Đức Gioan Phaolô II ngôn sứ đến từ Đông Âu

429

Le Figaro, Bernard Lecomte, 1-11-2009

St John Paul II

Nếu Giáo hoàng được bầu chọn năm 1978 là một giáo hoàng người Ý, Pháp hay Ba Tây thì Bức tường Bá Linh sẽ có thể vẫn còn đứng vững…
Chúng tôi ở Castel Gandolfo, ngày 17-8-1980, trong dinh thự mùa hè của giáo hoàng, Đức Gioan-Phaolô II mở truyền hình: ngài có thói quen xem tin tức trên đài truyền hình Ý (RAI). Tối hôm đó, thời sự nói về tin ở Ba Lan. Ở Gdansk, bên bờ biển Baltique, hàng ngàn công nhân đình công ở Công trường Lênin. Căng thẳng trong nội bộ đảng Cộng Sản lên cao. Bỗng nhiên gương mặt của Đức Gioan-Phaolô II bất động. Trên màn hình ngài thấy rõ công nhân ở Gdansk đang treo chân dung của ngài trên các thanh chắn của nhà máy…
Lịch sử đổi mới. Từ cuộc nổi dậy của công nhân ở Đông-Âu (1953) đến Mùa Xuân Tiệp Khắc (Prague-1968) qua cuộc khởi nghĩa ở Budapest (1956), chưa bao giờ có một cuộc nổi dậy của dân chúng Đông- Âu lại mang tính cách tôn giáo. Lần này, các đại diện tầng lớp công nhân – đích thực công nhân, chứ không phải cán bộ đảng viên tự cho mình là những người đi tiên phong – tham dự thánh lễ mỗi buổi sáng, cầu nguyện với Đức Mẹ Đồng Trinh mà không mặc cảm, lại công khai cầu cứu đến Đức Thánh Cha, Giáo hoàng người Ba Lan đã đến thăm họ năm ngoái khi vừa mới được bầu xong. Tất cả đều nhớ lại chuyến công du mục vụ phi thường về thăm quê hương của cựu Tổng giám mục Cracovie tháng 6 năm 1979 – một chuyến công du đã để lại cho tất cả các sử gia dấu hiệu vết nứt đầu tiên ở bức màn sắt.
Một giáo hoàng người Ý, Pháp hay Ba Tây sẽ không có chuyến đi như vậy. Vào lúc “nghỉ lấy sức” giữa Đông và Tây, và trong khi chủ nghĩa cộng sản đang tiếp tục bành trướng trên thế giới (từ Angola, Lào, Mozambique đến Afghanistan), chỉ có một Giáo hoàng từ Đông-Âu mới dám khẳng định, bất chấp tất cả mọi kiểm duyệt, rằng quyền lực cộng sản là “dấu ngoặc” trong đời sống của những xứ này và việc chia cắt Âu châu làm đôi chỉ là một “sự cố” của lịch sử!

