Đức Phanxicô đảo lộn thứ trật

303

lavie.fr, Jean-Pierre Denis, Chủ bút báo La Vie, 2016-04-12

Đức Phanxicô đi cầu thang

Thứ bảy 16 tháng 4, cùng với vị lãnh đạo chính của Giáo hội Chính thống đại kết Báctôlômêô I, Đức Phanxicô sẽ đến thăm đảo Lesbos của Hy Lạp. Đây là lần đầu tiên hai vị lãnh đạo tôn giáo cùng đi chung và hai Giáo hội cùng bắt tay làm việc chung với nhau theo cách này.

Thời điểm chọn để đi mang nặng ý nghĩa vì Âu Châu đang dàn xếp với Thổ Nhĩ Kỳ để đóng cửa biên giới và chận đứng làn sóng người di dân đến từ bờ bên kia Địa Trung Hải. Trước khi có lời tuyên bố, người ta đã nhận ra tầm mức tinh thần của chuyến đi và tầm mức lịch sử của nó.

Là người con của tỉnh Piémont nước Ý, gia đình Đức Phanxicô đã ra đi để tìm cơ may sinh sống ở một châu lục khác, Đức Giáo hoàng Argentina có một cái nhìn sắc bén về các vấn đề di dân. Chắc chắn, một bài diễn văn gần đây với ngoại giao đoàn đã nhẹ nhàng mở lời giới thiệu trước. Nhưng một chuyến đi đến Lesbos thì nặng ký hơn là một bài nói chuyện với các đại sứ. Đức Phanxicô không đồng ý với tinh thần thực tiển theo kiểu Rocard (“Chúng tôi không thể gánh mọi khốn cùng của nhân loại. Nước Pháp phải giữ tình trạng thật của mình, nước Pháp chỉ là đất tị nạn chính trị (…) nhưng không thể hơn thế.”). Khi đi đến hòn đảo tượng trưng cho các thảm kịch của thời buổi chúng ta, Đức Phanxicô đã chống lại tất cả các nhà cầm quyền quốc gia cũng như Liên hiệp Âu Châu. Với tất cả! Cả những người khuyên nên đóng cửa hoàn toàn hay quản trị nhỏ giọt, lọc, chọn và đuổi.

Điểm chung giữa chuyến đi Lesbos và Tông huấn Niềm vui Yêu thương, tông huấn về gia đình và về hôn nhân, đó là sự bối rối mà ngài gợi lên nơi một số dư luận quần chúng công giáo, nơi mà từ hàng chục năm nay họ tỏ ra thần phục giáo hoàng, mà bây giờ họ đau khổ vì không còn có thể theo. Sự chia tách giữa những người tiến bộ và bảo thủ đã mất ý nghĩa trong nhiều lãnh vực. Đúng là triều giáo hoàng này gợi lên cảm giác khó chịu nơi những người công giáo còn bám vào việc giữ một căn tính, một giáo điều rõ ràng trong một thế giới thay đổi và chuộng tính tương đối. Về vấn đề di dân, làn phân chia chủ yếu là giữa hai Âu Châu: Giáo hội Ba Lan hay Giáo hội Hungary, đó là chỉ kể có hai, họ bảo vệ tinh thần quốc gia, phù hợp với chính quyền của họ và trái ngược với Đức Phanxicô. Còn về hôn nhân, làn phân chia không phải là địa lý và văn hóa, nhưng là thần học và mục vụ. Nhưng điều gây khó chịu là hình ảnh một giáo hoàng làm đảo lộn các chuẩn mực và mời gọi người công giáo chấp nhận hiểm nguy.

Với giáo hoàng này, sự thay đổi dựa trên ba nghịch lý. Nghịch lý đầu tiên ngày càng thấy rõ, là nghịch lý của triều giáo hoàng từ chối cải cách theo cơ cấu mà cải cách theo lối suy nghĩ, tham vọng hơn nhưng cũng bất định hơn. Nghịch lý kế là một giáo hoàng nói mạnh nhưng cùng một lúc, không nghĩ mình có câu trả lời cho tất cả. “Tất cả các cuộc tranh luận về giáo điều, đạo đức hay mục vụ không phải được giải quyết bởi sự can thiệp của các giáo huấn”, ngài viết ngay hàng đầu tiên của Tông huấn Niềm vui Yêu thương. Nghịch lý thứ ba: một giáo hoàng luôn có vẻ như không quan tâm đến các tiểu tiết, nhưng trong tài liệu về gia đình, ngài mời gọi chúng ta nhìn cụ thể vào cuộc sống để nhận định, để cứu xét từng trường hợp một, để đi ra khỏi các ý thức hệ cứng ngắt, của loại lôgic làm bẹp người, hoặc có hoặc không.

Điều kết hiệp tài liệu này và ngăn ba nghịch lý trở thành một mâu thuẫn duy nhất, chắc chắn đó là lòng nhân từ của Tin Mừng. Chọn lựa lòng thương xót là ngọn đèn pha cho tất cả các cơn bão tố của chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch