lồ ngút ngàn bao quanh một “thành phố nấm”: Fort McMurray. Các công ty dầu hỏa khai thác nguồn tài nguyên mênh mông cát có chứa chất bitum, họ hạ rừng, làm ô nhiễm đất đai, phá hủy sinh thái của vùng. Đó là vùng đất được cai trị bởi dầu hỏa và tiền bạc, bất kể đến thiên nhiên và dân chúng. Bất kể đến lòng nhân.

Tập sách, Dầu thô, đổ xô đi tìm vàng đen tố cáo điều này (Brut, la ruée vers l’or noir, Lux Eùditeur). Các bài viết của Melina Laboucan-Massimo, David Dufresne, Nancy Huston, Naomi Klein và Rudy Wiebe gom lại và bổ túc cho nhau. Nó cho chúng ta thấy tầm lớn lao của tai ương môi sinh trên quan điểm của từng tác giả. Reporterre có bài phỏng vấn với Nancy Huston. Một bài phỏng vấn cần đọc… hay cần nghe.

Nhìn từ trên không một công trường dầu hỏa ở miền Bắc Fort McMurray. Nguồn: Google Earth

Reporterre – Bà từ Alberta về. Bà thấy gì ở đó?

Nancy Huston – Nói “từ Alberta về” thì rất mông lung vì Alberta thì mênh mông, bang này còn lớn hơn nước Pháp. Tôi sinh ở miền Nam tiểu bang và các công trường dầu hỏa thì ở miền Bắc. Tôi chưa bao giờ đến vùng này. Ông bà ngoại tôi ở dòng sông Hòa bình, không quá xa đó. Đó là vùng Athabasca. Nhưng tôi không biết vùng Fort McMurray.

Và thế là cùng với các bạn, chúng tôi thuê một chiếc xe. Chúng tôi đi năm giờ liền và khám phá thành phố ổ nấm này, một thành phố tăng gấp mười từ năm 2000 khi có việc khai thác dầu hỏa. Thành phố Fort McMurray là một thành phố khủng khiếp, vì tất cả ở đó là tiền. Một cuộc đổ xô đi tìm vàng đen. Giống như các vụ đi tìm vàng vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Chỉ toàn là đàn ông… thuần túy đàn ông, họ từ khắp nơi trên thế giới về đây, kiếm tiền một cách nhanh chóng rồi ra đi. Và mỗi khi như vậy thì người dân khó mà đầu tư vào chính nơi mình ở. Họ khó nói chuyện với nhau. Họ không nói cùng một ngôn ngữ, họ không đến từ một tôn giáo. Họ không thành lập một cộng đoàn.

Fort McMurray được xây dựng chính yếu qua các trung tâm thương mãi, bao quanh là các khu vực ngoại ô thường trú cực kỳ đắt. Tất cả mọi sự ở đây đều đắt: tiệm ăn đắt, các trung tâm thương mại nối tiếp các cửa hàng đủ loại, nhưng tất cả toát ra một bầu khí chán nản lạ lùng, không ai muốn đầu tư vào đây. Các trung tâm thương mại chỉ dành cho việc đi phố. Không có trọng tâm, không có thành phố. Tòa thị chính chỉ là một tòa nhà bằng gạch nâu xấu xí. Người ta chỉ có thể đi từ quán cà phê đến quán rượu, tôi thích đến xem người ta uống. Ở đây người ta uống và theo thói quen là để bàn luận, nhưng không thể nào nói được gì vì có các màn hình khổng lồ ở khắp nơi, truyền đi những chương trình âm nhạc thể thao ồn ào.

Vậy, khách đến đây chỉ chơi bi da hoặc uống. Cực kỳ khó để nói chuyện ở đây. Ở mọi nơi tôi đi qua trên quả đất này, tôi đi khắp mọi châu lục, đây là nơi mà tôi cảm thấy không thoải mái nhất. Như thử tôi thấy một sự đạt tới của một tình nhân loại… vô nhân. Một tình nhân loại chỉ tồn tại  trong tương quan của một loại sống còn cho nhu cầu sinh lý.

Vậy Fort McMurray thiếu cái gì?

Thiếu chiều kích thiêng liêng. Nhà thờ ở khắp nơi. Nhưng nhà thờ cũng là một loại quảng cáo như các cửa hàng, các bảng hiệu nhấp nháy nói nên cứu tâm hồn mình hơn là sửa mái nhà. Những chuyện đại loại như vậy. Tất cả đều theo chiều hướng trục lợi.

Và dân số thì rất đông: 100 000 người ở thị trấn Fort McMurray và 30 000 người khác ở trong các công trường làm việc chung quanh đó, họ làm việc cho 55 công ty khai thác dầu hỏa. Ở trung tâm du lịch Fort McMurray, người ta có bán vé đi tua một trong những công trường này bằng xe ca. Và chúng tôi đã đi.

Chúng tôi đi khoảng 45 phút và thăm công trường mẫu của công ty Syncrude, có nghĩa là dầu thô tổng hợp (synthetic crude). Và khai thác từ đất đai này. Rõ ràng là có dính tới Trung Quốc. Khi tôi nói công trường mẫu, có nghĩa là họ sẽ cho chúng tôi xem những hình ảnh tuyệt vời, vui vẻ của việc khai thác dầu theo cách “tổng hợp dầu thô”. Chúng tôi đi xem trong vòng bốn giờ, chúng tôi thấy rừng đang được trồng lại.

Tôi, tôi lạnh xương sống vì tôi là người Canada và tôi cảm nhận, tôi đang đứng trước một loại tuyên truyền y hệt loại tuyên truyền của các nước phía Đông. Trong thời trẻ của tôi, tôi đã đi rất nhiều nước ở sau bức màn sắt: từ Nga qua Ba Lan, qua Bulgaria. Vì thế tôi quen với loại diễn văn lạc quan vô liêm sỉ, cho rằng mọi sự sẽ tốt trong điều tốt nhất của cả thế giới. Họ cho chúng tôi xem cái gọi là “hồ”, có nghĩa là các “hồ giữ nước” chứa đầy nước nhiễm độc, hậu quả của việc khai thác cát có chứa chất bitum. Họ cho chúng tôi thấy thật sự nước được giữ lại rất tốt, không có gì trầm trọng và có đủ loại tiếng động thường xuyên phát ra để làm cho chim chóc sợ, để chúng không đến các hồ này, để chúng khỏi chết.

Điều làm cho tôi sốc nhất trong chuyến đi là bài nói chuyện về rừng. Như thử họ nói, cứ mua một bể cá, thả vào đó ba con cá vàng là tái dựng lại cả một đại dương đã bị hủy! Một khu rừng là một hệ thống sinh thái cực kỳ phức tạp. Họ đã nhổ tất cả những gì có trên mặt đất, họ bứng cây, họ làm nhiễm độc các dòng nước. Họ làm giống như mọi sự sẽ tốt trở lại, chim muông sẽ bay về, thú vật sẽ quay về và tất cả sẽ sống lại ở đây. Tôi kinh hoàng… tôi tê cứng cho sự vô liêm sỉ và cho bạo lực của chính đất nước tôi.

Qua câu chuyện bà kể, bà nhận ra có sự thay đổi từ ngữ. Có một ngôn ngữ mới trồi lên không?

Có một ngôn ngữ mới trồi lên. Người ta nói “cát dầu hỏa” bởi vì người ta tự hào mình có rất nhiều dầu. Chất bitum sẽ được lọc, sẽ được biến thành dầu. Nhưng không phải tại đây, mà tại Texas hay Trung Quốc hay nơi nào khác. Theo truyền thống, nước Canada xuất cảng nguyên liệu thô chưa xử lý, chưa hoàn tất và đó là vẫn còn là trường hợp ở đây. Đó là thô nguyên trạng… thật sự rất thô.

Nhưng nó mang lại rất rất nhiều tiền. Và người ta rất tự hào về chuyện này. Nhưng sản phẩm mà chúng ta khai thác từ các vùng đất này thì thật vô cùng dơ bẩn. Hỗn hợp giữa chất bitum và cát là một hỗn hợp phức tạp khó tả, phải xử lý với hơi nước dưới áp suất để tách cát và dầu ra. Nó sẽ thải ra trong nước và trong các lớp nước giếng các chất độc có tác hại sinh sát trên động vật, trên con người ở hạ lưu dòng sông.

Khi người dân đến từ nhiều nước khác nhau, từ nhiều ngôn ngữ khác nhau thì phải sáng chế ra một ngôn ngữ mới. Vì thế có một sự đơn giản hóa quá đáng tiếng Anh. Điều làm cho tôi bàng hoàng ở đó là các áp phích viết: “BE”: hãy là. Đó là động từ đầu tiên, động từ “là”, một mẫu số chung. Khi mới học tiếng Anh, ai cũng biết động từ này. Và với người dân, người ta khích động, người ta khuyến khích chỉ cần “”. Nó cũng có thể là: “BE YOURSELF”: Hãy là chính mình… “BE, BE, BE, BE YOURSELF, BE UNIQUE”: Hãy độc đáo.

Và đương nhiên, vấn đề “để là” của những người đàn ông đến đây làm việc chính xác là rất khó vì con người trở nên chính mình qua tiếp xúc và qua tương tác với người khác. Từ khi sinh ra, bộ não của chúng ta chưa trọn vẹn, nó chỉ được phát triển qua tương tác với ngôn ngữ, với cảm xúc với những con người khác. Vậy, nếu để những con người ở tuổi trưởng thành vào một nơi hoàn toàn xa lạ và rất khắc nghiệt… đây là một nơi rất lạnh, nhiệt độ trung bình là 2 độ. Mùa đông rất lạnh và rất dài. Trong những điều kiện này, con người sẽ như thế nào?

Công nhân làm việc từ 12 đến 15 giờ mỗi ngày, 7 trên 7 trong 2 đến 3 tuần liền, sau đó có một tuần nghỉ. Nếu họ ở không xa, ở Texas hoặc miền Đông Canada thì họ sẽ có thể về nghỉ một tuần. Nếu họ ở tận cùng trái đất thì họ ở lại tại chỗ và xem truyền hình. Họ bị ở trong tình trạng nghiện. Trong khi làm việc, họ phải đội mũ kết để ngăn tiếng động của máy móc ầm ỉ. Tôi hình dung họ nghe nhạc như sấm trong chiếc mũ kết từ sáng đến tối. Sau đó, họ đi uống một ly, họ lại nghe tiếng động ầm ầm từ màn hình. Trong phòng của mình, họ có máy truyền hình và có mạng Internet. Và đời sống của họ là đời sống ảo từ A đến Z.

Như thử đời sống thật được để trong ngoặc trong nhiều năm. Họ ở đó từ hai đến ba năm. họ kiếm rất nhiều tiền nhưng họ cũng tiêu rất nhiều ở Fort McMurray vì đời sống ở đây đắt, vì thế họ có khuynh hướng ở lại thêm. Họ hoàn toàn cắt đứt với đời sống của mình ở dưới kia. Cơ thể trai tráng với những nhu cầu của người trẻ sẽ như thế nào? Và dĩ nhiên có những quán bar khỏa thân, có những cô gái điếm. Tôi nghe, trong những dịp đặc biệt, họ đã chở máy bay các cô gái điếm từ Edmonton đến để thỏa mãn nhu cầu của… có thể là của các ông chủ chứ không phải của công nhân, tôi hình dung vậy.

Hồ chứa chất độc ở miền Bắc Alberta, ngày 6 tháng 4-2014. © Guy Oberson

“Be” được ghi ở mọi nơi. Nhưng cuối cùng “Be” sẽ là “chiếm hữu”?

“Là và có” thường lẫn lộn với nhau. Giống như người ta không thể hình dung có một chức năng nào khác trong cuộc sống ngoài chức năng chiếm hữu, phải càng ngày càng có nhiều tiền, bảo đảm mình có đủ tiền để cho con đi học, cho con vào đại học. Cuộc sống hoàn toàn trở thành một tính toán tiền bạc, ngoài ra không có gì khác. Các cửa hàng nghệ thuật… tốt, tôi muốn điều này không thể có được trong một thành phố mới sinh ra, trong một vùng không ưu đãi để có các nghệ sĩ lớn. Tôi không ngây thơ. Nhưng cái mà người ta gọi là các cửa hàng nghệ thuật thì rất khôi hài. Họ có những cái móc, đó là những hàng thêu hay móc họ treo trên xe cam nhông. Những chiếc cam nhông khổng lồ lớn như tòa nhà hai tầng mà họ rất hãnh diện.

Đó là một loại nghèo nàn, một loại làm cho con người ta đần độn, tôi không muốn nói một loại súc vật vì tôi quá tôn trọng súc vật. Một loại máy móc hóa con người. Giống như con người đang tự nguyện biến thành máy móc, tự nguyện biến mình thành những chiếc cam nhông, những chiếc xe cần cẩu đang nhổ bứt bề mặt Quả đất. Khi nhìn những chiếc xe này thì giống như nhìn những con khủng long. Và người ta thấy con người hòa lẫn vào các máy móc khủng long này, tự phá hủy chính căn nhà của mình, đất đai của mình.

Người dân có ý thức về sự hủy hoại này, về tai ương môi sinh này không?

Tôi không thể nói tổng quát hết cho người dân ở Alberta vì tôi ít biết về họ. Người dân mà tôi nói chuyện ở đó có vẻ như họ không thật sự lo lắng nhiều. Tôi biết càng ngày càng có nhiều phong trào môi sinh phản đối, nhất là ở các cộng đoàn người dân tộc, nhưng không phải chỉ có một mình họ.

Nhưng quả là đúng, những người chung quanh tôi ở Calgary, Edmonton, những người tôi bàn thảo với họ, họ xem nhẹ những chuyện này. Họ cho cảm tưởng… có thể nói… những người bảo vệ môi sinh: hoặc là những người điên điên, hoặc là những người bị cánh tả xỏ mũi, thậm chí còn bị các nước Ả Rập xỏ mũi. Mục đích của công việc khai thác dầu là để thay thế Ả Rập Xauđi, để thành nước đầu tiên cung cấp dầu cho Mỹ. Như thế họ rất tự hào cho sứ mệnh này, chúng tôi, những người Alberta, chúng tôi không thấy xa hơn cái mũi của mình.

Marta An Nguyễn chuyển dịch