‘Anh chị em không cô độc’ – Đức Phanxicô nhắn nhủ người tị nạn ở Hi Lạp

406

 

Vatican Insider | Andrea Tornielli

Moria – Lesbos – Hi Lạp

Đức Phanxicô đến nơi trên chiếc xe buýt màu trắng, cùng với Thượng phụ Bartholomeo và Tổng Giám mục Ieronymos. Ngài đến thăm trại tị nạn Moria ở Lesbos, Hi Lạp, một trong năm điểm nóng của châu Âu, nơi 2500 người chen chúc ở đây. Đức Phanxicô bắt tay 150 thanh niên đứng cạnh hàng rào an ninh. Trong số này, nhiều người đã mất cha mẹ và cô độc một mình trên thế gian. Nỗi đau hằn rõ lên khuôn mặt rám nắng của họ. Chính đây là những nhân vật chính trong ‘thảm họa nhân đạo lớn nhất kể từ sau Thế chiến II.’ Đi cùng với ‘huynh đệ’ mình là Đại Thượng phụ Constantinople Bartholomeo và Tổng Giám mục Chính thống Athens Ieronymos, Đức Phanxicô trìu mến các em nhỏ và hỏi thăm cha mẹ của các em. Ngài bồng một bé sơ sinh trên tay. Có những lúc camera không theo kịp ngài, bởi ngài chìm trong những cánh tay trẻ em đang giơ ra.

47 40 25 38 24 21 22

20

Trời rất nóng. Đức Phanxicô, Đức Bartholomeo và Ieronymos đến một lều màu trắng, có 250 người tị nạn đang chờ. Đức Giáo hoàng chậm rãi đi chào hỏi từng người một. Một người đàn ông Pakistan quỳ gối và bắt đầu khóc, xin Đức Giáo hoàng ban phép lành. ‘Xin cha chúc lành cho con.’ ông lặp đi lặp lại. Và Đức Phanxicô xúc động đặt tay trên đầu ông, và cầu nguyện.

42Một cô gái trẻ níu lấy chân Đức Phanxicô. Ngài cố gắng đỡ cô dậy, rồi con của cô kể cho ngài nghe chuyện của họ. Cô bé kể một hồi rồi cảm ơn Đức Giáo hoàng bằng tiếng Ả-rập, ‘shukrān.’ Một cụ ông bật khóc khi kể cho Đức Phanxicô nghe về chuyện con cái ông đã thiệt mạng khi cố gắng vượt biển. Ngay cả khi Đức Giáo hoàng đã ra khỏi lều, một bà vẫn cố gắng chạy đến, quỳ xuống, nắm chặt tay ngài. Đức Phanxicô xúc động, không nói gì, nhưng cái nhìn của ngài thấy rõ sự xúc động.

35 36 41

Rồi sau đó, Tổng Giám mục Athens mở lời:

‘Chúng tôi cảm kích sự hiện diện của cha trên đất Hi Lạp, bởi chung tay với nhau, chúng ta có thể khiến cho toàn thế giới, dù là Kitô hữu hay không, phải để tâm đến cuộc khủng hoảng tị nạn thương tâm này. Không cần những lời sáo rỗng. Chỉ cần nhìn vào những trẻ nhỏ mà chúng ta vừa gặp trong trại tị nạn, nhìn vào đôi mắt của các em là chúng ta đã thấy ngay ‘sự phá sản’ hoàn toàn của nhân đạo và tình đoàn kết mà châu Âu đã đối xử với những người này, không phải chỉ trong những năm vừa qua.’

Thượng phụ Bartholomeo cũng có lời với những người tị nạn:

‘Chúng tôi đi đến đây để nhìn tận đôi mắt anh chị em, nghe tiếng anh chị em và cầm tay anh chị em. Chúng tôi đến đây để nói rằng chúng tôi quan tâm anh chị em. Chúng tôi đến đây bởi thế giới chưa quên anh chị em.

Chúng ta khóc khi thấy Địa Trung hải biến thành nấm mồ chôn những người thân yêu của anh chị em. Chúng ta khóc khi thấy sự ân cần và nhạy cảm của người dân Lesbos cũng như các đảo khác. Nhưng chúng ta cũng khóc khi thấy sự chai đá của những anh chị em khác, những người khóa chặt đường biên giới và quay lưng làm ngơ. Thế giới sẽ bị phán xét theo cách mà họ đã đối xử với anh chị em. Và chúng ta, tất cả chúng ta sẽ chịu trách nhiệm cho cách chúng ta phản ứng với cuộc khủng hoảng này, cũng như với cuộc xung đột đang diễn ra ở quốc gia quê hương của anh chị em.’

30

Cuối cùng, Đức Phanxicô ngỏ lời với những người tị nạn ở Lesbos:

‘Cha muốn ở cùng với anh chị em ngày hôm nay. Cha muốn nói với anh chị em rằng, anh chị em không cô độc. Trong những tuần, những tháng qua, anh chị em đã phải chịu nhiều đau khổ khi tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhiều người đã buộc phải chạy trốn các xung đột và đàn áp, phải chạy trốn vì lo cho con cái mình. Anh chị em đã hi sinh rất nhiều cho gia đình. Anh chị em biết nỗi đau khi phải bỏ lại đằng sau mọi thứ thân thương, và khó khăn nhất là không biết tương lai sẽ đi đâu về đâu. Nhiều người như anh chị em, cũng đang ở trong các trại, các thành phố, chờ đợi, hi vọng được xây dựng một cuộc sống mới trên lục địa này.

Thiên Chúa đã tạo dựng con người, thành một gia đình, nên khi bất kỳ anh chị em nào của chúng ta chịu đau khổ, chúng ta tất cả đều bị ảnh hưởng. Qua kinh nghiệm của riêng mình, tất cả chúng ta đều biết rằng để làm ngơ trước đau khổ của người khác, và thậm chí lợi dụng sự yếu đuối dễ tổn thương của họ, là việc rất dễ làm. Nhưng chúng ta cũng ý thức rằng những cuộc khủng hoảng này có thể khơi lên điều tốt đẹp nhất trong chúng ta. Anh chị em đã thấy giữa người dân của mình, và giữa người dân Hi Lạp, những con người đã quảng đại đáp lại trước những thiếu thốn và khó khăn của anh chị em.

Thông điệp mà cha muốn nhắn nhủ với anh chị em ngày hôm nay, đó là:

Đừng mất hi vọng!

Món quà lớn nhất chúng ta có thể tặng cho nhau, là tình yêu thương.’

23J.B. Thái  Hòa chuyển dịch