KNIGHTS OF COLUMBUS - New Documentary on Pope St. John Paul II“Anh chị em đừng sợ!” được Giáo hoàng người Xla-vơ tuyên bố ngay ngày nhận chức, tháng 10-1978. Tại Nam Tư, Hung và ngay cả các vùng Công giáo ở Nga của Liên bang Xô-Viết (Lituanie, Ukraine phía Tây), họ hiểu ngay sứ điệp. “Anh chị em hãy mở ra, hãy mở các biên giới Quốc gia ra!” ngài tuyên bố ngay chuyến công du đầu tiên qua Đông-Âu, vào tháng 6-1979 tiếng tăm này, trước khi khăng khăng kêu gọi, trong bài giảng của thánh lễ, sự tái hợp nhất Âu châu.
Đức Gioan-Phaolô II đã thêm tín hiệu cho giáo dân ở những xứ này, được gọi chung là “Giáo hội thầm lặng”. Vài tháng sau khi được bầu chọn, chính ngài đã cam đoan ở Axixi: “Sẽ không còn Giáo hội thầm lặng vì Giáo hội này nói qua tiếng nói của tôi!” Sứ điệp được tất cả những người ly khai ở Đông Âu kiểu như Vaclav Havel, Jan Patocka và Adam Michnik đón nhận. Vài tuần sau, trên máy vi âm đài BBC, ông Alexandre Soljenitsyne hăng hái tuyên bố: “Đức giáo hoàng này là món quà của Chúa!”
Một ngày nọ, Staline châm biếm hỏi: “Giáo hoàng có bao nhiêu binh đoàn?”. Đức Gioan-Phaolô II không phải là nhà lãnh đạo của chiến tranh. Cũng không phải là chính trị gia. “Các binh đoàn” của Giáo hoàng Xla-vơ là các Kitô hữu Đông-Âu, xuất hiện và đi đầu khắp nơi trong hàng ngũ phản kháng: Lech Walesa và linh mục Popieluszko ở Ba Lan, Đức ông Tomasek và Vaclav Maly ở Nam Tư, Doina Cornea và mục sư Tưkes ở Roumanie, vv. Vũ khí của ngài là lời của ngài: trong tất cả các dịp, Giáo hoàng nhân bản và nói nhiều thứ tiếng này đều đề cao nhân quyền, tự do tôn giáo, nhân phẩm, quyền nói sự thật. Đặc biệt, tất cả các giá trị này đều bị lật đổ tại các quốc gia “chủ nghĩa xã hội hiện thực”. Đến mức mà toàn Trung Âu đều cho cuộc ám sát Đức giáo hoàng vào tháng 5 năm 1981 là do KGB của Nga tổ chức, cuộc ám sát làm ngài xém chết! Vào tháng 12 năm 1981, dù bị các hồng y ngăn cản, Đức Gioan-Phaolô II cam kết không để cho Ba Lan bị nghiền nát dưới gót giày của đại tướng Jaruzelski, vì phải làm đây thành một cuộc chiến đấu có tính biểu tượng, phổ quát chống lại áp bức, dối trá.
Tháng 3 năm 1985, khi Mikhail Gorbatchev lên nắm chính quyền ở Liên Bang Xô-Viết, Phương Tây hoài nghi về khả năng cải cách hệ thống xô-viết của ông. Giáo hoàng Xla-vơ thấy rất nhanh sẽ có một cái gì xảy ra, công khai hóa và tái cấu trúc (glasnost-perestrọka) sẽ cho phép ngài thúc đẩy để kéo phần lợi về cho mình. Nhất là buộc đại tướng Jaruzelski, năm 1988, phải đối thoại với Công đoàn Đoàn Kết, Solidarnosc, một nghiệp đoàn bị cấm hoạt động và được ngài tài tình đến củng cố hai lần, một lần vào năm 1983 và một lần vào năm 1987. Tại Moscou, nhân dịp kỷ niệm một ngàn năm Giáo hội Nga tháng 6-1988, Đức Gioan-Phaolô II gởi “Thủ Tướng” của ngài là Hồng y Casaroli qua để đối thoại với Gorbatchev: ông này, bị rơi vào chính cái bẫy cải cách của mình, bảo đảm rằng thời của việc đấu tranh chống tôn giáo đã chấm dứt và chấp nhận nguyên tắc gặp gỡ Giáo hoàng.
Gorbatchev đến Vatican! Ngày 1-12-1989, khi lãnh đạo chủ nghĩa cộng sản toàn cầu đến gặp lãnh đạo Giáo hội Công giáo ở Rôma thì mọi sự đã rồi: Bức tường Bá Linh đã sập, chế độ của ông bắt đầu hấp hối. Chưa được hai năm sau, Tổng thống Liên bang Xô-viết buộc phải nhường địa vị cho những người lãnh đạo mới của nước Nga, Ukraine, Lituanie, Kazakhstan, vv. Đế quốc “Xô viết” bị vỡ tan. Trong một bài viết nổi tiếng của ông đăng hai tháng sau, Mikhail Gorbatchev nhìn lại chuỗi biến cố phi thường này: “Không có một cái gì có thể xảy ra ở Đông-Âu mà không do giáo hoàng này làm…”
A woman and two children pray in front of a sculpture of Pope John Paul II in Oviedo
Bernard Lecomte, ký giả, nhà văn, tác giả quyển Các bí mật của Vatican (Perrin, 2009).

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch